Người mua nhà “kiệt sức” đi đấu tranh đòi quyền lợi
Ở Hà Nội, sẽ không khó để bạn bắt gặp những khu chung cư treo đầy băng rôn phản đối, xuất phát từ tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư.
Dù bỏ tiền tỷ để mua nhà nhưng hàng loạt cư dân tại các dự án chung cư luôn phải sống trong cảnh bức xúc vì tòa nhà liên tục dính lùm xùm, buộc phải treo băng rôn và đòi lại quyền lợi chính đáng.
Mới đây nhất là vụ việc nhiều người dân tại chung cư Artemis số 3 Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã treo băng rôn phản đối chủ đầu tư CTCP ACC Thăng Long (nay đổi tên là CTCP MHL) về hàng loạt bất cập, bức xúc tại tòa nhà như: Việc chủ đầu tư tự ý tăng phí gửi xe ô tô, xe máy; chây ì thành lập ban quản trị, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) của tòa nhà không đảm bảo tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao; chủ đầu tư bất chấp quyết định đình chỉ hoạt động của chính quyền…
Trước đó vào năm 2018, cư dân tại Artemis cũng đã liên tục tố chủ đầu tư cắt điện thang máy, không thu gom rác ở chung cư. Thời điểm đó, người dân cho rằng phí dịch vụ quá cao, chưa tương xứng với tiện ích của tòa chung cư mang lại; phản đối nhà hàng Vuvuzela và cho rằng chủ đầu tư cố tình biến khu kỹ thuật cho đơn vị khách để kinh doanh…
Trước đó, hiện tượng tương tự xảy ra tại chung cư Eco Lake View – địa chỉ số 32 Đại Từ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Cư dân tại đây căng băng rôn, đỗ ô tô chặn cửa hầm phản đối vì chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì.
Giải thích về nguyên nhân nhiều cư dân bức xúc căng băng rôn, đỗ xe gây tắc đường, ông Trần Anh Tuấn - Trưởng Ban quản trị Eco Lake View cho biết, kể từ khi ban quản trị có quyết định thành lập đến nay, dù đã nhiều lần đề nghị và gửi công văn yêu cầu chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Ecoland) bàn giao kinh phí bảo trì đã thu của khách hàng mua căn hộ nhưng chủ đầu tư không thực hiện.
Mới đây, vụ tranh chấp tại chung cư Bảo Sơn Green Pearl, nằm trên đường Lê Lợi, TP. Vinh, Nghệ An do Công ty Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Du lịch Bảo Sơn (gọi tắt là Công ty Bảo Sơn) làm chủ đầu tư cũng gây nóng dư luận khi chung cư chậm bàn giao tới 6 năm.
Dù hàng trăm hộ dân vào ở, nhưng công trình này không có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và không có quyết định chấp thuận kết quả nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Xây dựng). Cư dân bức xúc khi chủ đầu tư liên tục hứa hẹn sẽ hoàn tất thủ tục để cấp sổ đỏ, thế nhưng mãi vẫn không thấy thực hiện.
Hay vào đầu tháng 2 năm nay, hàng chục người dân mua căn hộ ở chung cư Western Capital (phường 10, quận 6, TP.HCM) cũng phản ứng chủ đầu tư vì tiến độ quá chậm. Người dân cho biết 3 năm qua, họ không được bàn giao nhà. Có trường hợp đã đóng 95% số tiền để mua căn hộ tại đây, chủ đầu tư có hứa hẹn giao nhà vào cuối 30/3 nhưng các hạng mục theo ghi nhận vẫn chưa hoàn thành.
Mới đây nhất, vào ngày 28/9/2013, nhiều khách hàng của dự án góp vốn cho Cengroup đã kéo đến trụ sở công ty này đòi chủ đầu tư trả lại tiền.
Những khách hàng này thuộc Dự án Chung cư Binh đoàn 12 tại Thông Ngọc Đại, Xã Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội do Binh đoàn 12 và Công ty Cổ phần kiến trúc đô thị Nam Thăng Long CP Nam Thăng Long làm chủ đầu tư. Được biết, đã có hàng trăm khách hàng góp vốn cho dự án này cách đây hơn 3 năm. Tuy nhiên, đến nay dự án Chung cư binh đoàn 12 vẫn là một mảnh đất hoang không hơn không kém. Chỉ khi biết đây là một dự án đang chờ phê duyệt, những khách hàng mới tá hỏa rằng họ đã góp vốn cho một dự án đang còn nằm trên giấy.
Khách hàng cho rằng số tiền họ góp vốn cho Công ty Bất động sản Thế kỷ (Cengroup) đã bị chiếm dụng trong suốt hơn 3 năm qua. Quá bức xúc vì bị “lừa” nhiều khách hàng của dự án này đã kéo đến trụ sở công ty để đòi chủ đầu tư trả lại tiền. Tuy nhiên, nhân viên Cengroup đóng cửa không cho khách hàng vào.
Có thể nói, thời gian gần đây tình trạng tranh chấp chung cư trên liên tiếp “bùng nổ” khi cư dân tại nhiều dự án tập trung băng rôn đòi "sổ hồng", "tố" chủ đầu tư chậm bàn giao nhà, "om" quỹ bảo trì...Nhiều toà chung cư đỏ băng rôn nhiều năm nhưng mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết. Người dân sống tại các chung cư cao tầng mong mỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, chính quyền.