MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người trẻ nên mua căn hộ hiện hữu vào ở ngay hay góp vốn vào căn hộ hình thành tương lai?

27-09-2021 - 09:53 AM | Bất động sản

Người trẻ nên mua căn hộ hiện hữu vào ở ngay hay góp vốn vào căn hộ hình thành tương lai?

Câu hỏi này được nhiều người trẻ quan tâm khi quyết định tìm chốn an cư lạc nghiệp cho mình. Đây vốn là đối tượng có nhu cầu về chỗ ở còn rất lớn trên thị trường BĐS, tuy nhiên cũng là đối tượng có dòng vốn khiêm tốn.

Mới đây, tại buổi toạ đàm trực tuyến về BĐS, nhiều người trẻ quan tâm đến căn hộ, đặt câu hỏi băn khoăn là nên mua căn hộ hiện hữu hay góp vốn vào căn hộ hình thành trong tương lai sẽ ổn hơn.

Trả lời về vấn đề này, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, người trẻ có thể chọn cả 2 cách, tuỳ thuộc vào sản phẩm mình quan tâm. Dù là mua những dự án hiện hữu – gọi là thị trường thứ cấp hay dự án chào bán giai đoạn đầu hay thị trường sơ cấp đều có những ưu nhược điểm khác nhau.

Nếu người trẻ mua trực tiếp từ chủ đầu tư trên thị trường sơ cấp thì số tiền của bạn bỏ ra sẽ theo tiến độ và gánh nặng tài chính cũng được giãn ra. Thông thường, trên thị trường sơ cấp bạn có ít nhất 2-3 năm để chuẩn bị dòng tiền của mình. Chưa kể, họ sẽ hỗ trợ kết nối giúp bạn vay tại các ngân hàng mà họ có mối liên kết cũng như những ưu đãi về thời hạn thanh toán, lãi suất vay… Như vậy, với phương án này người trẻ được giảm tải rất nhiều về mặt tài chính. Nhược điểm là người mua chưa nhìn thấy căn nhà, nếu có rủi ro như chủ đầu tư không giao được sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến kế hoach nhà ở của bạn trong 2-3 năm.

Người trẻ nên mua căn hộ hiện hữu vào ở ngay hay góp vốn vào căn hộ hình thành tương lai? - Ảnh 1.

Đối với những người mua chưa chuyên nghiệp, trước khi mua, người trẻ phải thuộc nằm lòng vì những sản phẩm mua trong tương lai này có thể rủi ro cho những người mua chưa chuyên nghiệp. Rủi ro ở đây liên quan đến việc sản phẩm được giao không như mình kỳ vọng, ngay cả khi bạn biết rõ vị trí của dự án nhưng sau 2-3 năm cơ sở hạ tầng khu đó vẫn chưa được hoàn thiện như các chủ đầu tư hứa hẹn… Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho sản phẩm trong tương lai không như bạn kỳ vọng.

Đối với sản phẩm hiện hữu, theo bà Dung, người mua có thể sờ tận tay, nhìn tận mắt và biết chất lượng đúng như nhìn thấy cũng như những tiện nghi/ tiện ích mà người mua mong muốn.

"Vì có những dự án trong tương lai, chúng tôi biết mãi 3-4 năm sau vẫn chưa có siêu thị nào, hay công viên, khu vui chơi trẻ con… Đó là ưu điểm khi mua sản phẩm hiện hữu", bà Dung cho hay.

Đương nhiên, nhược điểm là phải gánh nặng tài chính, nhiều khi bạn phải trả tiền ngay lập tức. Những nhà đầu tư thứ cấp thường yêu cầu người mua trả tiền ngay lập tức nhưng hiện tại có rất nhiều ngân hàng sẵn sàng giúp bạn vay mua nhà với lãi suất vay mua nhà ở thời điểm hiện tại cũng khá là tốt.

Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ giảm thêm 1 điểm % so với lãi suất trước đây của họ và có lẽ duy trì ưu đãi như thế cho năm 2022. Đây cũng là lựa chọn cho những người mua muốn chắc chắn về sự đầu tư của họ.

"Tôi cũng muốn bổ sung thêm, nếu xét về sự dồi dào trong nguồn cung thì căn hộ hiện hữu có nhiều sự lựa chọn hơn người mua. Vì như vừa rồi đã nói, số lượng căn hộ chào bán mới hiện tại rất thấp và dự kiến cũng không nhiều trong giai đoạn tới để cho người mua lựa chọn, đặc biệt nếu bạn muốn tìm ở phân khúc bình dân hay trung cấp. Trong năm 2020, chúng ta không thấy căn hộ trung cấp nào chào bán ra thị trường, năm 2021 cũng vậy và dự kiến năm 2022 cũng không có dự án nào phân khúc bình dân và giữa bình dân với trung cấp chào bán ra thị trường", bà Dung nhấn mạnh.

Cũng có người trẻ kì vọng vào việc chủ đầu tư căn hộ bán "cắt lỗ", chờ mua hàng giá tốt. Tuy nhiên, theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, trên thị trường ai cũng muốn mua căn hộ cắt lỗ cả. Hiện nay, các nhà đầu tư lớn trên thị trường đã sẵn sàng mua bất động sản cắt lỗ 10-20% nhưng không mua được bao nhiêu. Vì thực tế, thị trường hiện nay ít ai cắt lỗ, họ chỉ cắt lỗ ở mức 5-10% chứ hơn thì chưa thấy.

"Tôi nghĩ trên thị trường hiện nay cũng có khoảng 10-20% nhà đầu tư muốn cắt lỗ, nhưng người ta không rao bán cắt lỗ mà chỉ rao bán bình thường, chỉ thêm chữ "bán gấp" gì đó để thu hút khách hàng. Sau một hồi thương lượng căng thẳng mà người ta giảm giá thì mình mua, mới thương lượng mà giảm thì đừng mua vội, không ai giảm giá quá nhanh đâu", ông Quang cho hay.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên