MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người tiêu dùng ngày càng 'chuộng' freeship, Giao hàng nhanh, Viettelpost,... có lâm nguy?

20-09-2016 - 11:33 AM | Doanh nghiệp

Người mua sắm không muốn trả phí giao hàng vì trong suy nghĩ của họ, đây là khoản phí mà họ không phải trả nếu họ tự chọn mua hàng trong siêu thị.

Thời đại công nghệ phát triển giúp bạn có thể mua mớ rau, con cá chỉ cần vài cú nhấp chuột mà không phải tận tay ra chợ như trước. Trong vài năm gần đây, thương mại điện tử bùng nổ với những tên tuổi lớn như Adayroi, Tiki, Lazada, Sendo. Cuối năm nay, Thế giới di động cũng sẽ ra mắt sàn thương mại điện tử. Ngành này bùng nổ kéo theo sự phát triển của thị trường dịch vụ giao hàng.

Tuy nhiên với từ việc giá thành tính từng nghìn đồng đến việc khách hàng ghét trả tiền vận chuyển khi mua sắm hàng trực tuyến, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao hàng làm cách nào để ‘sống sót’?

Cơ hội to, thách thức lớn

Theo nhận định của CEO Lương Duy Hoài công ty Giao hàng nhanh ngành thương mại điện tử gần đây tại Việt Nam bắt đầu làm bài bản, đúng chuẩn hơn và chuyên nghiệp hóa. CEO này còn nhấn mạnh năm 2016 sẽ là năm bùng nổ của thương mại điện tử bởi 2 lý do: Một là rất nhiều nhà bán lẻ lớn trong nước tham gia thị trường, các nhà bán lẻ trong khu vực, thế giới đổ mạnh tiền vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Hai là xuất hiện các mô hình giúp người bán hàng nhỏ lẻ giúp họ bán hàng chuyên nghiệp, người tham gia bán online cũng đông hơn.

Đóng vai trò trung gian kết nối, doanh nghiệp giao nhận là đại diện niềm tin giữa khách mua và người bán, giúp họ gặp nhau, tin tưởng nhau. Do đó mặc dù hưởng lợi từ sự bùng nổ lớn nhưng thách thức mà các đơn vị này gặp phải chính phải họ cũng phải ngày càng lớn, chuyên nghiệp hơn.

Hiện lĩnh vực giao nhận chỉ có 2 nhóm tham gia: Nhóm thứ nhất là người bán tự vận chuyển, nhóm 2 là các đơn vị lớn. Với nhóm 1 quy mô thường nhỏ, phục vụ trong phạm vi hẹp, đơn hàng ít và thường người bán lấy công làm lãi. Với nhóm 2, theo CEO Giao hàng nhanh mặc dù đơn vị nào cũng nhận thấy thị trường rất rộng nhưng để tham gia không đơn giản.

Cuộc chơi trên thị trường giao nhận vốn là cuộc chơi về quy mô khá khốc liệt do tiền thu về từ dịch vụ tính theo đơn vị nghìn đồng. Do đó để tồn tại doanh nghiệp buộc phải lớn nhanh. Theo CEO Lương Duy Hoài, đây là lý do vì sao trong mấy năm qua thị trường chưa xuất hiện thêm doanh nghiệp mới. Thị trường vẫn nằm trong tay những doanh nghiệp vốn có tên tuổi như Vnpost-EMS, Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm,…

Dù được xem là cuộc chơi khốc liệt nhưng vị CEO này lạc quan cho rằng các nhà cung cấp hiện mới chỉ cần giải bài toán làm sao để đáp ứng nhu cầu thị trường, chưa đến mức độ phải cạnh tranh với nhau.

Khi thượng đế ‘chuộng’ Freeship

Những thượng đế mua hàng trực tuyến hiện nay ghét việc phải trả phí giao hàng. “Người mua sắm không muốn trả phí giao hàng vì trong suy nghĩ của họ, đây là khoản phí mà họ không phải trả nếu họ tự chọn mua hàng trong siêu thị. Dĩ nhiên, đó là cách nghĩ không đúng vì thời gian bỏ ra (khi đi lựa hàng trong siêu thị) cũng có giá của nó, nhưng mọi người không nhìn theo cách này”, một chuyên gia nghiên cứu về thói quen liên quan đến công nghệ thuộc đại học Stanford cho biết.

Vậy các công ty dịch vụ giao nhận trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện dùng chiêu thức nào để đối phó với yêu cầu này của khách hàng?

Liên kết với các nhà bán lẻ

Đây là xu hướng chung trên thế giới và các doanh nghiệp dịch vụ giao nhận tại Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngay từ khi mới thành lập, Giao hàng nhanh đã lựa chọn phương thức này để phát triển và gặt hái thành công. Theo chia sẻ của CEO Lương Duy Hoài, mỗi ngày công ty này nhận, giao hàng chục ngàn đơn hàng cho các doanh nghiệp bán hàng online. Ngoài ra với sự bùng nổ của các trang thương mại điện tử gần đây, dễ dàng nhìn thấy mối liên kết giữa các doanh nghiệp như Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm,… với Tiki, Lazada, Sendo, Shopee.

Chiết khấu, giảm giá và mức giá freeship

Một cách khác để giảm chi phí giao hàng là kích thích khách hàng mua với số lượng lớn. Lướt qua các trang thương mại điện tử lớn hiện nay như Adayroi, Lazada, Tiki,… đều có liên tục có những chương trình chiết khấu, coupon giảm giá cho đơn hàng có giá trị nhất định. Gánh nặng chiết khấu này lại được chuyển sang vai nhà sản xuất để hỗ trợ cho đầu ra của sản phẩm.

Từ đơn hàng lớn, các nhà bán lẻ mới cung cấp chính sách giao hàng miễn phí. Hiện mức hóa đơn để giao hàng miễn phí thường là trên 150 nghìn đồng. Trước đây khi mới gia nhập thị trường, Shopee sẵn sàng hạ mức giá freeship xuống 50 nghìn đồng nhằm thu hút người dùng. Tuy nhiên sau một thời gian Shopee dần nâng lên 100 nghìn đồng và hiện là 150 nghìn đồng như các doanh nghiệp thương mại điện tử khác.

Cắt giảm nhân viên, tìm kiếm nguồn thu khác

Việc cắt giảm nhân viên chưa có thông tin nào từ các doanh nghiệp giao nhận Việt Nam nhưng trên thế giới đã xuất hiện. Đó là trường hợp của công ty giao nhận Instacart. Trong những nỗ lực cắt giảm chi phí, Instacart tăng phí giao hàng 2 USD trên mỗi đơn hàng và cắt giảm một số lượng lao động vào tháng 12/2015. Để tăng nguồn thu, Instacart biến trang web của mình thành nơi quảng cáo cho các công ty hàng tiêu dùng.

Tại Việt Nam chưa có doanh nghiệp dịch vụ giao nhận nào có nguồn thu từ quảng cáo như Instacart nên một cách khác để tăng nguồn thu là biến mình thành chính nhà bán lẻ, đây chính là trường hợp của Viettel Post. Công ty mới khai trương trang thương mại điện tử chuyên về đặc sản sandacsan.com.vn nhằm tận dụng ngay mạng lưới giao hàng của mình.

Theo Kim Thủy

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên