MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người lao động bị đột quỵ trong giờ làm việc có được xem là tai nạn lao động?

05-08-2024 - 07:31 AM | Xã hội

Đột quỵ có thể diễn ra ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ đâu, bao gồm cả trong thời gian người lao động đang làm việc

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ, trong đó có 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn. Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, nhất là những người trên 64 tuổi. Tuy nhiên, ở Việt Nam thời gian gần đây, đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng, chiếm khoảng 25% các ca đột quỵ.

Đột quỵ có thể diễn ra ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ đâu, bao gồm cả trong thời gian người lao động đang làm việc. Trên thực tế, không ít trường hợp người lao động đã không may bị đột quỵ trong quá trình làm việc. Chẳng hạn nhưng trường hợp của ông L.C.H, nhân viên một công ty điện lực tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Người lao động bị đột quỵ trong giờ làm việc có được xem là tai nạn lao động?- Ảnh 1.

Đột quỵ có thể diễn ra bất cứ thời điểm nào, bất cứ đâu, kể cả trong thời gian người lao động đang làm việc

Cụ thể, vào năm 2021, khi mới 47 tuổi, ông H. đang làm việc tại công ty thì bị chóng mặt, tím tái. Khi đến bệnh viện cấp cứu ông được chẩn đoán bị nhồi máu não, tăng huyết áp, hạ kali máu... Sau điều trị, cơ quan giám định kết luận ông bị suy giảm 73% sức lao động.

Theo ông H, sự việc xảy ra trong giờ làm việc nên trường hợp của ông là tai nạn lao động. Song, phía công ty cho rằng trường hợp của ông H. là bệnh lý, dẫn đến tranh chấp kéo dài cho đến nay.

Trên cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vấn đề đột quỵ trong giờ làm việc có được xem là tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp không cũng được nhiều người đặt câu hỏi, đề nghị giải đáp.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay để xác định một vụ tai nạn xảy ra có phải tai nạn lao động hay không thì phải tiến hành điều tra tai nạn lao động. Việc điều tra tai nạn lao động được quy định tại Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Chương III Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động. 

Về bệnh nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH tại Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15-5-2016 quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH và Thông tư số 02/2023/TT-BYT sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15-5-2016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH. Do vậy, ngoài đối chiếu các quy định trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến nghị doanh nghiệp, người lao động liên hệ trực tiếp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp tỉnh để được hướng dẫn cụ thể hơn tùy theo từng nội dung vụ việc.

Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân:

- Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

- Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

- Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.


Theo Phúc Nguyên

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên