Nhà báo Mỹ và câu chuyện những bước chân đầu tiên trên đất Triều Tiên
Mang hộ chiếu Mỹ, phóng viên Motoko Rich của tờ New York Times bất ngờ được cho phép tới làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm) và có cơ hội đi những bước chân đầu tiên trên đất Triều Tiên.
Tôi đã đi những bước chân đầu tiên trên đất Triều Tiên cuối tuần trước.
Đó là điều bất ngờ với tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân còn Tổng thống Mỹ Donald Trump thì cảnh báo về một hành động quân sự.
Phụ trách văn phòng ở Tokyo, công việc được giao hồi tháng 8 năm ngoái, tôi và đồng nghiệp Choe Sang-Hun cũng phụ trách mảng tin tức ở bán đảo Triều Tiên. Tôi từng đến khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách bán đảo Triều Tiên và thăm Taesung, một ngôi làng thuần nông nhỏ với 197 cư dân nằm ven DMZ. Từ ngôi làng này, bạn có thể nhìn thấy Triều Tiên phía sau cánh đồng.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm của giới truyền thông tới Panmunjom, ngôi làng không có người ở nằm trong khu vực DMZ - nơi hiệp ước đình chiến năm 1953 được ký kết, tôi đã có cơ hội vượt qua đường phân định giữa hai quốc gia, chính thức đặt những bước chân đầu tiên trên lãnh thổ Triều Tiên.
Triều Tiên là một trong những quốc gia bị cô lập nhất trên thế giới, rất khó tới thăm vì chính phủ giám sắt chặt chẽ việc cấp thị thực du lịch. Dù một số nhà báo được mời tới Bình Nhưỡng trong tuần trước nhưng người ta bảo tôi rằng hộ chiếu Mỹ khiến tôi khó có cơ hội vào Triều Tiên. Chính vì thế, được phép tới thăm Panmunjom cũng là điều bất ngờ với tôi.
Hai ngày trước, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cũng tới thăm Panmunjom trong chuyến công du tới Triều Tiên và Nhật Bản. Ông khiến đội ngũ an ninh ngạc nhiên khi quyết định tiến gần đường phân định hai miền nam bắc của bán đảo. Theo tờ Washington Post, Phó Tổng thống Mỹ muốn Bình Nhưỡng nhìn thấy “quyết tâm đối mặt” của người Mỹ, ám chỉ một phần trong lời tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Trump về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm lần này, cánh phóng viên đã đi xa hơn Phó Tổng thống Mỹ. Chúng tôi tới thăm tòa nhà được xây dựng cho các cuộc gặp ngoại giao giữa hai miền Triều Tiên, nằm trên đường ranh giới. Khi nộp đơn xin vào khu vực này, một cố vấn quân sự Hàn Quốc khuyên chúng tôi đừng chỉ trỏ vào những người lính Triều Tiên đang theo dõi chúng tôi từ một tòa nhà nằm ở bên kia biên giới.
Nội thất tòa nhà giống một phòng hội nghị giản dị ngoại trừ những bức tường màu ngọc lam sáng rực. Người bảo vệ chỉ chúng tôi đứng vào một vòng tròng xung quanh chiếc bàn lớn ở giữa căn phòng. “Bên đó là phía bắc”, ông ta nói và chỉ tay về phía đối diện. Nửa còn lại của vòng tròn vẫn thuộc lãnh thổ Hàn Quốc.
Di chuyển quanh căn phòng, chúng tôi có thể nhìn qua cửa sổ và thấy những khối bê tông đánh dấu sự phân chia hai miền Triều Tiên. Ở bên ngoài, chúng tôi không được phép vượt qua làn ranh đó nhưng bên trong tòa nhà, chúng tôi được phép bước qua. Tôi không thể cưỡng lại việc chụp ảnh dấu chân mình bên phía bắc căn phòng.
Những gì đang diễn ra ở đây dường như tách biệt hẳn với cuộc khủng hoảng địa chính trị dù phải thừa nhận rằng, sau khi đi ra ngoài, tôi cảm thấy lo lắng khi nhìn thấy binh sĩ Triều Tiên xuống thang máy và bước tới phía sau tòa nhà nơi chúng tôi vừa vào. Tuy nhiên, lo lắng tan biến khi chúng tôi nhìn thấy nhóm 5 binh sĩ Triều Tiên đứng chụp ảnh tự sướng trên ban công gần đó mà chúng tôi chính là hậu cảnh.