MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người mua vàng bị "móc túi"

19-04-2016 - 09:02 AM | Tài chính - ngân hàng

Khách hàng đang chịu nhiều thiệt thòi khi mua bán vàng. Khó kiểm soát chất lượng vàng.

Mới đây, trong đợt thanh, kiểm tra 1.718 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vàng và mỹ nghệ, Bộ KH&CN phát hiện 432 cơ sở (25%) có vi phạm.

Theo ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, các vi phạm phổ biến nhất là: Vàng không đạt chất lượng theo công bố, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, sử dụng cân không kiểm định, cân không đạt yêu cầu về đo lường, cân không phù hợp về phạm vi đo và cấp chính xác.

May nhờ rủi chịu

Theo quy định tại Thông tư số 22 của Bộ KH&CN, mức sai số hàm lượng vàng cho phép là 0,1%-0,3% nhưng thực tế mức sai số hiện nay thường là 1%-3%.

Trong vai khách hàng đi bán vàng, chúng tôi ghé vào một cửa hàng kinh doanh vàng ở quận 2, TP.HCM. Chủ cửa hàng sau một hồi quan sát bằng mắt thường đã đo hàm lượng vàng bằng máy đo tỉ trọng hai chiếc nhẫn tròn (mỗi chiếc năm chỉ, vàng bốn số 9). Kết quả chỉ có 98%, tức sai số đến gần 2%.

Với hàm lượng vàng này, chủ cửa hàng chỉ mua giá 32,30 triệu đồng/lượng. Như vậy, khách hàng bị mất khoảng 400.000 đồng mỗi lượng so với giá bán vàng đúng tuổi 99,99%.

Chúng tôi thắc mắc: “Tại sao khi mua là vàng bốn số 9 mà giờ bán lại ra là vàng 98%?”. Chủ cửa hàng nói: “Tùy từng tiệm thôi chị. Chị mua ở tiệm uy tín thì người ta làm đúng vàng bốn số 9, còn mua ở nơi không uy tín thì khách hàng phải chịu thiệt”.

Tương tự, chúng tôi đến một cửa hàng khác đo hàm lượng vàng của chiếc lắc một lượng, loại vàng 22K. Sau một lúc kiểm tra, màn hình máy tính hiện ra con số 86,71%. Trong khi đó nếu đúng chuẩn (22K) thì hàm lượng vàng của chiếc lắc này phải đạt 96%. Như vậy máy đo tỉ trọng đã “thổi bay” mất hơn 10%, tức khách hàng bị mất khoảng hơn 4 triệu đồng.

Từ thực tế trên cho thấy khách hàng đang chịu nhiều thiệt thòi khi mua bán vàng. Họ không biết được chính xác hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được mua hay bán, tức người bán nói sao thì biết vậy. Đó là chưa kể mỗi đơn vị lại sử dụng các phương pháp thử vàng khác nhau nên có khi cùng một loại vàng nhưng giám định ở các cửa hàng khác nhau thì cho ra kết quả khác nhau. Điều này khiến người mua bán vàng lúng túng, không biết đâu mà lần.

“ Thế nên khi mua hay bán tôi thường chọn tiệm vàng uy tín và mua đâu bán đó để tránh bị thiệt” - chị Hạnh, một khách hàng cho hay.

Máy đo không chính xác

Lý giải về hiện tượng trên, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM (SJA), cho hay loại máy đo tỉ trọng không còn được sử dụng rộng rãi. Nguyên nhân là do loại máy này chạy theo chương trình cài đặt mặc định và cho kết quả không chính xác.

“Kiểm tra vàng bằng máy quang phổ mới cho ra kết quả chính xác, biết được sản phẩm đó có bao nhiêu % vàng, bao nhiêu % bạc... Tuy nhiên, hiện nay máy quang phổ lại chưa được sử dụng phổ biến. Trên cả nước, máy quang phổ mới được sử dụng tại một vài nơi như Trung tâm kiểm định 1 (Hà Nội), Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (TP.HCM), Công ty SJC, Ngân hàng ACB…” - ông Dưng cho biết.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cho biết thêm hiện nay phần lớn các tiệm vàng đều áp dụng phương pháp đo tỉ trọng vì giá thành rẻ.

“Tuy nhiên, khi sử dụng máy đo tỉ trọng, chỉ cần nước đo không sạch, không đạt chuẩn độ kiềm, kim loại nặng trong nước nhiều hơn… cũng cho ra kết quả không chính xác. Chính vì phương pháp đo có sai số nên thông thường, tiệm vàng cần phải đo sản phẩm hai ba lần, sau đó lấy số trung bình cộng để đưa ra độ tuổi của vàng!” - ông Hải nhấn mạnh.

Khó kiểm soát chất lượng vàng

Theo ông Dưng, tại TP.HCM hiện có khoảng 2.000 điểm bán vàng, trong đó khoảng 400-500 cơ sở được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để sản xuất và kinh doanh vàng. Với 1/4 đơn vị được phép sản xuất vàng nữ trang, chỉ cung ứng được khoảng 80%-90% tổng sản lượng sản phẩm nữ trang tiêu thụ trên toàn thị trường thành phố.

Như vậy, khoảng 10%-20% sản lượng vàng nữ trang được làm từ các cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ. Những cửa hàng này chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, tiệm vàng gia đình có truyền thống làm nghề kim hoàn chưa đăng ký với Bộ KH&CN về nhãn hiệu, chất lượng.

“Do những tiệm vàng này nằm rải rác ở khắp nơi nên việc yêu cầu cơ quan chức năng đi tới mọi ngóc ngách kiểm tra chất lượng sản phẩm có đạt chuẩn hay không là điều vô cùng khó khăn” - ông Hải cho biết thêm.

Cũng theo ông Hải, công thức “64-67-75”đã tồn tại trong ngành vàng hàng chục năm qua. Điều này có nghĩa từ chành (lò) sản xuất ra vàng nữ trang hàm lượng 64% vàng, bán cho cửa hàng bán lẻ tính thành 67%, lời ba lai. Các cửa hàng bán lẻ này bán cho khách hàng tính lên 75% (tức là vàng 18K), lời tám lai.

Nghĩa là người tiêu dùng có khi phải trả tiền mua vàng 75% nhưng thật ra tuổi vàng thật chỉ có 64%.

“Ngoài tiêu chuẩn hàm lượng vàng (tuổi vàng) và trọng lượng vàng thì đơn giá tiền công sản phẩm nữ trang cũng không thể định lượng một cách chuẩn xác. Cho nên không có gì là khó hiểu khi mua tiệm vàng này nhưng bán cho tiệm vàng khác, khách hàng sẽ bị ép giá. Vậy nên bán lại sản phẩm cho chính cửa hàng đã mua là cách giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất” - ông Hải mách nước.

Bên cạnh việc người tiêu dùng “tự cứu mình”, nhiều ý kiến cũng cho rằng cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ chất lượng ngay từ khâu sản xuất, tăng cường kiểm tra ngẫu nhiên, xử phạt và công bố rộng rãi thông tin đơn vị vi phạm. Từ đó tạo áp lực lên người kinh doanh và bảo vệ quyền lợi chính đáng người tiêu dùng.

Theo Thùy Linh

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên