Người mới ở thời khó
Ngày 1/10 vừa qua, cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã chính thức nhậm chức Tổng thư ký NATO kế nhiệm ông Jens Stoltenberg (người Na uy).
- 26-09-2024Chiến hạm Nga nổ súng về phía tàu NATO: Bắn cảnh cáo nước vừa "hành động ngay lập tức" sát biên giới Nga?
- 21-09-2024‘Cơn đau đầu’ mới với Nga: Hầu hết ngân hàng ở quốc gia NATO thân Moscow lên kế hoạch ngừng giao dịch, hàng loạt tài khoản bị đóng băng
- 20-09-2024Bị châu Âu gây áp lực từ bỏ khí đốt Nga, quốc gia thành viên NATO "phản pháo" trách EU vì không ‘bơm’ đủ tiền, tuyên bố Nga là nhà cung cấp đáng tin cậy
Ông Stoltenberg làm Tổng thư ký NATO từ năm 2014. Sau thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội năm ngoái ở Hà Lan, ông Rutte từ chức - sau 13 năm làm Thủ tướng Hà Lan - và tuyên bố rời khỏi chính trường.
Nhưng rồi người này lại ứng cử vào cương vị Tổng thư ký NATO. Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni là những người ủng hộ ông Rutte mạnh mẽ nhất.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đánh đổi sự chấp thuận (tức là không phủ quyết) ông Rutte làm Tổng thư ký lấy cam kết của tổ chức này không bắt buộc Hungary phải đưa quân đội sang tham chiến trực tiếp chống Nga ở Ukraine trong trường hợp NATO quyết định như vậy.
Vậy là NATO có lãnh đạo mới và người này bắt đầu chèo lái vào thời điểm có nhiều khó khăn và thách thức phải trực diện. Đâu có sai gì nhiều khi cho rằng hiện tại là thời định mệnh mới đối với NATO.
Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã tạo cơ hội cho NATO chấn chỉnh đoàn kết nội bộ, buộc các nước thành viên phải tăng ngân sách quốc phòng và giúp kết nạp thêm được thành viên mới. Nhưng NATO trở lại đối đầu và đối địch Nga.
Vì Nga và Trung Quốc không ngừng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt trên gần như tất cả các lĩnh vực nên NATO buộc phải đối phó Trung Quốc. Mặt khác, NATO bắt đầu dòm ngó về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nên càng phải đối phó Trung Quốc.
Vấn đề cốt tử hiện tại đối với tổ chức này là giúp Ukraine như thế nào để không những chỉ không thua mà còn đánh bại Nga. Tương lai của NATO phụ thuộc hoàn toàn vào kết cục của cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Nếu như Nga thắng cuộc chiến này thì NATO chỉ còn hữu danh vô thực ở châu Âu sau khi đã đầu tư cả uy danh lẫn thực lực vào Ukraine để dùng nước này chiến tranh với Nga. Nếu thắng ở Ukraine, Nga chứ không phải NATO quyết định luật cho cuộc chơi mới ở châu Âu về chính trị, quân sự, an ninh và quốc phòng.
Cho nên không có gì là khó hiểu khi ngay trong phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức, ông Rutte khẳng định ưu tiên chính sách hàng đầu của NATO là hậu thuẫn Ukraine cho tới khi thắng Nga. Giúp Ukraine đánh bại Nga trong cuộc chiến tranh này sẽ là bài toán nan giải nhất đối với ông Rutte trên cương vị là Tổng thư ký mới của NATO.
Ông Rutte vốn thuộc diện những lãnh đạo quốc gia thành viên EU và NATO hậu thuẫn Ukraine mạnh mẽ nhất và đối địch Nga quyết liệt nhất. Nhưng làm cho Nga thất bại ở Ukraine tuy là điều NATO mong muốn nhưng hiện đâu có mấy thành viên thực sự tin là sẽ thành công.
Cái khó tiếp theo đối với vị Tổng thư ký mới là xử lý quan hệ của NATO với Mỹ và định hướng chiến lược của tổ chức này đối phó Trung Quốc cũng như vươn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Nước Mỹ sắp có bầu cử tổng thống và cả sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump lẫn sự đắc cử của Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris đều ẩn chứa nhiều rủi ro bất lợi cho NATO và thách thức năng lực chèo lái của ông Rutte. Trung Quốc đang trở thành đối thủ ngày càng thêm đáng gờm ở ngay trên châu Âu và NATO không hề dễ đối phó ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Rutte có được công việc mới nhưng việc này không dễ thành công như thời làm thủ tướng Hà Lan. NATO có lãnh đạo mới nhưng định hướng chiến lược và chính sách về cơ bản sẽ tiếp tục như lâu nay.
Giáo Dục Thời Đại