Người lao động có muốn đóng BHXH theo mức lương thực nhận?
Mức đóng BHXH quá thấp sẽ khiến người lao động chịu thiệt thòi khi hưởng các chính sách BHXH như thai sản, BHXH một lần, chế độ hưu trí…
Làm việc liên tục gần 20 năm tại một doanh nghiệp tại KCN Tân Bình, TP HCM nhưng mức lương làm căn cứ đóng BHXH của chị Nguyễn Thị Bé (quê Đồng Tháp) chỉ hơn 5 triệu đồng trong khi thu nhập mỗi tháng đều ở mức 8-11 triệu đồng.
Chị Bé cho hay trước năm 2012, công ty trả lương cho công nhân theo lương thời gian nên hàng năm có tổ chức thi tay nghề để xác định bậc thợ cũng như làm căn cứ nâng lương, nâng bậc cho người lao động. Mức đóng BHXH cũng sẽ được điều chỉnh theo bậc lương của công nhân.
Tuy nhiên, giai đoạn sau, doanh nghiệp chuyển sang tính lương theo sản phẩm. Cách tính lương mới giúp thu nhập thực tế của người lao động, nhất là lao động lành nghề tăng lên song công ty bỏ kỳ thi nâng bậc, mức đóng BHXH của người lao động chỉ được điều chỉnh dựa theo mức tiền lương tối thiểu vùng mà nhà nước quy định cộng với 7% phụ cấp tay nghề. "Tôi vào công ty và bắt đầu tham gia BHXH khi đã lập gia đình và có con, công việc cũng liên tục không bị gián đoạn nên tôi chưa từng rút BHXH một lần hay hưởng chế độ thai sản. Những năm qua, chỉ có đóng góp mà chưa có hưởng nên tôi cũng như nhiều công nhân khác muốn đóng BHXH càng ít càng tốt nhưng nay chỉ còn vài năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu, việc mức lương đóng BHXH thấp khiến tôi lo ngại lương hưu của mình sau này sẽ không đủ sống"- chị Bé nói.
Từ thực tế trên, chị Bé cho rằng với công nhân đóng BHXH theo thu nhập thực tế thì sẽ khá khó khăn song nếu chỉ đóng căn cứ theo lương tối thiểu vùng thì về lâu dài người lao động lại là phía thiệt thòi. Do vậy, chị Bé mong muốn được tăng mức đóng BHXH bằng cách bổ sung một số khoản phụ cấp bắt buộc đóng BHXH để mức lương thực nhận và mức lương làm căn cứ đóng BHXH không quá chênh lệch.
Chị Phan Thị Trảo Trang, công nhân Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) lại ủng hộ việc đóng BHXH theo mức lương thực tế. Trước đây, chị Trang từng làm tại một công ty may gần 10 năm trước khi vào Juki. Khi ấy, mức lương đóng BHXH của chị luôn ở mức thấp (xấp xỉ lương tối thiểu vùng). Năm 2017, chị Trang sinh con và tạm nghỉ việc hơn 1 năm để chăm sóc con nên chị quyết định rút BHXH một lần cho gần 10 năm tham gia BHXH trước đó. "Khi ấy con ốm đau liên tục, tôi đành phải rút BHXH nhưng do mức đóng thấp nên khoản tiền BHXH một lần và tiền thai sản của tôi chẳng thấm vào đâu, chỉ đủ trang trải một phần chi phí"- chị Trang nói.
Do vậy, khi vào làm việc tại Juki, chị rất ủng hộ việc doanh nghiệp không cào bằng mức đóng BHXH cho người lao động bằng lương tối thiểu vùng mà đóng theo lương cơ bản của từng người cộng thêm một số khoản phụ cấp. Chị đã ngoài 40 tuổi nên chỉ mong muốn có công việc ổn định lâu dài và được tham gia BHXH để có lương hưu.
Còn chị Trần Thị Thanh Thảo (quê Đồng Nai) cũng từng khá sốc khi phải đóng hơn 800.000 đồng/tháng cho các khoản bảo hiểm khi mới vào làm việc tại một công ty giày da lớn tại tỉnh Đồng Nai. Khi ấy mức lương của chị là hơn 8 triệu đồng/tháng nên sau khi đóng, chị chỉ còn nhận được khoảng 7,3 triệu đồng mỗi tháng nên cảm thấy rất xót. Chị nói: "Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, tôi nhận thấy rằng nếu mức đóng cao thì mức hưởng các chế độ bảo hiểm cũng cao và người lao động vẫn có lợi do doanh nghiệp gánh phần nhiều. Lâu dần, tôi cũng xem việc đóng BHXH như của để dành, trong trường hợp không thể làm việc đến lúc nghỉ hưu thì tôi vẫn có thể hưởng BHXH một lần"
Báo Người lao động