MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao quỹ bảo hiểm thất nghiệp tồn dư 89 nghìn tỷ đồng khi thất nghiệp vì Covid tăng vọt và chỉ nên giữ lại 10% dự phòng?

Vì sao quỹ bảo hiểm thất nghiệp tồn dư 89 nghìn tỷ đồng khi thất nghiệp vì Covid tăng vọt và chỉ nên giữ lại 10% dự phòng?

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến nay kết dư lớn, kết dư đến hết năm 2020 là 89.141 tỷ đồng. Vậy nguyên nhân do đâu khiến cho số tiền kết dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp lại lớn như vậy?

Được đưa vào triển khai từ năm 2009, bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Nguồn quỹ đến từ các khoản đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động, Nhà nước hỗ trợ, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác. Nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng, chi trả theo nguyên tắc "có đóng - có hưởng".

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, giai đoạn 2009-2020, số lao động tham gia, người thụ hưởng, nguồn thu, nguồn chi hầu hết tăng đều qua các năm. Tổng số tiền thu BHTN tính đến hết năm 2020 là 133.256 tỷ đồng; số chi hơn 71 nghìn tỷ đồng. Hơn 13,3 triệu lao động đang đóng quỹ và hơn 6,2 triệu người đã được thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo đó, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến nay kết dư lớn, kết dư đến hết năm 2020 là 89.141 tỷ đồng; số dư năm 2019 là hơn 9 nghìn tỷ đồng, năm 2020 là gần 3,6 nghìn tỷ đồng.

Vào ngày 17/8, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, kết dư các Quỹ bảo hiểm ngắn hạn quá lớn, trong khi về nguyên tắc, hằng năm chỉ giữ lại 10% dự phòng.

"Ở đây có hai vấn đề. Một là nếu đóng quá lớn thì tạo gánh nặng cho người sử dụng lao động và cả ngân sách nhà nước. Hai là chi quá ít thì người lao động đóng nhiều mà hưởng ít, hoặc là do cả hai vấn đề. Nếu thế thì phải sửa, phải tường minh lý do tại sao tồn lớn như thế", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Vậy nguyên nhân do đâu khiến cho số tiền kết dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp lại lớn như vậy?

Thứ nhất, nguồn thu BHTN ngày càng lớn do số lượng doanh nghiệp tăng, lực lượng đóng bảo hiểm thất nghiệp đông. 2009 là năm đầu tiên thu bảo hiểm thất nghiệp với 5,9 triệu lao động tham gia, tiền thu vào 3,5 nghìn tỷ đồng.

Song theo quy định, người lao động phải đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời hạn 24 tháng hoặc 36 tháng trước khi bị mất việc làm thì mới được hưởng các ưu đãi của BHTN.

Vì thế, năm 2009 chỉ thu vào mà không phải chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, đến năm 2010 mới có người đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề.

Tính đến hết năm 2020, cả nước có hơn 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 27,5 % lực lượng lao động cả nước. Số tiền thu vào của năm này đạt hơn 18,7 nghìn tỷ đồng.

Vì sao quỹ bảo hiểm thất nghiệp tồn dư 89 nghìn tỷ đồng khi thất nghiệp vì Covid tăng vọt và chỉ nên giữ lại 10% dự phòng? - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thứ hai, lực lượng tham gia BHTN đông nhưng số lượng người lao động hưởng BHTN lại không cao. Từ khi thực hiện chính sách, tổng số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp tính đến hết năm 2020 là trên 6,2 triệu người. Trong đó, năm 2020 là năm có số lao động xin nhận trợ cấp thất nghiệp đông nhất, hơn 1 triệu người.

Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp thấp có nhiều nguyên do, như kinh tế phát triển, nhu cầu việc làm nhiều, tỷ lệ thất nghiệp thấp. Tỷ lệ thất nghiệp theo thống kê mười năm qua dao động ở mức 1,84% đến 2,42% và chỉ tăng vọt lên 2,73% vào năm ngoái do ảnh hưởng của Covid-19. Nhóm lao động khu vực hành chính sự nghiệp ít bị mất việc làm hơn lao động ngoài quốc doanh.

Ngoài ra, lượng người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp thấp một phần còn do thủ tục chặt chẽ. Theo quy định, người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện: Chấm dứt hợp đồng; đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chưa tìm được việc sau 15 ngày từ lúc nộp hồ sơ; đặc biệt phải đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời hạn 24 tháng hoặc 36 tháng trước khi bị mất việc làm. Quy định này khiến nhiều lao động dù có hợp đồng nhưng ngắn hạn hoặc không đóng đủ thời gian thì không thể làm hồ sơ.

Thứ ba, mức đóng duy trì ổn định, chưa điều chỉnh trong khi nguồn thu tăng. Theo quy định, người lao động đóng 1% tiền lương hằng tháng và người sử dụng lao động 1% quỹ tiền lương tháng. Tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp căn cứ vào tiền lương tháng.

Nghĩa là, khi lương cơ sở, lương tối thiểu vùng tăng thì số tiền đóng góp vào quỹ cũng tăng theo. Lương cơ sở tăng 2,3 lần, từ mức 650 nghìn đồng năm 2009 lên 1,49 triệu đồng vào năm 2020. Tương tự trong khoảng thời gian trên, lương tối thiểu vùng I áp dụng với doanh nghiệp tăng 5,5 lần, từ 800.000 đồng lên 4,42 triệu đồng.

Thứ tư, số lao động được hỗ trợ học nghề thấp nên số tiền chi cũng thấp. Từ khi chính sách có hiệu lực đến hết năm 2020, hơn 230.000 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề. Nếu chỉ tính riêng năm 2020, chỉ có khoảng hơn 26 nghìn lượt người lao động được hỗ trợ học nghề trên tổng số hơn 1 triệu người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, để khuyến khích, Chính phủ đã tăng tiền hỗ trợ học nghề tối đa 9 triệu đồng từ ngày 15/5/2021.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên