MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người đi vay cần biết 3 phương thức cho vay mới rất thuận tiện này

14-02-2017 - 14:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo quy định mới, nếu không có nợ xấu, ngân hàng và khách hàng được thỏa thuận kéo dài thời hạn trả nợ mà không phải cơ cấu nợ hay chuyển nhóm nợ (nhưng tổng thời hạn vay vốn không quá 12 tháng).

Sau hơn 15 năm tồn tại với nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Quy chế cho vay theo Quyết định 1627/2001 sẽ chính thức hết hiệu lực kể từ ngày 15/3/2017. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Một trong những thay đổi quan trọng của Thông tư 39 so với Quyết định 1627 là việc bổ sung ba phương thức cho vay mới theo đề xuất của các TCTD. Đó là cho vay lưu vụ, cho vay quay vòng và cho vay tuần hoàn.

Cho vay lưu vụ: Mở rộng đối tượng để khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn

Theo Thông tư 39, cho vay lưu vụ “Là việc TCTD thực hiện cho vay đối với khách hàng để nuôi trồng, chăm sóc các cây trồng, vật nuôi có tính chất mùa vụ theo chu kỳ sản xuất liền kề trong năm hoặc các cây lưu gốc, cây công nghiệp có thu hoạch hàng năm. Theo đó, TCTD và khách hàng thỏa thuận dư nợ gốc của chu kỳ trước tiếp tục được sử dụng cho chu kỳ sản xuất tiếp theo nhưng không vượt quá thời gian của 02 chu kỳ sản xuất liên tiếp”.

Đây là phương thức cho vay được Agribank đề xuất đưa vào Quy chế cho vay mới. Thực ra, cho vay lưu vụ đã được NHNN chấp thuận cho Agribank áp dụng từ nhiều năm trước đây với đối tượng cho vay là các khách hàng hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay vốn ngắn hạn để thanh toán các khoản chi phí trồng, chăm sóc các loại cây trồng ngắn ngày có 2 vụ liền kề (ban đầu chủ yếu là cây lúa, sau bổ sung ngô, khoai, sắn, đậu,…).

Với định hướng khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, trong đó thừa nhận và “pháp điển hóa” đối với phương thức cho vay lưu vụ, đồng thời mở rộng đối tượng vay vốn là cá nhân, hộ gia đình để nuôi trồng, chăm sóc các cây trồng, vật nuôi có tính chất mùa vụ theo chu kỳ sản xuất liền kề trong năm hoặc các cây lưu gốc, cây công nghiệp có thu hoạch hàng năm.

Như vậy, từ thực tiễn thí điểm đến lần đầu xuất hiện trong một văn bản quy phạm pháp luật, cho vay lưu vụ đã được mở rộng khá nhiều về đối tượng áp dụng. Đến Thông tư 39/2016, đối tượng cho vay của phương thức cho vay lưu vụ tiếp tục được mở rộng từ “cá nhân, hộ gia đình” sang “khách hàng”, nghĩa là áp dụng cho cả các pháp nhân được quyền vay vốn tại TCTD (tất nhiên là phải đáp ứng điều kiện về mục đích sử dụng vốn). Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ về việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cho vay quay vòng và cho vay tuần hoàn: Cho phép áp dụng sau hơn hai năm tạm dừng

Cho vay tuần hoàn hay việc tái tục/quay vòng khoản vay được thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, phương thức cho vay này từng được nhiều ngân hàng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng để tài trợ cho nhu cầu vốn lưu động của các doanh nghiệp tốt và có vòng quay vốn ngắn. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể và lo ngại bị lợi dụng để che giấu nợ quá hạn nên NHNN đã yêu cầu dừng phương thức cho vay tuần hoàn kể từ tháng 9/2014 qua công văn số 7059/NHNN-TTGSNH, sau đó tiếp tục nhắc nhở qua công văn 6960/NHNN-TTGSNH ngày 16/9/2016.

