MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người làm công ăn lương Trung Quốc đau đầu vì "bài toán khó": Lương cắt giảm mạnh 2 năm liền, tiền nhà cửa, xăng xe, điện nước lại tăng mãi không thôi

15-12-2021 - 13:31 PM | Sống

Người làm công ăn lương Trung Quốc đau đầu vì "bài toán khó": Lương cắt giảm mạnh 2 năm liền, tiền nhà cửa, xăng xe, điện nước lại tăng mãi không thôi

Thu nhập trì trệ trong 2 năm qua, nhiều người thậm chí bị cắt giảm nhân sự, không còn tiền lương nhưng phí sinh hoạt vẫn tăng cao không ngừng. Nhiều người bắt buộc phải “thắt lưng buộc bụng”, tằn tiện trong từng đồng.

Thu nhập ảnh hưởng, công việc mong manh

Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 kéo dài trong 2 năm, các cụm dịch vẫn bùng phát ở nhiều nơi, kinh tế Trung Quốc cũng chịu nhiều ảnh hưởng, không khác gì với các quốc gia khác trên thế giới. Doanh số bán lẻ của nước này tăng khá chậm cho thấy sức mua của người dân sụt giảm đáng kể.

Một số ngành công nghệ, dạy thêm… đang chịu nhiều quy định mới để siết chặt, giảm thời gian làm việc. Điều này càng khiến cho nhiều người Trung Quốc còn nơm nớp về triển vọng thu nhập và cơ hội việc làm.

Ở 18 thành phố lớn của Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng thu nhập trung bình hàng năm của người dân đã chậm lại, từ 14% năm 2010 xuống còn khoảng 8% vào năm 2019, theo nghiên cứu của Tổ chức Kinh tế thuộc Diễn đàn Kinh tế trưởng Trung Quốc.

Tại Quảng Châu, một thư ký công ty công nghệ SME, Tina Tang, chia sẻ rằng: “Số tiền kiếm được trong 2 năm vừa qua chững lại trông thấy. Cuộc sống cũng trở nên ảnh hưởng khá nhiều.”

Cô cũng chia sẻ, hoàn cảnh của bản thân vẫn chưa phải bết bát nhất. Nhiều người làm cùng ngành còn chịu cảnh cắt giảm lương hoặc chấp nhận công ty nợ lương trong một thời gian.

“Nhiều người bỏ việc sau khi công ty thông báo giảm 20% lương hàng tháng. Một số khác cũng bị cắt giảm vì tình hình hoạt động và doanh thu không tốt. Từ hơn 130 nhân viên trong nửa đầu năm ngoái, bây giờ công ty chỉ còn lại 32 người”, Tina Tang cho biết.

Người làm công ăn lương Trung Quốc đau đầu vì bài toán khó: Lương cắt giảm mạnh 2 năm liền, tiền nhà cửa, xăng xe, điện nước lại tăng mãi không thôi - Ảnh 1.

Áp lực cạnh tranh và nguy cơ đào thải tăng lên khiến cơ hội công việc mong manh hơn bao giờ hết. Ảnh: CNN

Sinh hoạt phí tăng chưa thấy điểm dừng

Thu nhập ảnh hưởng chưa phải là nỗi lo duy nhất. Tina Tang còn đau đầu vì một “bài toán khó”, đó là sinh hoạt phí. Hàng loạt loại chi phí cần thiết như tiền thuê nhà, tiền mua thực phẩm, tiền điện nước, tiền xăng xe đi lại… đều dần tăng cao, khiến đời sống của cô trở nên túng thiếu hơn.

Tina cho biết: “Lương hàng tháng của tôi hiện là 5.300 nhân dân tệ (khoảng 19 triệu đồng). Năm ngoái, tôi còn có thể thường xuyên đi ăn ngoài, hoặc gọi đồ ăn mang về nhưng năm nay tôi chủ yếu tự nấu ăn. Tôi cũng hiếm khi dám chi tiền cho những thứ không thiết yếu.”

Tại Thâm Quyến, Li Wei, một freelancer chuyên viết bài PR cho các chương trình truyền hình cũng cho biết mình bị cắt giảm lương và tăng tiền thuê nhà. Cuộc sống từ thoải mái, tiện nghi bỗng chốc biến thành hoàn cảnh "thắt lưng buộc bụng".

