MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà bán lẻ bình ổn, không để lương tăng, giá tăng

Ghi nhận gần một tháng kể từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng cho thấy, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh tương đối ổn định và đảm bảo nguồn cung dồi dào. Đồng thời, các nhà bán lẻ nỗ lực bình ổn giá và không để

Nhà bán lẻ bình ổn, không để lương tăng, giá tăng- Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm rau củ, quả được bán giá khuyến mãi tại siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù luân phiên "chạy" hoạt động kích cầu tiêu dùng, nhưng trong tháng 7/2024, hầu hết chương trình khuyến mãi của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đều tập trung nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu. Cụ thể, từ ngày 18-31/7/2024, Saigon Co.op thực hiện  chương trình "Cơm nhà nồng nàn - hương vị ngập tràn", áp dụng 1.500 mặt hàng khuyến mãi đến 50%.

Cùng đó, "Lễ hội nấm" lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực TP Hồ Chí Minh từ 19/7 - 20/7/2024, với hơn 50 loại nấm tươi, khô giảm giá đến 31%; "Lễ hội rau Đà Lạt" từ 22 - 28/7/2024, với 200 mặt hàng rau củ quả từ vùng nguyên liệu Đà Lạt giảm giá kịch trần 33%...

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op chia sẻ, đơn vị này luôn chủ động tìm kiếm và đa dạng hóa vùng nguyên liệu ở nhiều tỉnh, thành cả nước với mục đích thu mua tận gốc, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và quan trọng hơn là cắt giảm đáng kể chi phí trung gian. Từ đó, duy trì mức giá ổn định, có lợi cho người tiêu dùng. Đặc biệt, không để "lương tăng giá tăng", hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra… phối hợp với mạng lưới đối tác kinh doanh xây dựng kế hoạch dài hạn về nguồn cung ứng, đảm bảo sản lượng hàng hóa dồi dào để có thể tổ chức lễ hội theo từng ngành hàng, sản phẩm và vụ mùa.

Tương tự, đại diện một số nhà bán lẻ khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết: Với bối cảnh sức mua duy trì ở mức thấp trong những tháng qua thì việc "tăng giá theo lương" sẽ gây khó cho cả đơn vị kinh doanh lẫn người tiêu dùng. Do đó, hầu hết nhà bán lẻ đã và đang làm việc với nhà cung cấp, đơn vị sản xuất để "nới lỏng" biên độ điều chỉnh giá dài ra, nếu trong trường hợp nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng.

Cùng đó, nhà bán lẻ sẽ chú trọng chuyển hướng hoạt động khuyến mãi vào những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu và thực hiện chương trình ưu đãi có trọng tâm. Điển hình, tại hệ thống LOTTE Mart, TP Hồ Chí Minh đang triển khai chương trình khuyến mãi "Thương hiệu lớn - Ưu đãi lớn" với nhiều ưu đãi siêu hấp dẫn cùng hàng loạt chương trình khuyến mãi, giám giá đến 50% đến từ hơn 100 thương hiệu lớn từ nay đến ngày 30/7/2024. Theo đó, người tiêu dùng có thể mua sắm đa dạng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày.

Ở góc độ chuyên gia, bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại Nielseniq Việt Nam chỉ ra rằng, một chiến lược kinh doanh bán lẻ hiệu quả cần tập trung những yếu tố chính để đảm bảo sự thành công trong kinh doanh bán lẻ như: đúng điểm bán, đúng sản phẩm, đúng mức giá, đúng hình thức trưng bày và đúng hoạt động kích cầu. Trong đó, định giá sản phẩm hợp lý là một nghệ thuật cần sự nghiên cứu sâu sắc về thị trường và sự cạnh tranh.

Bà Dung phân tích thêm, việc lập chiến lược khuyến mãi và giá tốt nhất hàng ngày, dựa trên thông tin chi tiết và mức giá đối chiếu sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được nhiều khách hàng hơn. Bên cạnh đó, lập chiến lược khuyến mãi và giá tốt nhất hàng ngày bằng thông tin chi tiết và mức giá đối chiếu là chìa khóa để cạnh tranh và thu hút khách hàng.

Hơn thế nữa, hoạt động kích cầu hiệu quả là không thể thiếu trong chiến lược bán lẻ, nên doanh nghiệp cần đo lường hiệu suất tại cửa hàng để điều chỉnh các điều kiện nhằm mang lại lợi tức đầu tư tối đa. Chính vì vậy, doanh nghiệp nên thường xuyên đánh giá và cải tiến các hoạt động quảng bá, khuyến mãi để duy trì và gia tăng sự quan tâm của khách hàng.

Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng khá, với mức tăng 10,0% so với cùng kỳ. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 10,2%, lưu trú và ăn uống tăng 8,1%, dịch vụ lữ hành tăng 63,3% và dịch vụ khác tăng 7,2%.

Bước qua tháng 6/2024, thương mại và dịch vụ trên địa bàn diễn ra sôi nổi với nhiều chương trình được thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong mùa du lịch hè. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 năm 2024 ước đạt 99.010 tỷ đồng, tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 8,6% so với cùng kỳ.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh công bố cũng cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 so với quý I/2024 đã có tín hiệu khởi sắc. Dự báo tình hình quý III/2024, có 37,0% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2024 sẽ tốt hơn; 41,2% giữ ổn định và 21,8% khó khăn hơn.

Theo Mỹ Phương

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên