Người Thái muốn 'soán ngôi' tương ớt của triệu phú gốc Việt
Công ty thực phẩm Thái Lan Thai Theparos đang tìm cách làm suy yếu sự thống trị của công ty thực phẩm Huy Fong đối với khẩu vị của người Mỹ bằng tương ớt Sriraja Panich.
- 06-04-2019Vụ 18.168 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi: Masan nói "chưa từng xuất tương ớt sang Nhật"
- 06-04-2019Hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật Bản vì chứa hoá chất cấm
“Bán loại tương của nhà giàu với giá của người nghèo” đã giúp David Tran - một người Việt Nam nhập cư vào Mỹ từ năm 1979 - trở thành một người rất giàu có. Triệu phú gốc Việt 73 tuổi này chính là người đã đưa tương ớt Sriracha đến với người tiêu dùng ở Mỹ.
Sau khi đến Los Angeles năm 1979, ông David Tran đã thành lập công ty thực phẩm Huy Fong và bắt đầu làm tương ớt để cung cấp cho các nhà hàng châu Á ở địa phương.
Ông đã kiếm được 2.300 USD trong tháng đầu tiên nhờ bán loại tương ớt mà ông sản xuất trên chiếc xe tải màu xanh với hình chú gà trống được vẽ bằng tay bên hông xe. David Tran chọn chú gà trống làm biểu tượng cho thương hiệu của mình vì ông sinh năm 1945 Ất Dậu.
Và nay, sau gần 4 thập niên, Huy Fong đang kiểm soát 9,9% thị trường tương ớt 1,55 tỉ USD của Mỹ, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường IBISWorld.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nó sẽ nổi tiếng đến thế”, Bloomberg dẫn lời của triệu phú David Trần.
Nhà máy của Huy Fong - đặt tại Irwindale, California, cách phía đông trung tâm Los Angeles khoảng 20 dặm - là một cơ sở sản xuất quy mô với những dây chuyển sản xuất mỗi ngày hàng trăm ngàn chai tương ớt Sriracha đỏ tươi hiệu con gà với nắp màu xanh lá đặc trưng.
Được vận hành 16 giờ/ngày, và hoạt động gần như suốt cả tuần, nhà máy của Huy Fong sử dụng trên 45 triệu ký ớt nguyên liệu mỗi năm.
Chai tương ớt Sriracha Huy Fong hiệu con gà với hàng chữ tiếng Việt đã trở thành một "biểu tượng văn hóa tại Mỹ". Một điều đáng tiếc là ông David Trần, người sáng lập tương ớt Sriracha lại chưa bao giờ đăng ký bản quyền nhãn hiệu cho sản phẩm của mình.
Hơn thế nữa, cái tên Sriracha lại thuộc sở hữu của một công ty Thái Lan Sriracha Panich, công ty này được mua lại bởi Thai Theparos Food và kinh doanh dưới thương hiệu của Golden Mountain.
Hầu hết người Mỹ chưa từng nghe về nhãn hiệu tương ớt này của Thái Lan. Tuy nhiên, gia đình người chủ của thương hiệu này hy vọng sẽ thay đổi điều đó.
Bancha Winyarat, vị phó chủ tịch 33 tuổi phụ trách sản xuất Sriraja Panich của Thai Theparos, nói: “Nếu chúng tôi có thể giành được chỉ 1% thị phần ở Mỹ, thì cũng đã rất lớn đối với chúng tôi”. Gia đình Winyarat sở hữu phần lớn cổ phần của công ty có giá trị thị trường trên 8 tỉ baht Thái này (251 triệu USD).
Theo trang web của Thai Theparsos Food, tương ớt Sriracha được sản xuất lần đầu bởi Thanom Chakkapak, một phụ nữ đến từ miền duyên hải Si Racha, cách Bangkok 73 dặm về phía nam. Cha của Bancha đã mua lại công thức tương ớt Sriraja Panich của bà Thanom vào năm 1984, một năm sau khi ông David Trần tung ra thị trường Los Angeles loại tương ớt riêng của mình.
Tuy nhiên, nước tương mới là sản phẩm chính đóng góp cho doanh thu của Thai Theparos, còn tương ớt chỉ chiếm có 5%, nhưng vẫn là nhãn hiệu nổi tiếng ở xứ sở chùa vàng, theo Winyarat.
Trong khi đó, doanh thu của Huy Fong đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2013 nhờ tương ớt Sriracha ngày càng nổi tiếng, từ bàn ăn của tất cả những nhà hàng châu Á ở Los Angeles trở thành một “biểu tượng văn hóa tại Mỹ”.
Làm thế nào để tương ớt Sriracha trở nên nổi tiếng khắp nước Mỹ là điều mà mọi người vẫn thắc mắc do Huy Fong chưa bao giờ chi tiền để quảng cáo cho sản phẩm của họ.
Theo Anna Amir, chuyên gia phân tích về tương ớt của IBISWorld, tình trạng tương đối được ít biết đến của công ty này có lẽ lại chính là yếu tố giúp nó trở nên nổi bật và có vẻ đáng tin cậy hơn.
Chuyện “mọi người biết về nhãn hàng này thông qua truyền miệng đã mang lại cho nó nét độc đáo trong một ngành công nghiệp sử dụng quá nhiều quảng cáo”, bà nói.
Triệu phú gốc Việt David Trần tin tưởng vào chất lượng và uy tín của tương ớt Sriracha.
Nếu như Huy Fong muốn mở rộng ra thị trường châu Á, thì Thai Theparos lại nhắm vào thị trường Mỹ. Cả hai đều phải đối mặt với khẩu vị khác biệt và sự trung thành với nhãn hàng của người tiêu dùng.
Tương ớt Sriraja của triệu phú gốc Việt sử dụng ớt tương trồng ở Mỹ, còn tương ớt Sriraja Panich lỏng hơn thì dùng ớt trồng ở miền bắc và miền trung Thái Lan.
“Tôi thích tương ớt của Thái hơn, có thể là vì tôi đã quen với hương vị đó”, bếp trưởng người Thái Lan Suntaree Tantichula của một nhà hàng ở Evanston, Illinois cho biết. “Nhưng tôi cho rằng người Mỹ có lẽ thích tương ớt của Huy Fong hơn vì đó là hương vị mà họ đã biết”.
Còn ông David Trần thì cho biết ông chưa bao giờ thử tương ớt Sriraja Panich. Trước Thai Theparos, những thương hiệu gia vị lớn như Tabasco, Frank’s Red Hot và Heinz cũng từng ra mắt những sản phẩm tương ớt Sriracha.
Ông David Trần luôn đón chào những mặt hàng mới vì nhu cầu của người Mỹ đối với tương ớt Sriracha là không thể đáp ứng đủ.
Ông nói: “Tôi chẳng bao giờ lo lắng chuyện họ bán nhiều hay ít vì chúng tôi quá bận rộn với chuyện sản xuất. Tôi biết tôi không thể sản xuất đủ hàng để đáp ứng nhu cầu, nên cứ để họ kinh doanh và cùng làm việc vì người tiêu dùng”.