Li Wei chia sẻ rằng: “Nếu trước đây, cứ viết được khoảng 1.000 từ thì tôi sẽ nhận thù lao là 1.100 nhân dân tệ, thì bây giờ chỉ giảm xuống còn 800 nhân dân tệ mà thôi. Ngược lại, tiền thuê căn nhà 3 phòng ngủ đã tăng từ 8.000 lên 9.000 nhân dân tệ. May mắn là tôi đã tìm được mấy người bạn để ở chung, cùng nhau chia tiền phòng.”

Những người bạn đi làm công ăn lương khác của Li Wei cũng không tránh khỏi tình cảnh eo hẹp tương tự.

"Một vài người may mắn được làm việc trong những tập đoàn lớn, những doanh nghiệp quốc tế khổng lồ nên có thu nhập khá cao. Dù là trong mùa dịch bệnh, họ cũng chỉ bị ảnh hưởng phần một nhỏ. Tuy nhiên, đây đều là những nơi làm việc cường độ cao, vắt kiệt sức lực. Còn trong các ngành công nghiệp truyền thống, chẳng hạn như sản xuất và dịch vụ, thu nhập chỉ có đi xuống, không có tăng”, nữ freelancer chia sẻ.

Người làm công ăn lương Trung Quốc đau đầu vì bài toán khó: Lương cắt giảm mạnh 2 năm liền, tiền nhà cửa, xăng xe, điện nước lại tăng mãi không thôi - Ảnh 2.

Mọi người đều chung tình trạng “thắt lưng buộc bụng” để đối mặt với áp lực tài chính. Ảnh: FT

Trong “cộng đồng làm công ăn lương”, giới văn phòng và lao động tri thức của Trung Quốc nhận mức thu nhập khá, sau khi lương cắt giảm mạnh 2 năm vừa qua, cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhóm thu nhập thấp và trung bình lại càng túng thiếu hơn.

Mặc dù nhiều chính sách được đưa ra để thu nhập khoảng cách giàu nghèo, giúp cho nhóm này đạt thu nhập tốt hơn nhưng tình hình dịch bệnh khiến mọi nỗ lực thêm phần khó khăn.

Mức lương tối thiểu ở các thành phố phát triển nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu là hơn 2.000 nhân dân tệ/tháng (314 USD), trong khi các khu vực nghèo hơn như tỉnh Hắc Long Giang là 1.860 nhân dân tệ/tháng.

Khoảng cách thu nhập giữa cư dân thành thị và nông thôn ở quốc gia này trong 2 năm gần đây vẫn tiếp tục mở rộng. Trước đó, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của cư dân thành thị cao gấp 2,44 lần so với cư dân nông thôn thì tới năm 2020, tỷ lệ này tăng lên 2,44 lần. Trong nửa đầu năm 2021, con số tiếp tục tăng lên 2,6, theo số liệu của NBS.

Do mức lương không mấy dư dả, sinh hoạt phí tăng lên khiến mức sống của họ ngày một eo hẹp hơn. Họ ngày một tằn tiện trong chi tiêu để lo đủ cơm áo gạo tiền.

Người làm công ăn lương Trung Quốc đau đầu vì bài toán khó: Lương cắt giảm mạnh 2 năm liền, tiền nhà cửa, xăng xe, điện nước lại tăng mãi không thôi - Ảnh 3.

Anh Huang Weijie, 45 tuổi, chủ sở hữu của một xưởng may nhỏ ở tỉnh Quảng Đông, cho biết, khách hàng của mình chủ yếu là những hộ lao động nhập cư. Mức chi tiêu của nhóm người này vốn đã thấp, nay lại càng giảm mạnh.

"Năm ngoái, doanh thu cao nhất của tôi có thể vượt quá mốc 5.000 nhân dân tệ mỗi ngày. Trong khi đó, năm nay chỉ có thể kiếm được khoảng là 1.000 - 3.000 nhân dân tệ mỗi ngày. Thậm chí, không ít hôm, sau khi trừ các chi phí liên quan thì tôi còn lỗ.”

Tình trạng khủng hoảng điện và nhiên liệu vừa qua cũng là nhân tố khiến kinh tế Trung Quốc chịu nhiều tác động. Sự khan hiếm thường khiến vật giá leo thang. Do đó, chi phí sinh hoạt của mọi người dần trở thành bài toán khó mà ai cũng phải đau đầu đi tìm lời giải.

*Theo SCMP

Phương Thuý

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên