Người đi thuê nhà cần phải biết 5 quy định quan trọng dưới đây để không bị thiệt
Trong nhiều trường hợp, người thuê nhà bị chịu thiệt vì không nắm rõ các quy định của pháp luật. Dưới đây là 5 điều người thuê nhà cần biết.
- 09-04-2022Hai nhà máy điện gió ngàn tỉ ở miền Tây hòa lưới điện quốc gia
- 09-04-2022Cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
1. Hợp đồng thuê nhà phải lập thành văn bản
Điều 472 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về hợp đồng thuê nhà ở. Theo đó, hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Mặc dù các Điều khoản khác tại Bộ luật Dân sự năm 2015 không có yêu cầu bắt buộc về hình thức của hợp đồng thuê nhà, hình thức hợp đồng được thực hiện theo quy định chung bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Tuy nhiên, Điều 121 Luật Nhà ở 2014 quy định hợp đồng thuê nhà phải được lập thành văn bản. Trong đó, văn bản phải bao gồm họ tên kèm theo địa chỉ của người thuê và người cho thuê, đặc điểm của nhà cho thuê và thửa đất gắn liền với nhà cho thuê đó.
Riêng thuê nhà chung cư thì các bên còn phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung, diện tích sử dụng riêng, diện tích sàn căn hộ... chung cư. Ngoài ra, giá thuê nhà (nếu các bên có quy định cụ thể về giá thuê), thời hạn cho thuê và các hình thức thanh toán tiền thuê cũng phải được liệt kê trong văn bản.
Bởi vậy, khi thuê nhà, các bên cần phải đọc kỹ hợp đồng thuê nhà trước khi ký để tự bảo vệ bản thân nhất là trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.
Lưu ý, căn cứ khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014, hợp đồng thuê nhà không bắt buộc phải có công chứng. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền, nghĩa vụ cũng như tránh các rủi ro không đáng có, các bên có thể yêu cầu công chứng tại Văn phòng hoặc Phòng công chứng.
2. Chủ nhà tự ý tăng tiền nhà, người thuê được phép không thanh toán
Khi chưa hết hạn hợp đồng thuê nhà, nếu chủ nhà cải tạo nhà ở và muốn tăng tiền thuê nhà thì phải nhận được sự đồng ý của người thuê nhà. Giá thuê mới sẽ do các bên thoả thuận.
Ngược lại, nếu chủ nhà thuê tự ý tăng tiền nhà mà không báo trước, không nhận được sự đồng ý của người thuê thì theo Điều 132 Luật Nhà ở, người thuê có thể tự chấm dứt việc thuê nhà mà không cần sự đồng ý của người thuê.
Nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng, người thuê phải báo trước cho chủ nhà ít nhất 30 ngày, trừ khi có thỏa thuận khác.
3. Không đóng tiền nhà 3 tháng phải chuyển đi
Theo điểm b khoản 2 Điều 132 Luật Nhà ở năm 2014, bên thuê nhà nếu không trả tiền thuê theo thoả thuận của các bên từ 3 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà.
Đồng thời, chủ nhà còn được quyền thu hồi nhà cho thuê trước thời hạn. Cũng tương tự như người thuê, chủ nhà đơn phương chấm dứt hợp đồng phải báo trước cho người thuê ít nhất 30 ngày, trừ khi có thỏa thuận khác.
Ngoài ra, bên cho thuê cũng được phép đòi lại nhà trước hạn mà không phạm luật trong trường hợp bên thuê dùng nhà không đúng mục đích hay tự ý đục phá, cơi nới, phá dỡ nhà thuê...
4. Được cho người khác thuê lại
Điều 475 Bộ luật Dân sự quy định bên thuê có quyền cho thuê lại tài sản mà mình đã thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý.
Vì vậy, nếu các bên thoả thuận cho phép bên thuê nhà được cho thuê lại nhà mình đã thuê (có sự đồng ý của bên cho thuê) thì người thuê nhà hoàn toàn có thể cho người khác thuê lại.
Tuy nhiên, nếu không có sự đồng ý của chủ nhà mà người thuê tự ý cho thuê lại thì đây bị xem là hành vi vi phạm hợp đồng. Theo đó, trong trường hợp này, chủ nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà, thu hồi lại nhà thuê theo điểm đ khoản 2 Điều 132 Luật Nhà ở năm 2014.
5. Nắm rõ về giá điện, nước theo quy định
Theo quy định của Bộ Công Thương tại Quyết định 4495/QĐ-BCT, từ ngày 1/12/2017, giá bán lẻ điện sinh hoạt dao động từ 1.549 đồng/kWh – 2.701 đồng/kWh, tùy vào lượng tiêu thụ điện.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có rất nhiều chủ nhà trọ "thổi" giá điện hàng tháng lên mức 3000 đồng – 4000 đồng/kWh, thậm chí có chủ nhà còn thu tiền điện hàng tháng lên đến 5.000 đồng/kWh.
Theo đó, căn cứ khoản 15 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP, chủ trọ tự ý thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định nêu trên khi mua điện theo giá bán lẻ thì sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.
Tương tự, giá nước sinh hoạt cũng thấp hơn nhiều so với mức mà các chủ nhà trọ thường lạm thu. Cụ thể, theo Điều 3 Thông tư 44/2021/TT-BTC, khung giá nước sạch được quy định như sau:
STT | Loại | Giá tối thiểu | Giá tối đa |
1 | Đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 | 3.500 | 18.000 |
2 | Đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 | 3.000 | 15.000 |
3 | Khu vực nông thôn | 2.000 | 11.000 |
Trong khi đó, nhiều chủ nhà trọ thường thu bình quân mỗi người thuê trọ từ 100.000 đồng/tháng, dù mức sử dụng thấp hơn rất nhiều số tiền này.