Người mua bảo hiểm nhân thọ chú ý: Hợp đồng bảo hiểm có thể bị vô hiệu trong trường hợp sau
Khi một hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu thì giá trị pháp lý cũng mất đi. Điều này cũng đồng nghĩa người mua bảo hiểm không thể nhận được quyền lợi tương ứng theo thoả thuận trong hợp đồng, dù cho sự kiện bảo hiểm đã xảy ra.
Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, giữ vai trò rất quan trọng, bởi đây là cơ sở để công ty bảo hiểm căn cứ, chi trả quyền lợi cho người tham gia.
Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu được chia thành 2 loại, đó là hợp đồng vô hiệu toàn phần và hợp đồng vô hiệu một phần.
Hợp đồng vô hiệu toàn phần xảy ra khi tất cả điều khoản và chính sách đã thỏa thuận trước đó, vi phạm quy định của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. Điều này dẫn tới không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia ký kết.
Hợp đồng vô hiệu từng phần xảy ra khi một phần nội dung trong hợp đồng bị mất hiệu lực, nhưng không ảnh hưởng tới tính hiệu lực của phần còn lại trong giao dịch.
Hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực trong những trường hợp nào?
Đầu tiên, do người mua không đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn.
Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định, nếu bên mua bảo hiểm không đóng phí đúng hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể gia hạn đóng phí tối đa là 60 ngày, nhằm giúp người tham gia có thời gian chuẩn bị tài chính. Trong quá trình gia hạn, hợp đồng bảo hiểm vẫn duy trì hiệu lực, tức là người mua được hưởng quyền lợi bảo hiểm nếu rủi ro xảy ra.
Tuy nhiên, nếu hết thời gian gia hạn mà người tham gia vẫn chưa đóng phí thì phát sinh hai trường hợp sau:
Một là hợp đồng bảo hiểm không có giá trị hoàn lại, đồng nghĩa hợp đồng bị vô hiệu và người tham gia không được hoàn phí bảo hiểm đã đóng.
Hai là khi hết thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm mà người tham gia vẫn chưa đóng phí và cũng không có yêu cầu chấm dứt hợp đồng, công ty bảo hiểm sẽ khấu trừ từ các khoản quyền lợi, bảo tức và lãi tích lũy chưa rút (nếu có) của hợp đồng. Từ đây phát sinh ra 3 trường hợp sau:
Trường hợp mức phí đóng cho một kỳ lớn hơn giá trị của các khoản quyền lợi, bảo tức và lãi tích lũy chưa rút, khoản phí bảo hiểm còn thiếu sẽ tạm ứng tự động từ giá trị tiền mặt trừ nợ (nếu có) của hợp đồng, khi đó hợp đồng tiếp tục có hiệu lực.
Nếu giá trị tiền mặt trừ nợ vẫn không đủ để thanh toán mức phí một kỳ bảo hiểm, lúc này hợp đồng sẽ tự động chuyển đổi sang định kỳ đóng phí ngắn hơn (nhưng tối thiểu là hàng tháng) để tiếp tục tạm ứng từ giá trị tiền mặt trừ nợ (nếu có).
Nếu giá trị tiền mặt trừ nợ (nếu có) không đủ đóng phí bảo hiểm hàng tháng, sau khi hết thời gian gia hạn đóng phí thì hợp đồng chính thức mất hiệu lực.
Thứ hai, người mua cng cấp thông tin không trung thực.
Trong quá trình tham gia bảo hiểm, nghĩa vụ kê khai thông tin chính xác và đầy đủ là vô cùng quan trọng. Đây là điều kiện để công ty bảo hiểm đánh giá rủi ro, chấp nhận bồi thường quyền lợi cho người tham gia.
Nếu người mua cung cấp thông tin trung thực về tuổi tác, tình trạng sức khỏe và nghề nghiệp, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, công ty bảo hiểm tiến hành chi trả quyền lợi theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.
Nếu người mua cố ý khai báo sai sự thật nhằm trục lợi, khi rủi ro xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền không bồi thường cho người tham gia, đồng thời vô hiệu hóa hợp đồng.
Thứ ba, khoản tiền tạm ứng và nợ lãi tương ứng lớn hơn giá trị hợp đồng.
Nếu hợp đồng bảo hiểm có giá trị tiền mặt thì người tham gia có thể yêu cầu công ty bảo hiểm tạm ứng tối đa 80% (sau khi trừ đi các khoản nợ nếu có).
Nếu rủi ro bất ngờ xảy ra thì người mua bảo hiểm được công ty chi trả quyền lợi theo đúng thỏa thuận, nhưng trước đó, công ty sẽ trừ đi phí tạm ứng và lãi suất cho khoản tạm ứng đó.
Trường hợp tổng khoản tạm ứng và nợ lãi tương ứng lớn hơn giá trị tiền mặt thì hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu. Lúc này, không có khoản phí nào phát sinh, cũng như không có quyền lợi bảo hiểm nào được bồi thường.
Thứ tư, nhờ người ký tên thay nhưng không có văn bản ủy quyền.
Về cơ bản, người tham gia bảo hiểm/người được bảo hiểm phải trực tiếp ký tên vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Nếu bạn được người tham gia bảo hiểm ủy quyền để điền thông tin và ký tên trên hợp đồng bảo hiểm thì bắt buộc trước đó, bạn phải nhận được ủy quyền bằng văn bản theo đúng quy định pháp luật.
Trường hợp không có văn bản ủy quyền thì hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Người tham gia không thể nhận được quyền lợi bảo hiểm nếu chẳng may rủi ro xảy ra.
Thứ năm, đại lý bảo hiểm không nộp phí cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Hiện nay, tình trạng một số đại lý bảo hiểm thu đầy đủ phí từ khách hàng nhưng không nộp lại cho công ty bảo hiểm đang ngày càng phổ biến. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng, gây tổn hại quyền lợi chính đáng của người tham gia, mà còn làm suy giảm uy tín và hình ảnh của các công ty bảo hiểm.
Để tránh những rủi ro này, khách hàng nên đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời, người mua cần chủ động kiểm tra phí đã đóng, thay vì phó thác hoàn toàn cho tư vấn viên, nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cá nhân.
Ngoài ra, nhiều công ty bảo hiểm hiện đã triển khai các phương thức thanh toán phí trực tuyến, mang đến sự tiện lợi và minh bạch, giúp khách hàng dễ dàng kiểm tra và quản lý giao dịch mọi lúc, mọi nơi.
An ninh tiền tệ