Yêu cầu tạm dừng cho vay tuần hoàn năm 2014 và năm 2016 của NHNN đã vấp phải phản ứng từ nhiều chuyên gia và ngân hàng nước ngoài. Thực tế, đối với các khách hàng sản xuất kinh doanh có vòng quay vốn ngắn, dòng tiền vay ban đầu đã hòa vào dòng vốn lưu động. Tại một thời điểm, tiền vay ấy có thể đang nằm ở nguyên vật liệu, có thể ở các khoản phải thu, hàng tồn kho,… Do đó, dòng tiền về thường rải rác và khó trùng khớp với vòng quay vốn bình quân. Vì vòng quay vốn ngắn nên việc cứ phải vay – trả liên tục làm phiền hà cả ngân hàng lẫn khách hàng. Thay vì sử dụng một hạn mức cho vay thông thường (mỗi lần giải ngân khách hàng phải chứng minh mục đích sử dụng vốn, khi đến hạn phải trả nợ rồi mới được phục hồi hạn mức), nếu sử dụng hạn mức cho vay tuần hoàn, khách hàng được tái tục/quay vòng khoản vay một cách nhanh chóng, đơn giản. Trong đề xuất của các ngân hàng nước ngoài đối với NHNN, “việc tái tục/quay vòng khoản vay không phải do việc suy giảm khả năng tài chính hay chất lượng tín dụng của khách hàng, mà xuất phát từ yêu cầu thực tế hoạt động kinh doanh”.

Với Thông tư 39, lần đầu tiên NHNN đã có những quy định chính thức về cho vay tuần hoàn. Theo đó, TCTD và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay ngắn hạn đối với khách hàng với điều kiện: (i) Đến thời hạn trả nợ, khách hàng có quyền trả nợ hoặc kéo dài thời hạn trả nợ thêm một khoảng thời gian nhất định đối với một phần hoặc toàn bộ số dư nợ gốc của khoản vay; (ii) Tổng thời hạn vay vốn không vượt quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân ban đầu và không vượt quá một chu kỳ hoạt động kinh doanh; (iii) Tại thời điểm xem xét cho vay, khách hàng không có nợ xấu tại các TCTD; (iv) Trong quá trình cho vay tuần hoàn, nếu khách hàng có nợ xấu tại các TCTD thì không được thực hiện kéo dài thời hạn trả nợ theo thỏa thuận.

Như vậy, về cơ bản, nếu khách hàng vay ngắn hạn phục vụ kinh doanh và không có nợ xấu thì thì ngân hàng có thể áp dụng cho vay tuần hoàn, thay vì cho vay theo hạn mức hoặc cho vay từng lần như trước đây. Tức là ngân hàng và khách hàng được thỏa thuận kéo dài thời hạn trả nợ mà không phải cơ cấu nợ hay chuyển nhóm nợ (nhưng tổng thời hạn vay vốn không quá 12 tháng). Quy định này sẽ tạo sự thuận tiện rất lớn trong hoạt động cho vay ngắn hạn phục vụ kinh doanh, do đó dự kiến sẽ sớm được áp dụng rộng rãi tại các TCTD.

Bên cạnh cho vay tuần hoàn, phương thức cho vay quay vòng cũng được bổ sung trong Thông tư 39. Về bản chất, phương thức cho vay quay vòng cũng là sự tái tục/quay vòng khoản vay nhưng áp dụng đối với nhu cầu vốn có chu kỳ hoạt động kinh doanh không quá 01 tháng và tổng thời hạn cho vay không vượt quá 03 tháng. Mặc dù thời hạn vay vốn ngắn hơn, nhưng không giống như cho vay tuần hoàn, cho vay quay vòng không có điều kiện về nợ xấu.

Để đảm bảo quản lý rủi ro từ hai phương thức cho vay mới này, ngoài các điều kiện nêu trên, NHNN cũng yêu cầu các TCTD có quy định nội bộ để kiểm soát việc cho vay theo phương thức cho vay tuần hoàn và phương thức cho vay quay vòng nhằm quản lý dòng tiền của khách hàng để đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thỏa thuận, phản ánh đúng chất lượng tín dụng.

Như vậy, với ba phương thức cho vay mới, Thông tư 39 đã có một bước tiến dài trong việc đảm bảo sự phù hợp giữa các quy định pháp luật với thực tế hoạt động cho vay trên thị trường. Đồng thời, các phương thức cho vay này cũng đáp ứng những thông lệ quốc tế, đảm bảo lộ trình hội nhập, mở cửa của ngành ngân hàng. Đối với các TCTD và khách hàng vay vốn, ba phương thức cho vay mới chắc chắn sẽ sớm đem đến sự thuận tiện và giảm thiểu chi phí hơn nhiều so với các quy định trước đây.

Phong Hiếu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên