MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên tắc bất di bất dịch này chính là lý do khiến Warren Buffett buông bỏ Unilever

22-02-2017 - 12:44 PM | Tài chính quốc tế

Theo ông, việc mua các công ty giống như trò chơi bóng chày. Đừng thực hiện cú đánh nếu như bạn cảm thấy không thoải mái.

Warren Buffett thực sự giỏi tính toán trong các thương vụ mua bán doanh nghiệp, đến nỗi các nhân viên kinh doanh và những chuyên viên của các ngân hàng đầu tư thường xuyên nghiên cứu kỹ lưỡng và theo dõi sát sao những bước đi của ông. Tuy nhiên, thương vụ với Unilever vừa qua là một ví dụ cho thấy Buffett đã tự áp dụng lời khuyên của chính mình.

Hôm chủ nhật (19/2), Kraft Heinz đã quyết định rút lại lời đề nghị mua Unilever trong thương vụ nếu thành công sẽ tạo ra tập đoàn thực phẩm lớn thứ 2 thế giới. Trước đó Buffett cũng từng bỏ dở một số thương vụ, ví dụ như nỗ lực thâu tóm các tài sản lõi của Yahoo! Inc hay thâu tóm công ty mỹ phẩm Avon Products.

Quyết định rút lui đã khiến mọi người bất ngờ và được đánh giá là có phần phi lý bởi Buffett quyết định quá nhanh chóng. Tập đoàn Berkshire Hathaway của Buffett hiện đang có gần 80 tỷ USD tiền mặt dư thừa và gần như không sinh lời. Thương vụ này cũng nằm trong lĩnh vực mà Buffett đang kiếm được khá nhiều tiền khi kết hợp với 3G Capital.

Tuy nhiên, quyết định này sẽ không quá khó hiểu nếu nhìn vào nguyên tắc đầu tư nổi tiếng của Buffett: không cần phải đuổi theo những thương vụ. Theo ông, việc mua các công ty giống như trò chơi bóng chày. Đừng thực hiện cú đánh nếu như bạn cảm thấy không thoải mái.

“Bí quyết đầu tư là hãy cứ ngồi ở đó, theo dõi diễn biến và chờ đợi thời điểm phù hợp nhất. Nếu người ta la hét và thúc giục bạn hành động thì hãy cứ lờ đi”, Buffett nói trong bộ phim tài liệu “Becoming Warren Buffett” mới lên sóng HBO.

Unilever – tập đoàn hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới với những sản phẩm thân thuộc như trà Lipton, hạt nêm Knor hay lăn khử mùi Axe – có rất nhiều tiêu chí phù hợp mà Buffett đã liệt kê trong các báo cáo thường niên của Berkshire. Đây là công ty có quy mô lớn, hoạt động kinh doanh không phức tạp, có lợi nhuận ổn định.

Rõ ràng thâu tóm Unilever là một thương vụ hấp dẫn. Hợp tác với quỹ 3G Capital của tỷ phú người Brazil Jorge Paulo Lemann, Buffett đã tài trợ cho vụ thâu tóm H.J. Heinz năm 2013 và sau đó là nhập Heinz với Kraft năm 2015. Kraft Heinz mạnh tay sa thải nhân công, cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận biên. Từ mức 9,8 tỷ USD, giá trị của 27% cổ phần của Berkshire ở Kraft Heinz đã tăng gấp 3 lần.

Nhưng Buffett không bao giờ thực hiện những vụ thâu tóm thù nghịch (hostile takeovers). “Một số vụ thâu tóm thù nghịch vẫn có thể hợp lý, nhưng chúng tôi không bao giờ chiến đấu với công ty mình muốn thâu tóm. Chúng tôi sẽ nhường những cơ hội này lại cho người khác”, Buffett đã viết như vậy trong lá thư gửi đến cổ đông năm 2015.

Khi những tin tức về thương vụ này bắt đầu xuất hiện ngày 17/2, Unilever đã nhanh chóng đưa ra những lời lẽ cứng rắn. Mức giá 50 USD/cổ phiếu bị gọi là “thấp hơn so với giá trị thực”, dù đã cao hơn 18% so với giá đóng cửa gần nhất của cổ phiếu Unilever. Tập đoàn này cũng tuyên bố “không có lý do gì để nói thêm” về lời chào mua của Kraft Heinz.

2 ngày sau, Berkshire và 3G đã quyết định rằng phản ứng của Unilever khiến một giao dịch thiện chí khó có thể xảy ra. “Dự định của chúng tôi dựa trên thái độ thân thiện, nhưng rõ ràng Unilever không muốn theo đuổi giao dịch”, người phát ngôn của Kraft Heinz nói.

Vì né tránh các vụ thâu tóm thù nghịch, Buffett không bị kéo vào những cuộc thương lượng giá cả dài đằng đẵng. Ông cho biết mình thích đưa ra lời mời chào mạnh mẽ ngay từ lúc đầu và sẽ hiếm khi tăng giá. Chỉ có duy nhất một ngoại lệ năm 1999, khi ông mua MidAmerican Energy Holdings. Sau vài ngày, ông tăng thêm 5 cent cho mỗi cổ phiếu.

Năm 2011, ông cũng đánh mất cơ hội mua công ty tái bảo hiểm Transatlantic vào tay Alleghany Corp. Cấp phó của Buffett là Ajit Jain đã gây áp lực lên Transatlantic, chỉ cho họ vài ngày để quyết định có chấp nhận lời đề nghị mua hay không.

Kế hoạch mua công ty năng lượng Constellation cũng đổ vỡ. Tuy nhiên có lẽ Buffett đã không mất ngủ vì thương vụ này. Constellation phá vỡ hợp đồng và Berkshire được đền bù hơn 500 triệu USD.

Theo Jeff Matthews, một tác giả đã có nhiều cuốn sách viết về Berkshire, Buffett không hề sợ chuyện từ bỏ các thương vụ. “Ông ấy chỉ trả tiền cho những thứ được cho là đáng giá và hiếm khi dây dưa”. “Thông thường thì người ta muốn bán cho ông ấy và do đó Buffett sẽ có được mức giá mong muốn”.

Có lẽ điều bất thường nhất trong vụ Kraft Heinz – Unilever nằm ở chỗ thông tin được tung ra ngoài quá sớm. Trong hầu hết các trường hợp, thông tin chỉ được công bố khi thương vụ chắc chắn sẽ thành công.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên