Người Việt dành 2/3 thời lượng dùng smartphone chỉ để vào 5 ứng dụng mạng xã hội, Facebook vẫn đứng số 1 ở Việt Nam
Sự phổ biến của TikTok và các ứng dụng đặt xe/giao đồ ăn, cùng sự biến mất của ứng dụng PC-Covid là những xu hướng nổi bật trên smartphone của người Việt hiện nay.
- 19-03-2023Mỹ: Lướt TikTok quá nhiều, học sinh được đề xuất làm thêm đến 9 giờ tối để "vừa kiếm thêm tiền vừa bớt chơi MXH"
- 05-03-2023Nghịch lý công nghệ của Gen Z: Am hiểu internet và đủ ứng dụng kỹ thuật số, nhưng bó tay trước máy in văn phòng
- 26-02-2023Nhà tuyển dụng: '100 quả táo thì 99 quả có độc, làm sao phân biệt?', nữ ứng viên trả lời thành công
- 13-02-2023Đã tìm thấy ứng viên trả lời được câu hỏi hack não: 'Mẹ và bạn gái cùng rơi xuống nước thì cứu ai?' - Đến nhà tuyển dụng cũng không thể phản bác
Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me mới đây công bố báo cáo “ Những ứng dụng di động phổ biến với người Việt 2023 ”, dựa vào tính năng đo thời gian sử dụng màn hình (screen time) trên hệ điều hành iOS. Khảo sát được tiến hành vào tháng 1/2023, với dữ liệu được phân tích theo lượng người dùng và thời gian sử dụng.
Kết quả khảo sát cho thấy người Việt Nam năm 2023 dành trung bình 6,2 giờ/ngày cho việc sử dụng smartphone, giảm nhẹ so với mức 6,5 giờ/ngày năm ngoái – khi người dùng phải ở nhà nhiều hơn vì Covid-19. Số ứng dụng được dùng trong 1 tuần cũng giảm xuống 20,5 so với con số 25,7 của năm 2022.
Trong top 10 ứng dụng được người Việt cài đặt trên smartphone, Facebook, Messenger và Zalo bỏ xa phần còn lại với tỷ lệ người dùng lần lượt đạt 96%, 94% và 93%.
Nguồn: Q&Me.
Tuy nhiên, nếu xét theo thời lượng sử dụng, thứ tự 5 ứng dụng phổ biến nhất lần lượt là Facebook, Zalo, TikTok, Messenger và Youtube. Top 10 ứng dụng theo tiêu chí này cũng không có Momo, Gmail và Grab, thay vào đó là Liên Quân Mobile, StarMarker và Chrome, đứng lần lượt ở vị trí 6, 7 và 8.
Mặc dù có vô vàn lựa chọn trên smartphone, 2/3 thời lượng sử dụng điện thoại của người dùng Việt chỉ dành cho 5 ứng dụng là Facebook, Zalo, TikTok, Messenger và YouTube.
Khác với thông tin về việc Facebook suy giảm mức độ phổ biến trên thế giới, đây vẫn là ứng dụng số 1 tại Việt Nam, chiếm tới 26% tổng thời lượng lướt smartphone của người dùng.
3 vị trí tiếp theo lần lượt là Zalo với 17%, TikTok với 10% và Messenger với 7%. Youtube chỉ còn chiếm 6% thời lượng dùng smartphone của người Việt, trong khi năm ngoái con số này là 10% - chỉ sau Facebook. Lý do chính Q&Me đưa ra là năm ngoái người dùng có nhiều thời gian rảnh ở nhà hơn do ảnh hưởng của Covid-19.
Nguồn: Q&Me.
Một xu hướng nổi bật tại Việt Nam là sự lên ngôi của TikTok. Tỷ lệ người dùng ứng dụng này tăng từ 53% năm 2022 lên 69% trong năm nay. Mặc dù số lượng người dùng TikTok ít hơn YouTube, thời gian người Việt Nam dành cho TikTok lại nhiều hơn gấp đôi so với YouTube.
Xu hướng tiếp theo là sự biến mất của PC-Covid trên smartphone người Việt. Đây là ứng dụng gần như không thể thiếu trong thời kỳ đại dịch. Nhưng hậu Covid-19, chỉ còn 1% người dùng vẫn để PC-Covid trong điện thoại.
Một xu hướng khác là số lượng người cài đặt các ứng dụng đặt xe/giao đồ ăn tăng vọt từ 27% lên 42%. Trong danh mục này, Grab là ứng dụng phổ biến nhất với tỷ lệ người dùng hơn gấp đôi vị trí thứ hai là Gojek. 3 vị trí tiếp theo lần lượt là ShopeeFood, Be và Baemin.
Ngoài ra, trong hạng mục ứng dụng thanh toán/ngân hàng/tài chính, Momo và Techcombank là 2 ứng dụng phổ biến nhất, với tỷ lệ người dùng lần lượt là 38% và 25%, bỏ xa vị trí thứ 3 là ZaloPay với 10%. 2 vị trí còn lại trong top 5 là VPBank NEO và Vietcombank.
Nhịp sống thị trường