Người đầu tiên phản cung, khai "bị gây sức ép" trong vụ án Trịnh Văn Quyết: Ký 3 Báo cáo tài chính trái luật, giá trị hợp đồng 100 triệu đồng
Trong 2 ngày xét xử vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết và hầu hết tất cả mọi bị cáo đều thừa nhận nội dung cáo trạng nêu. Duy nhất có bị cáo Lê Văn Tuấn là kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội) không nhận tội.
- 24-07-2024Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết có đủ tiền bồi thường cho các bị hại?
- 23-07-2024Nhiều tình tiết “bất ngờ” trong phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết
- 23-07-2024Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết xin được khắc phục toàn bộ 4.300 tỷ đồng
MỘT BỊ CÁO PHẢN CUNG
Trong phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo trong vụ án Lừa đảo và Thao túng thị trường chứng khoán chiều ngày 23/7, bị cáo Lê Văn Tuấn là kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội) đã phản cung, khai bị gây sức ép.
Tại phiên tòa, ông Lê Văn Tuấn trình bày được cấp phép hành nghề kiểm toán viên vào năm 2017 và không tham gia vào hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính của Công ty Faros giai đoạn 2014-2015.
Bị cáo Tuấn khai bị cáo là cộng tác viên của CPA Hà Nội. Ông Nguyễn Ngọc Tỉnh, cựu Chủ tịch kiêm TGĐ CPA Hà Nội có thoả thuận với bị cáo Tuấn khi khai thác và mang lại khách hàng cho công ty, bị cáo được hưởng 20% doanh thu trên số tiền thực thu về.
Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội thành lập năm 1999, có trụ sở chính tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Công ty này có vốn điều lệ 7 tỷ đồng, trong đó, 2 cổ đông lớn nhất là ông Nguyễn Ngọc Tỉnh nắm 48%, ông Lê Văn Dò nắm 28%.
Trong vụ án Tân Hoàng Minh, các nhân viên của CPA Hà Nội cũng bị cáo buộc soát xét báo cáo kiểm toán độc lập với ý kiến chấp nhận toàn phần mà chưa thu thập đủ bằng chứng kiểm toán tại Công ty Cung Điện Mùa Đông.
Trước câu hỏi của chủ tọa phiên tòa vì sao trong quá trình điều tra bị cáo có nhiều lời khai thể hiện có tham gia vào hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính 2014-2015 của Công ty Faros, bị cáo Tuấn trình bày, bị cáo đã khai báo không trung thực do sức ép của bị cáo Tỉnh. Bị cáo chịu áp lực rất lớn dưới sự chỉ đạo của bị cáo Tỉnh. Bị cáo nhận thức nếu không đồng ý ông Tỉnh sẽ cho dừng hành nghề sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Bị cáo Tuấn cũng khẳng định không biết các diễn biến hoạt động hồ sơ kiểm toán của Công ty Faros.
Chủ tọa hỏi lại bị cáo là kiểm toán viên đã hành nghề nhiều năm, bị cáo không thực hiện việc kiểm toán, liệu bị cáo có tự nhận kết quả kiểm toán mà mình không thực hiện không? Ông Tuấn thừa nhận đấy là hành vi vi phạm pháp luật và sai lầm của bị cáo "không làm cứ nhận". Lời khai của bị cáo là do ông Tỉnh cung cấp.
Bị cáo Tuấn cho biết được ông Tỉnh đưa cho một bản giải trình các câu hỏi của CQĐT dài khoảng 8-10 trang để nghiên cứu, khi nào lên làm việc với Cơ quan điều tra thì dựa vào đây để trả lời và cho biết không có ai chứng kiến việc ông Tỉnh hướng dẫn mình khai báo.
HĐXX đã cho bị cáo Lê Văn Tuấn đối chất với bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh cùng người làm chứng. Sau phần trả lời của ông Lê Văn Tuấn, HĐXX yêu cầu bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh lên bục khai báo.
Bị cáo Tỉnh nói "Không hề gây sức ép cho bị cáo Tuấn trong chuyện có kiểm toán hay không. Những điều mà bị cáo Tuấn vừa khai là không đúng. Bị cáo không gây sức ép cho ông Tuấn phải ký vào các biên bản kiểm toán hay tham gia vào công việc gì."
