MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ chứng khoán bị bán tháo nếu Trung Quốc không hành động đủ

26-01-2019 - 19:30 PM | Tài chính quốc tế

Chứng khoán Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng bán tháo trong năm 2019 khi những biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở thời điểm hiện tại dường như không phát huy tối đa tác dụng.

Chính phủ Trung Quốc cần phải tìm ra một loạt các giải pháp mới trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang giảm điểm, theo Bank of America Merill Lynch (BofAML).

Nếu như những dữ liệu tăng trưởng tiếp tục gây thất vọng, chỉ số Hang Seng có thể rơi xuống 7.600 điểm, tương đương giảm 30% giá trị thị trường so với thời điểm kết thúc phiên giao dịch hôm 18/1. Shanghai Composite cũng có thể mất 20% xuống đáy 2.100 điểm, theo David Cui, trưởng bộ phận chiến lược thị trường chứng khoán Trung Quốc của BofAML.

Chỉ khi nào các nhà đầu tư cảm thấy thuyết phục bởi những biện pháp khuyến khích đến từ chính phủ Trung Quốc, thị trường mới có sự phục hồi bền vững, ông bổ sung thêm.

“Những biện pháp kích thích của Trung Quốc tại thời điểm hiện tại là không đủ để có thể vực dậy nền kinh tế”, ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn bàn tròn tại Hong Kong hôm 18/1. “Mức tăng trưởng đáy có thể xảy muộn hơn 1 năm so với dự đoán của nhiều người”.

Nguy cơ chứng khoán bị bán tháo nếu Trung Quốc không hành động đủ - Ảnh 1.

Chứng khoán Trung Quốc đang dần bình thường trở lại sau đợt bán tháo năm 2018.

Sau khi rơi vào thị trường giá xuống hồi năm ngoái, thị trường chứng khoán Trung Quốc thậm chí đã chạm đáy trong tháng 1 năm nay khi các nhà đầu tư có trong tay những con số thống kê về đà tăng trưởng “chậm chạp” của nền kinh tế cũng như việc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) nới những quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho một số định chế tài chính.

Điều đó cũng gián tiếp tạo ra cơ chế cho phép các ngân hàng thu hút thêm các nguồn vốn thông qua việc bán trái phiếu nhằm mục đích tái cân bằng bảng cân đối kế toán của họ.

Hồi năm ngoái, nhóm Cui đã đưa ra hàng loạt các cảnh báo về tương lai không mấy sáng sủa của nền kinh tế Trung Quốc, nổi bật trong đó là cảnh báo về “thời điểm Bear Stearns” cho hệ thống tài chính sau khi làn sóng vỡ nợ tại các tập đoàn lớn bắt đầu vào năm 2014.

(Bear Stearns là một ngân hàng đầu tư toàn cầu, một công ty giao dịch và môi giới chứng khoán đã sụp đổ trong năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế, sau đó được bán cho JPMorgan Chase).

Chính phủ Trung Quốc cũng chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề đầu cơ, ngược lại, tình hình còn trở nên tồi tệ hơn khi các doanh nghiệp tiến hành thế chấp cổ phần, Cui chia sẻ.

Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đang tỏ ra quá lạc quan, và một đợt bán tháo khác sẽ có thể xảy ra trước khi mọi thứ trở về với đúng giá trị của nó. Cui dự báo trong năm 2019, chỉ số Hang Seng sẽ đạt 9.400 điểm và chỉ số Shanghai Composite sẽ ở 2.100 điểm.

Thời điểm thích hợp để Bắc Kinh có thể thực hiện “những biệt pháp kích thích mang tính đột phá” có thể diễn ra sau kỳ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc diễn ra vào tháng 3 tới đây, Cui cho biết.

“Nếu như tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm sâu, chính phủ Trung Quốc sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tìm ra những biện pháp mới”.

Chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng sự kiểm soát đối với thị trưởng nhà ở cũng như hệ thống ngân hàng “ngầm”. Ông cũng bổ sung rằng nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách sẽ khó khăn hơn nhiều nếu như đồng nhân dân tệ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường tài chính trong thời điểm này.

Cuộc chiến thương mại có thể được giải quyết nhưng những tranh cãi vẫn có thể sẽ tiếp diễn, Cui cho hay. “Cuộc chiến tiếp theo có thể sẽ diễn ra trên mặt trận công nghệ. Những gì đã diễn ra đối với Huawei và ZTE sẽ không đơn thuần chỉ dừng lại ở đó”.

Theo Trọng Đại

NĐH

Trở lên trên