Người thợ đóng giày miền Tây 20 năm gia công cho Ý, Nhật và giấc mơ khởi nghiệp bán giày Tây "xịn" cho người Việt
Việt nam có lợi thế so với các nước khác là giá nhân công rẻ hơn, và thực sự người Việt Nam làm những thứ liên quan tới thủ công, mỹ nghệ khéo léo hơn những nước khác rất nhiều. Giá nhân công rẻ, người Việt giỏi sẵn đóng giày nên không phải đào tạo nhiều, đây chính là cơ hội lớn dành cho công ty khởi nghiệp CNES sau này.
- 29-05-2017Ông chủ chuỗi Boo - Bò sữa: Các bạn khởi nghiệp hãy bình tĩnh, cứ làm thử những dự án thiệt hại kinh tế nhỏ trước đã!
- 24-05-2017Không kiên trì – Đừng khởi nghiệp
- 24-05-2017Ngân sách địa phương không được đầu tư quá 30% vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Từ lâu, sản xuất da giày luôn là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước. Thế nhưng, ngành công nghiệp da giày Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên gia công, thay vì có những thương hiệu dám đứng ra khởi nghiệp, tạo dựng tên tuổi riêng.
Bởi lẽ, ai cũng biết khởi nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là đi gia công cho các tên tuổi lớn. Đặc biệt là với dòng sản phẩm da giày thủ công - đòi hỏi phải có tay nghề cao, kỹ thuật tốt, nguyên phụ liệu chất lượng, người Việt Nam kém lợi thế so với các tên tuổi tại Nhật hay Châu Âu.
Không chấp nhận thực trạng đó, Lê Huy Tiến sau này đã quyết tâm khởi nghiệp với thương hiệu CNES - hiện đang là đơn vị sản xuất giày thủ công quy mô bậc nhất tại Việt Nam, với mong muốn đưa tên tuổi của người Việt tới đông đảo bạn bè quốc tế.
Hơn 20 năm theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp
Bắt đầu với công việc đóng giày thủ công từ năm 1994, Lê Huy Tiến lúc đó còn là một anh thanh niên đậm chất miền Tây. Chật vật mới mở được một xưởng đóng giày nhỏ đặt tại huyện Hóc Môn, Tiến cùng vài ba người thợ khi đó còn non trẻ, tay nghề chưa cao, năng suất lại thấp, nên số đơn hàng mà xưởng của Tiến nhận được rất ít.
Mặc dù vậy, cũng khá may mắn khi ngay tại thời điểm đó, cơ sở của Tiến đã tiếp nhận được đơn đặt hàng gia công từ một đơn vị Nhật. Dù lượng đơn không lớn, nhưng cũng đủ để duy trì hoạt động của xưởng.
Trải qua 3 năm gia công cho đơn vị Nhật, với mong muốn đẩy mạnh việc kinh doanh, Lê Huy Tiến quyết định sang tận Tập đoàn nước bạn để học thêm chuyên sâu và bài bản về đóng giày.
Năm 2000, doanh nhân sinh năm 1976 quay trở về Việt Nam, mở rộng xưởng cũ để đón hàng loạt những đơn đặt hàng gia công sau này. Lê Huy Tiến kể lại, dù là đi gia công đóng giày, nhưng thời gian đầu rất khó khăn, bởi đối tác không chỉ đòi hỏi nguyên phụ liệu cao cấp, mà còn cần cả máy móc hiện đại.
Chân dung doanh nhân Lê Huy Tiến tại xưởng giày đặt tại huyện Hóc Môn
"Phía Nhật họ yêu cầu da phải là da bê châu âu - loại bê chuyên nuôi để lấy da sống ở vùng núi tuyết, và là da bề mặt chất lượng phải tốt, không bị sẹo, không bị các bệnh ngoài da. Máy móc cũng vậy, phải là máy khâu chuyên dụng nhập khẩu từ Ý có giá tới hàng tỉ đồng. Vay mượn và chạy vạy mãi cũng chỉ đáp ứng được những đơn hàng nhỏ".
