Người Trung Quốc từ bỏ Xuân Vận bằng xe máy
"Đội quân xe máy" về quê ở thành phố Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 26/1/2011. (Ảnh: The Paper)
Với sự phát triển không ngừng của mạng lưới đường bộ, đường sắt cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác, xe máy không còn được người Trung Quốc ưa chuộng vào dịp Xuân Vận.
- 29-01-2024Ông Trump ấp ủ đòn kinh tế "khủng" nhằm vào Trung Quốc
- 29-01-2024Lý do Ấn Độ “ngoảnh mặt” với vũ khí Nga , chuyển hướng sang phương Tây
- 29-01-2024‘Chiến thần lấp đường’ tự động đầu tiên trên thế giới chuẩn bị ra mắt, có khả năng bịt vết nứt, lấp ổ gà ‘nhanh như gió’, hứa hẹn thay đổi toàn bộ hoạt động bảo trì đường bộ toàn cầu
"Đội quân xe máy" là cụm từ chỉ những người lao động về quê ăn Tết bằng xe máy ở Trung Quốc. Đây là một trong những cảnh tượng đặc trưng nhất vào mỗi đợt Xuân Vận ở quốc gia đông dân hơn 10 năm trước.
Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của mạng lưới đường bộ, đường sắt cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác cũng như mức sống không ngừng được cải thiện, xe máy không còn được người lao động Trung Quốc ưa chuộng.
Các báo cáo công khai từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Đông (miền nam Trung Quốc) năm 2022 cho thấy, "đội quân xe máy" di chuyển qua lại ở các tỉnh Quảng Tây, Quý Châu và Quảng Đông giảm đáng kể qua từng năm, sau khi đạt đỉnh điểm khoảng 1,1 triệu xe trong Xuân Vận 2013.
Thời hoàng kim của "đội quân xe máy"
Kể từ đầu những năm 1980, tỉnh Quảng Đông, nơi đi đầu trong công cuộc cải cách và mở cửa, đã có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng và trở thành "công xưởng" sản xuất lớn nhất của Trung Quốc. Đồng thời, nhu cầu lao động rất lớn đã thu hút hàng chục triệu lao động ngoại tỉnh đến làm việc, nên lượt người di chuyển từ Quảng Đông đến các vùng miền của nước này trong mỗi kỳ Xuân Vận luôn đạt mức cao kỷ lục.
Không giống như mạng lưới đường sắt cao tốc và đường cao tốc trải dài khắp đất nước hiện nay, việc về nhà đón năm mới không hề dễ dàng với người lao động thời kỳ đó.
Cảnh tượng xếp hàng dài ở các ga tàu, bến xe, thậm chí có người phải ngủ dưới đất suốt đêm chỉ để mua vé về nhà là điều hết sức phổ biến. “Khó trở về nhà” trở thành vấn đề họ gặp phải vào mỗi dịp cuối năm và tự di chuyển bằng xe máy trở thành lựa chọn "thoải mái" và rẻ nhất thời điểm đó.
Thành phố Triệu Khánh được mệnh danh là “cửa ngõ phía Tây” của tỉnh Quảng Đông và là tuyến đường giao thông quan trọng đến các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc. Hơn 10 năm trước, hàng trăm nghìn công nhân nhập cư đi xe máy qua Triệu Khánh và trở về Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam, Tứ Xuyên và những nơi khác. "Đội quân xe máy" trở về quê hương trên quốc lộ cũng trở thành cảnh tượng gây chú ý trong dịp Xuân Vận.
Theo báo cáo công khai của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Đông, số lượng xe máy đi và trở lại các tỉnh và khu vực khác nhau ở miền nam Trung Quốc vượt quá một triệu chiếc vào lúc cao điểm.
Khi đó, truyền thông trong nước và quốc tế đã tập trung ống kính vào nhóm người về quê đặc biệt này. Hình ảnh xe cảnh sát dẫn đầu, theo sau là "đội quân xe máy" hùng hậu vẫn thu hút sự chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc cho đến ngày nay.
Gian nan hành trình về nhà
Vượt hành trình hàng trăm thậm chí cả nghìn cây số bằng xe máy để về quê ăn Tết không phải lựa chọn an toàn nhất, khi họ phải chịu đựng cái lạnh, mưa và tuyết dọc đường.
Ông Uông Chính Niên, người đã ngoài 40, vẫn tràn ngập cảm xúc khi nhớ lại trải nghiệm đưa vợ về quê ở huyện Thạch Thiên (tỉnh Quý Châu) nhiều năm trước.
Ông Uông cho biết do điều kiện kinh tế ở nhà khó khăn nên rời quê hương năm 15 tuổi để làm công nhân tại các công trường ở thành phố Triệu Khánh, trong khi vợ ông làm việc tại một xưởng giày.
Năm 2008, ông Uông mua chiếc xe máy với giá khoảng 2.800 nhân dân tệ (khoảng 9,5 triệu đồng) để đi lại và cũng là phương tiện về quê mỗi dịp tết đến xuân về.