Ông Tỉnh khai, đối với báo cáo kiểm toán của CPA Hà Nội đối với các báo cáo tài chính năm 2014-2015 của Công ty Faros theo sự phân công của ông Lê Văn Dò, Phó giám đốc Công ty.
Ông Dò phân công cho nhóm kiểm toán gồm 5-6 người. Sau khi làm việc với UBCK, ông Tỉnh có triệu tập cuộc họp của nhóm kiểm toán với sự tham gia của ông Lê Văn Dò.
Ông Tuấn đề nghị nhóm kiểm toán sang thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung theo yêu cầu của UBCK và đề nghị bổ sung ông Lê Văn Tuấn vào nhóm kiểm toán.
Nhân chứng Trần Thị Ninh khai từng làm việc ở Công ty CPA Hà Nội, đã tham gia kiểm toán báo cáo tài chính của Công ty Faros giai đoạn đầu. Sau khi UBCK yêu cầu kiểm toán bổ sung thì bà Ninh nghỉ việc nên không tham gia.
Bà Ninh trình bày không biết có những ai tham gia kiểm toán và chỉ nghe nói không chính thức là Lê Văn Tuấn tiếp quản công việc.
Cũng theo lời khai của bà Ninh, trong thời gian này, “anh Tuấn gọi điện và tôi có nói một số nội dung lưu ý về báo cáo tài chính của Faros”.
HAI BỊ CÁO KÝ 3 BCTC TRÁI PHÁP LUẬT GIÚP NIÊM YẾT CỔ PHIẾU ROS
Bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh và bị cáo Lê Văn Tuấn đều bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo buộc, hai bị cáo ký 3 báo cáo tài chính kiểm toán trái pháp luật giúp Trịnh Văn Quyết niêm yết cổ phiếu ROS của Công ty Faros và bán cổ phiếu chiếm đoạt 3.600 tỉ đồng của các nhà đầu tư. Hành vi của hai bị cáo có vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Trịnh Văn Quyết.
Cụ thể, theo cáo trạng của VKSND Tối cao, để niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán, Công ty Faros phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2014, năm 2015 và 6 tháng năm 2016; đề nghị chấp thuận công ty đại chúng; đăng ký, lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS để giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Ngày 30/12/2015, ông Đỗ Như Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Faros và ông Lê Văn Dò - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội - ký Hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính (BCTC) của Công ty Faros năm 2014, 2015 và 3 tháng đầu năm 2016 với giá trị 100 triệu đồng.
Khi thực hiện hợp đồng kiểm toán các BCTC năm 2014, năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016 của Công ty Faros để lập hồ sơ đề nghị niêm yết, biết BCTC của Công ty Faros chưa đủ cơ sở để chấp nhận toàn phần nhưng ông Lê Văn Dò và ông Lê Văn Tuấn đã cùng ký ban hành các Báo cáo kiểm toán độc lập của Công ty Faros. Theo đó, các báo cáo kiểm toán đều có nội dung chấp nhận toàn phần đối với các BCTC, báo cáo vốn góp của chủ sở hữu của Công ty Faros.
Tại cơ quan điều tra, bị can Nguyễn Ngọc Tỉnh và bị can Lê Văn Tuấn thừa nhận các báo cáo tài chính 2014, 2015 và báo cáo vốn chủ sở hữu từ ngày 01/01/2016 đến ngày 21/03/2016 của Faros và các tài liệu thu thập được không đủ căn cứ để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần. Song, các bị can vẫn chấp thuận toàn phần bởi "Tập đoàn FLC và các công ty trong hệ sinh thái là khách hàng lớn, thường xuyên nên việc ban hành báo cáo, kiểm toán theo ý muốn doanh nghiệp, mặc dù biết là trái quy định nhưng vẫn thực hiện để được thanh toán tiền hợp đồng kiểm toán".
Bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã sử dụng các báo cáo kiểm toán nêu trên để làm hồ sơ đề nghị và được niêm yết cổ phiếu của công ty Faros trên sàn HoSE, từ đó sử dụng sàn HoSE để thực hiện hành vi bán 391,1 triệu cổ phiếu được đăng ký niêm yết trên cơ sở vốn điều lệ khống và đã chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.