Thậm chí, ngay cả khi nguyên phụ liệu, máy móc đã đầy đủ, doanh nhân sinh năm 1976 vẫn mắc phải những thất bại cay đắng. Lê Huy Tiến vẫn nhớ như in những năm đầu khởi nghiệp, một lần có đơn hàng khá quy mô của một đối tác nước ngoài, xuất hiện một lỗi rất nhỏ về đường khâu ở sâu bên trong lòng giày, nhưng do công tác truyền đạt kỹ thuật có sai sót, nên trên 70% sản phẩm bị dính lỗi này.
Về cơ bản, lỗi này rất bé, mắt thường khó nhìn thấy, quản lý kỹ thuật của xưởng cũng không để ý. Đến khi đối tác qua kiểm tra đã phát hiện ra lỗi và huỷ đơn hàng, phạt hợp đồng. Cay đắng nhất là đơn hàng toàn những miếng da chất lượng cao nhất, phải nhập cực kỳ đắt tiền từ Pháp về. Từ đó công ty luôn quan niệm phải kiểm soát chất lượng cực kỳ chặt chẽ, kể từ những đường khâu, mũi chỉ nhỏ nhất.
"Những ai nghe kể về cách người Nhật kiểm soát chất lượng đều phán là quá cực đoan, nhưng làm trong nghề chúng tôi mới hiểu, chỉ như vậy mới cho ra những đôi giày chất lượng để nhận được cái gật đầu từ các đối tác", Lê Huy Tiến kể lại.
Doanh nhân này chia sẻ thêm, đặc thù của ngành đóng giày thủ công so với ngành đóng giày công nghiệp ở chỗ, do chủ yếu sản xuất bằng tay, nên có thể sản xuất những đơn hàng nhỏ yêu cầu độ khó cao, chứ không nhất thiết phải khởi động một dây chuyền hàng ngàn đôi như xưởng giày công nghiệp. Bên cạnh đó, do làm bằng tay nên những chi tiết nhỏ của giày thủ công trông tỉ mỉ, khéo tay hơn giày làm từ máy móc.
Trong đó, Việt nam có lợi thế so với các nước khác là giá nhân công rẻ hơn, và thực sự người Việt Nam làm những thứ liên quan tới thủ công, mỹ nghệ khéo léo hơn những nước khác rất nhiều. Giá nhân công rẻ, người Việt giỏi sẵn về đồ thủ công nên không phải đào tạo nhiều, đây chính là cơ hội lớn dành cho công ty khởi nghiệp CNES sau này.
Xưởng giày của Lê Huy Tiến hiện có trên 150 nhân công, cho năng suất gần 200 đôi giày thủ công mỗi ngày
Đối tác sau này cũng chính là những người thầy
Theo Lê Huy Tiến, để trở thành xưởng gia công cho các thương hiệu lớn, yếu tố chất lượng là quan trọng nhất. Ban đầu, bài toán kiểm soát chất lượng đặt ra với doanh nhân sinh năm 1976 là rất khó khăn. Không chỉ lo về vốn, dòng tiền, mà xưởng của Tiến khi đó phải vừa làm, vừa đào tạo, nâng cao chất lượng tay nghề cho nhân công.
Sau này, trải qua hơn 20 năm hợp tác, người Nhật mới tin tưởng giao cho anh những đơn hàng quy mô hàng chục ngàn đôi giày. Tính tới thời điểm hiện tại, Lê Huy Tiến đã gia công trên 30 thương hiệu giày của Nhật, 1 số tên tuổi của châu Âu và hơn 10 thương hiệu Việt Nam, với số lượng nhân công lên tới 150 người, cho năng suất gần 200 đôi giày thủ công mỗi ngày.
Doanh nhân này khẳng định: "Thứ mà chúng tôi học hỏi được từ các thương hiệu giày nước ngoài là thiết kế và xu hướng của họ. Thêm vào đó, họ cũng hoàn toàn không giấu nghề, họ đã tiết lộ cho chúng tôi những kỹ thuật làm giày hiệu quả nhất. Chúng tôi phát triển được tới ngày hôm nay một phần cũng nhờ đóng giày cho các thương hiệu lớn, được họ cử chuyên gia sang đào tạo. Đơn hàng chỉ là chuyện nhỏ, cái được lớn nhất là phía nước ngoài sẵn sàng giúp mình nâng cao tay nghề".
