Người trẻ Trung Quốc 'chán' nhắc đến lương hưu
Kinh tế suy thoái, dân số già, thiếu việc làm,... khiến người trẻ Trung Quốc hoài nghi về các chương trình hưu trí của nhà nước.
- 05-04-2024Không phải chứng khoán, người trẻ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đổ xô ra ‘siêu thị’ để đầu tư một loại tài sản, với niềm tin an toàn trong biến động
- 22-03-2024Số người trẻ và trung niên ở Trung Quốc lập di chúc tăng 24 lần trong 10 năm
- 21-03-2024Vấn nạn đáng báo động ở Trung Quốc: Người trẻ tin làm giàu từ vận may dễ hơn đi làm, chi hơn 100 nghìn đồng/ngày mua xổ số chỉ vì 1 lần thắng hơn 300 nghìn
Trung Quốc kêu gọi giới trẻ dành tiền tiết kiệm cho hưu trí. Nhưng anh Tao, một thanh niên 30 tuổi thất nghiệp, lại 'chán' chẳng muốn nhắc đến điều đó.
“Nghỉ hưu với lương hưu?” , Tao hỏi, “Tôi không chắc rằng mình có thể chạm tay vào số tiền đó”.
Anh Tao, sống tại thành phố Thành Đô (phía Tây Nam Trung Quốc), không phải là người duy nhất có suy nghĩ như. Trên các diễn đàn mạng xã hội, những người trẻ đang đặt câu hỏi liệu có nên tiết kiệm tiền cho tuổi già hay không.
Nhiều người chọn "không", viện dẫn tình trạng thiếu việc làm, lương thấp và sự mơ hồ về tương lai, cảnh báo những người trẻ tuổi rằng có tham gia hưu trí thì lương hưu chưa chắc đã đủ sống khi về già.
Theo New York Times , sự hoài nghi trên phản ánh thách thức to lớn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Chỉ trong chưa đầy ba thập kỷ, đất nước tỷ dân đã chuyển từ một xã hội trẻ sang một xã hội già. Bảy năm liên tiếp tỷ lệ sinh giảm mạnh đang đẩy quốc gia này đến gần ngày mà số người lao động ít hơn người về hưu.
Đặc điểm nhân khẩu học thay đổi nhanh chóng đang tạo ra sức ép to lớn cho hệ thống lương hưu đang thiếu hụt của Trung Quốc. Độ tuổi nghỉ hưu trung bình là 54 tuổi, một trong những mức thấp nhất thế giới, càng làm cho áp lực này trở nên nghiêm trọng hơn.
Suy thoái kéo dài của nền kinh tế, tồi tệ nhất kể từ khi Trung Quốc mở cửa, đang khiến nhiều người thất nghiệp hoặc có rất ít khả năng tiết kiệm tiền.
Trung Quốc đã vượt qua một ngưỡng quan trọng về dân số giống như nhiều quốc gia khác trước đây. Vấn đề về các chương trình hưu trí bị thiếu hụt nguồn tài chính không chỉ xảy ra ở mỗi Trung Quốc. Tuy nhiên, những rắc rối về nhân khẩu và kinh tế của Trung Quốc đang xung đột với nhau, làm lung lay niềm tin vào hệ thống lương hưu.
“Do dân số già đi, mọi người hoài nghi về việc trợ cấp hưu trí trong tương lai của họ”, Tao Wang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại UBS, cho biết. "Họ lo lắng rằng mức lương hưu trong tương lai sẽ ít hơn".
"Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể bắt đầu giải quyết vấn đề bằng cách nâng độ tuổi nghỉ hưu thấp đáng báo động", bà Wang nói thêm. "Họ đã thảo luận về việc thực hiện điều này nhiều lần, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hành động cụ thể".
Ngày càng có nhiều người, dù đang thất nghiệp, làm việc bán thời gian hay làm việc tự do, đều tạm dừng đóng góp hoặc đơn giản là không tham gia các quỹ hưu trí.
"Số người quyết định tạm thời không tham gia các quỹ hưu trí là khá lớn", Dali Yang, giáo sư tại Đại học Chicago cho biết, "con số này đã tăng lên đáng kể trong năm qua".
Các chuyên gia cũng cảnh báo nếu Trung Quốc không thay đổi độ tuổi nghỉ hưu, họ sẽ cần phải giảm các khoản trợ cấp. Năm 2022, mức trợ cấp hàng tháng trung bình của Trung Quốc cho lương hưu công là 500 USD.
Mức đóng góp và trợ cấp chênh lệch đáng kể tùy thuộc vào các tỉnh thành. Ở một số khu vực phát triển, cứ 8 người lao động thì nuôi 1 người hưu trí. Nhưng ở các vùng kém phát triển hơn, cứ 2 người lao động thì nuôi 1 người hưu trí.
Với những áp lực ngày càng tăng, các quan chức và chuyên gia của Trung Quốc cảm thấy lo lắng và bắt đầu kêu gọi những người trẻ tuổi tiết kiệm và tham gia vào chương trình hưu trí, bất kể là quỹ công hay tư nhân.
Một giáo sư nổi tiếng đã kêu gọi những người trẻ tuổi bỏ thói quen cà phê hàng ngày và góp tiền vào quỹ. Tuy nhiên, đối với người trẻ, những lời kêu gọi cấp bách đó đang phản tác dụng.
"Lời kêu gọi của họ đang phản tác dụng", Lumiere Chen (27 tuổi), một nhân viên bảo hiểm tư nhân ở Bắc Kinh phụ trách phân khúc khách hàng 30 - 35 tuổi, cho biết. "Chúng tôi ngày càng khó chịu với những lời kêu gọi".
Ngay cả những người lớn tuổi hơn cũng không dễ thuyết phục.
Tài xế taxi họ Li, 37 tuổi, chia sẻ anh đã mất việc tại một công ty nghiên cứu thị trường vào năm ngoái sau hơn 10 năm cống hiến. Anh còn một khoản lương hưu với công ty và sẽ tiếp tục đóng nốt trong hai năm tới nhằm đáp ứng thời gian tối thiểu 15 năm để đủ điều kiện nhận trợ cấp sau tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, anh Li cho biết: “Thành thật mà nói, tôi không mong đợi sống dựa vào lương hưu và trang trải cuộc sống về già bằng số tiền đó”.
Trong khi đó, Cesar Li, 27 tuổi, chưa tham gia vào quỹ hưu trí nào vì cho rằng chi phí quá đắt. Cesar Li là một lao động tự do, cho biết anh nhận thấy ngày càng ít người trẻ tuổi đăng ký tham gia hơn.
Cesar Li và bạn bè anh ấy đôi khi thảo luận về tương lai, nói đùa về việc ai sẽ chăm sóc họ khi về già nếu không có trợ cấp hưu trí. "Chúng tôi có lẽ sẽ sống cô độc khi về già và 'yên nghỉ' tại nhà", anh nói thêm. “Điều này chỉ có thể phó mặc cho số phận".
VTCnews