Uông Chính Niên cho biết có 2 lý do chính để ông chọn tự lái xe máy về quê. Thứ nhất, rất khó kiếm được vé tàu trong thời gian Xuân Vận và không có chuyến tàu trực tiếp nào về quê ông vào thời điểm đó. Thứ hai, ngay cả khi bắt đi xe khách, giá vé trong đợt Xuân Vận tương đối đắt, mỗi cặp vợ chồng phải trả hơn 2.000 nhân dân tệ cho một chuyến khứ hồi.
“Tôi làm ở công trường, lương tháng chỉ hơn 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,8 triệu đồng). Chi phí đi lại về quê ăn Tết có thể tiêu tốn gần một tháng lương nên chúng tôi chọn đi xe máy về nhà cho tiết kiệm và không phải chen chúc mua vé" , ông Uông chia sẻ.
Trên hành trình dài 1.350km trở về nhà từ Triệu Khánh đến huyện Thạch Thiên ở tỉnh Quý Châu, vợ chồng ông Uông sử dụng bản đồ giấy để xác định trước những thành phố mà họ sẽ đi qua và dựa vào các biển báo dọc theo các quốc lộ để di chuyển.
Cuộc hành trình về quê của cặp vợ chồng mất khoảng 2 - 3 ngày. Tuy nhiên vào năm 2011, họ mất tới 5 ngày 4 đêm mới về được tới Thạch Thiên, do gặp phải bão tuyết trên đường.
“Lúc đó, có một đoạn đường ở Quý Châu bị tuyết bao phủ khiến xe máy không thể di chuyển bình thường được. Mọi người chỉ có thể dắt bộ để đảm bảo an toàn. Vợ chồng tôi phải đi bộ đẩy xe suốt 4 - 5 tiếng và thường bị ngã do đường trơn, gió mạnh" , ông Uông cho hay.
Nửa cuối năm 2011, con gái út của ông Uông không may được chẩn đoán mắc bệnh tan máu bẩm sinh, hai vợ chồng quyết định trở về quê làm việc, chăm sóc gia đình và chữa trị cho con cái. Hai năm qua, sức khỏe của cô con gái út dần ổn định, vợ chồng ông Uông lại đến Quảng Đông làm việc nhưng chưa bao giờ về nhà bằng xe máy.
"Bây giờ chúng tôi thường cùng một số người cùng quê thuê riêng ô tô để về nhà. Hành trình về chỉ mất hơn 10 tiếng, điều kiện tốt hơn trước rất nhiều" , Uông Chính Niên nói.
"Đội quân xe máy" biến mất
Điều kiện giao thông tiện lợi cùng mức thu nhập tốt hơn khiến "đội quân xe máy" dần biến mất trong mỗi dịp Xuân Vận ở Trung Quốc
Ngày 26/1, ngày đầu tiên đợt Xuân Vận 2024, thời tiết ở tại các tính phía Nam và Tây Nam Trung Quốc không tốt, trời se lạnh và mưa phùn. Trên đoạn quốc lộ gần 300 cây số giữa tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, chỉ lác đác một vài người lao động lái xe máy về nhà.
Trong ấn tượng của các nhân viên trạm xăng Kangzhou ở thành phố Triệu Khánh, khi bước vào Xuân Vận, trạm xăng thường chật kín xe máy. Những năm gần đây, cảnh tượng này gần như không còn, phương tiện di chuyển của mọi người đều được thay thế bằng ô tô tự lái.
Một số người trở về đi xe máy trở về nhà cho biết Xuân Vận ngày nay có rất ít người lái xe máy đường dài về nhà vì trên đường có nhiều bất ổn và rủi ro lớn. Hầu hết những người trở về nhà bằng xe máy đều chỉ di chuyển quãng đường từ 300 - 400 cây số.
Nằm trên quốc lộ ở ngã ba Quảng Đông và Quảng Tây, có một quán cơm nhỏ. Chủ tiệm Hà Bình cho biết hơn mười năm trước, đây là con đường duy nhất để "đội quân xe máy" trở về nhà vào mỗi đợt Xuân Vận, hoạt động kinh doanh ở tất cả các cửa hàng đều rất bùng nổ.
“Mỗi ngày tôi bán được cả chục thùng cơm, mỗi thùng nặng 25 - 30kg" , bà nói.
Bà chủ Hà cho biết hiện nay thu nhập của người lao động ngoại tỉnh tăng lên, việc mua một chiếc ô tô bình thường không phải là gánh nặng lớn đối với họ, ngày càng có nhiều người chọn lái xe khi về quê đi đường dài.
Hơn nữa, đường sắt cao tốc thuận tiện hơn và mang đến cho người dân nhiều lựa chọn đi lại đa dạng hơn. Bên cạnh đó, nhiều lao động nhập cư không còn đến Quảng Đông để làm mà thay vào đó họ tìm việc gần nhà. Kết quả là "đội quân xe máy" dần biến mất.
VTC News