Người Việt tiếp tục vay nợ nhiều hơn
Những con số cho thấy người Việt đang vay ngân hàng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu đời sống.
- 23-10-2019Nên làm gì khi khách hàng chê lãi suất vay cao?
- 21-10-2019Các ngân hàng đang cho vay gần 1,5 triệu tỷ đồng đối với bất động sản?
Theo số liệu cập nhật gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay phục vụ đời sống của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam tiếp tục tăng cả về mức tăng trưởng lẫn tỷ trọng.
Trong năm 2018, diễn biến dư nợ này đã tạo chú ý với mức tăng trưởng rất cao. Cụ thể, dư nợ cho vay phục vụ đời sống năm qua đã tăng tới 29,38% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng 19,65% trong tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế.
Đà tăng trên tiếp tục thể hiện trong 6 tháng đầu năm nay, khi tính đến cuối tháng 6/2019 dư nợ cho vay phục vụ đời sống tiếp tục tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân cho nền kinh tế nói chung, tăng 8,14% so với cuối năm 2018 và chiếm 20,09% tổng dư nợ.
Về tỷ trọng, mức độ gia tăng cũng thể hiện rõ, khi dư nợ nhóm này cuối tháng 6/2018 chiếm 17,71% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế, đến cuối 2018 chiếm 19,65%, đến cuối tháng 6/2019 chiếm 20,09% như trên.
Và cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến tháng 8/2019 tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tiếp tục thể hiện tốc độ tăng trưởng cao, với 13,92% so với cuối 2018, tỷ trọng cũng nâng lên 20,69% tổng dư nợ.
Về con số tuyệt đối, với tỷ trọng trên, tính đến cuối tháng 8/2019, dư nợ nhóm này đã ở mức trên 1,6 triệu tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của BizLIVE, phần lớn trong quy mô dư nợ đó chủ yếu là người dân vay để sửa chữa nhà, mua nhà để ở và mua ô tô - những khoản vay có kỳ hạn dài và chiếm tỷ trọng quanh 78%.
Với tỷ trọng lớn vốn vay có kỳ hạn dài, trong khi vốn huy động của các ngân hàng thương mại chủ yếu có kỳ hạn dưới 12 tháng (vốn huy động trung dài hạn hiện có tỷ trọng quanh 30%), ngân hàng phải cân đối về nguồn và kỳ hạn. Điều này góp phần cùng các yếu tố khác giải thích cho lãi suất huy động thời gian qua tăng lên ở các kỳ hạn dài, cũng như khó giảm.
Nhưng ngược lại, cho vay phục vụ đời sống thường có lãi biên cao hơn, đi kèm với phát triển các dịch vụ đan chéo khác, giúp các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hoạt động bán lẻ và tăng hiệu quả hoạt động (thể hiện về lợi nhuận).
Còn ở phương diện vĩ mô, khi người dân đẩy nhanh và vay nợ ngân hàng nhiều hơn, một vấn đề liên quan có thể theo dõi là lực tiêu dùng của nền kinh tế có thể có ảnh hưởng, khi người vay thắt chặt chi tiêu để trả nợ. Điểm này có lẽ cần một quá trình để nhìn lại.