Người đứng sau 3 công nghệ mới sẽ có trên xe VinFast: Tiến sĩ từ tuổi 25, profile dày đặc ở Apple, Google, muốn đưa Việt Nam vào bản đồ AI thế giới
Mong muốn “giải những bài toán AI của Việt Nam thay vì những bài toán của thế giới” đã đưa Tiến sĩ Bùi Hải Hưng trở về Việt Nam và trở thành Viện trưởng Viện nghiên cứu VinAI Research thuộc Tập đoàn Vingroup.
- 30-08-2021Shipper bất ngờ khi được Phó Thủ tướng hỏi thăm: 'Thay vì xét nghiệm nhanh 2 ngày/lần, chỉ cần làm gộp 2 người và làm hàng ngày có tốt hơn không?'
- 30-08-2021Bloomberg: Chuyên gia VinaCapital nói gì về cơ hội đầu tư sau chuyến thăm Phó Tổng thống Mỹ và ở ngay giai đoạn đỉnh dịch?
- 29-08-2021Dàn profile khủng tại VinAI - Những nhân tài đang đưa VinFast cạnh tranh sòng phẳng với Tesla
Việc Viện VinAI công bố 3 công nghệ cho ô tô thông minh gồm Hệ thống Giám sát người lái, Tính năng Quan sát toàn cảnh 360 độ và Cơ chế tự lái cho xe đã khiến nhiều người phải sửng sốt trước tốc độ phát triển thần kỳ của hệ sinh thái xung quanh xe VinFast nói riêng cũng như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung.
Đứng đầu Viện nghiên cứu VinAI - mang theo hoài bão thực hiện các nghiên cứu khoa học đột phá trong lĩnh vực AI và máy học mang tầm cỡ hàng đầu thế giới nhằm đưa Việt Nam vào bản đồ AI toàn cầu - chính là Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, một trong những chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo.
Profile “khủng”
Tiến sĩ Bùi Hải Hưng sinh năm 1973, ông từng theo học Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay được ghép chung với hai trường khác tạo thành trường Đại học Quốc gia Hà Nội), cùng dự thi Olympic Toán quốc tế với Giáo sư Ngô Bảo Châu năm 1989 và giành Huy chương bạc năm đó.
Từ năm 1994 đến năm 1998, ông theo học tại trường Đại học Curtin (Úc) và nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính khi mới chỉ 25 tuổi.
Từ tháng 2/2000 đến tháng 10/2003, ông làm giảng viên tại trường Đại học Curtin và đã từng được mời làm giáo sư tại trường Đại học Monash. Tại đây, ông giảng dạy về Trí tuệ nhân tạo, Toán học rời rạc, Giao tiếp máy tính ở cấp đại học, các chủ đề nâng cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo bao gồm mạng Bayes (một mô hình xác suất dạng đồ thị), mô hình đồ họa, mạng thần kinh.
Sau đó, ông trải qua 15 năm làm việc ở Thung lũng Silicon, khu thương mại công nghệ cao của nước Mỹ.
Từ tháng 10/2003 đến tháng 11/2012, ông làm nghiên cứu viên tại Trung tâm AI - Viện nghiên cứu Đại học Stanford. Ông là người nghiên cứu chính trong chương trình nhận dạng hoạt động cấp cao từ video của DARPA (Cơ quan dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến), đồng thời cũng là người chỉ đạo về kỹ thuật trong suy luận xác suất, dự án học máy của DARPA.
Ông từng lãnh đạo một nhóm các nhà nghiên cứu từ nhiều trường Đại học hàng đầu của thế giới (Stanford, MIT, Berkeley) trong việc phát triển công nghệ nhận diện hành vi của con người, trực thuộc CALO - dự án về AI lớn nhất tính đến thời điểm đó, cũng chính là dự án đã sản sinh ra công nghệ trợ lý ảo đầu tiên Siri nổi tiếng đang hiện diện trong những chiếc điện thoại iPhone ngày nay.
Hai năm tiếp theo, ông là nhà nghiên cứu chính tại Phòng thí nghiệm hiểu ngôn ngữ tự nhiên tại Nuance Communications, công ty phần mềm máy tính đa quốc gia tại Sunnyvale, thành phố San Francisco, bang California (Microsoft tuyên bố sẽ mua lại công ty này với giá 19,7 tỷ USD).
Tháng 11/2014 đến tháng 1/2018, ông trở thành chuyên gia máy học tại Adobe Research, nghiên cứu định hình các ý tưởng ở giai đoạn đầu thành các công nghệ sáng tạo cho tập đoàn Adobe.
Sau đó, ông chuyển sang làm nghiên cứu cấp cao trong Google DeepMind - một trong những đơn vị dẫn đầu thế giới về công nghệ AI. Tại đây, ông được đánh giá là nhà sáng chế trí tuệ nhân tạo tại Google với có gần 100 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành và hơn 10 bằng sáng chế về công nghệ được đánh giá tại Mỹ.
Việc ông trở về nước và trở thành Viện trưởng Viện nghiên cứu AI đã khiến nhiều người bất ngờ. Khi được hỏi lý do, ông trả lời đơn giản rằng: “muốn giải những bài toán AI của Việt Nam thay vì những bài toán của thế giới”, mang lại những tác động to lớn khi làm việc trong Google DeepMind.
“Tự làm khó mình” để đưa Việt Nam ra khỏi “vùng trắng” AI
Bất chấp một lý lịch “dày đặc” như thế, việc đưa Viện VinAI đi đến như ngày hôm nay không hề dễ dàng. Quả thực, ông và các đồng nghiệp sẽ rất “dễ thở” nếu đặt viện nghiên cứu ở nước ngoài, nơi dễ dàng tìm được nguồn lực so với nền đạo tạo AI còn non trẻ ở trong nước. Tuy nhiên, nếu làm vậy thì sẽ chẳng mang lại thay đổi gì cho nước nhà như kỳ vọng của Tiến sĩ Bùi Hải Hưng khi trở về Việt Nam. “Việt Nam mình vẫn thiếu một dây chuyền, một quy trình bài bản để đào tạo ra những người giỏi. Tất cả là từ những mảnh ghép rời rạc, tự phát triển, tự tìm đến, tự khẳng định mình.”
Mang theo tâm thái “khởi nghiệp” như bất kỳ một người trẻ nào, Tiến sĩ Bùi Hải Hưng cùng các nhà nghiên cứu khác đã vượt qua những khó khăn để chứng minh rằng Việt Nam hoàn toàn có nhân tài AI chứ không phải tìm ở đâu xa cả. Ông cho rằng sự tách rời giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng là điều đáng tiếc cho Việt Nam, và kỳ vọng mình sẽ là một phần trong việc kết nối hai mảng này để thị trường có nhiều sản phẩm được làm bởi người Việt, trí tuệ Việt, góp phần để Việt Nam không còn là “vùng trắng” về trí tuệ nhân tạo.
Chặng đường của Viện nghiên cứu VinAI cũng như của các nhà khoa học trong viện còn dài. Nhưng với 3 sản phẩm công nghệ cho ô tô thông minh được công bố ngày 27/8/2021 tại Sự kiện “AI Day 2021 - Tiếp lửa đổi mới sáng tạo”, và trước đó là công nghệ nhận diện không cần bỏ khẩu trang, cho thấy “ghi danh với thế giới rằng Việt Nam đang làm trí tuệ nhân tạo” không còn là tham vọng hay hoài bão mà đang trở thành sự thực.
Trí thức trẻ