Nhờ đó, trái ngọt đã đến với Lê Huy Tiến vào cuối năm 2016, khi doanh nhân này quyết định khởi nghiệp với chính thương hiệu đóng giày thủ công mang tên CNES ngay tại quê nhà Việt Nam - bán cho người Việt Nam. Chia sẻ về thương hiệu khởi nghiệp sau hơn 20 năm gia công cho người nước ngoài, doanh nhân này bùi ngùi:
"Chúng tôi muốn làm gì đó cho Việt Nam. CNES muốn đại diện cho Việt Nam chứng minh cho thế giới thấy rằng, nước ta cũng có thể sản xuất những sản phẩm đòi hỏi tiêu chuẩn cao không kém gì tiêu chuẩn của Châu Âu và Nhật Bản, rằng tay nghề của Việt Nam cũng cho ra những sản phẩm xứng đáng sánh vai với những thương hiệu tốt nhất của nước ngoài".
Một mẫu giày đặc trưng của thương hiệu khởi nghiệp CNES do Lê Huy Tiến sáng lập
Bài toán bán giày "xịn" cho người Việt
Theo Lê Huy Tiến, thị trường giày da Việt Nam những năm gần đây đánh dấu sự liên tục tăng trưởng, tuy chưa quá cao nhưng đó là tín hiệu tốt. Trong đó, CNES định hướng bán giày cho những người đã đi làm, thường phải ăn mặc lịch sự, có thu nhập khá, thuộc dạng trung lưu, thượng lưu và muốn sử dụng những sản phẩm có chất lượng thực sự tốt.
Với giá bán mỗi đôi giày lên tới 4 triệu đồng, doanh nhân này cho rằng, điểm mấu để bán được hàng nằm ở chất lượng. Việc nói rõ nguồn gốc xuất xứ của nguyên phụ liệu cũng là thứ quan trọng. Giày CNES thường sử dụng da bê của Pháp, được nhập từ chính 2 xưởng thuộc da của thương hiệu Hermes - thương hiệu xa xỉ bậc nhất thế giới, nên chất lượng thực sự tốt.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh yếu tố cá nhân hoá cũng là một chiến lược mà CNES quan tâm khi bán những đôi giày đắt tiền. Đóng giày theo ý khách, có thể tạo bất cứ màu giày gì, đóng tên khách hàng lên giày là một trong những tuỳ chọn mà khách hàng rất thích khi chọn mua những đôi giày đắt tiền.
Tiến cho rằng, luôn tồn tại một bộ phận khách hàng có tiền, nhưng rất tinh tế, đi những đôi giày đơn giản nhưng chú trọng thần thái, đó là thứ giá trị cao cấp "ngầm" mà CNES luôn hướng tới truyền đạt. Và rất may là hiện nay những khách hàng như vậy tại Việt Nam đang có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, khó khăn khi CNES bán ra những đôi giày trên 4 triệu đồng, đó là thị trường giày tây thủ công tại Việt Nam chưa phát triển mạnh, lượng người biết đến loại giày này chưa nhiều nên việc kinh doanh vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, CNES từng gặp không ít sự so sánh, chê bai từ những người sính ngoại. Tâm lý sính ngoại của người Việt chưa thể gạt bỏ trong một sớm một chiều.
Do đó, để tồn tại trên chính quê nhà, Lê Huy Tiến đưa ra định hướng khởi nghiệp: "CNES sẵn sàng theo đuổi con đường trở thành một "icon" trong ngành giày thủ công của Việt Nam. Vì ở các thị trường khác, các "dân chơi" thời trang thực thụ, những người theo đuổi chủ nghĩa tinh tế thường chỉ nói tới giày thủ công mà thôi".
Thêm vào đó, với điều kiện tiếp xúc các xu hướng thời trang trên khắp thế giới, CNES sẽ định hướng ra mắt những bộ sưu tập theo mùa, đúng "trend" giày tây của thế giới chứ không đơn thuần đi "copy". Mục tiêu của CNES là làm ra những sản phẩm đậm chất Việt Nam, trở thành đại diện văn hoá cho ngành thủ công của Việt Nam, như những đôi giày đề cao giá trị văn hoá, lịch sử của người Việt.