MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư bỏ cọc đấu giá đất khi thị trường hạ nhiệt

12-06-2022 - 19:04 PM | Bất động sản

Hạ tầng khu đấu giá đất ở huyện Diễn Châu được đầu tư đồng bộ nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư bỏ cọc do không vay được tiền. (Ảnh báo Nghệ An)

Hạ tầng khu đấu giá đất ở huyện Diễn Châu được đầu tư đồng bộ nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư bỏ cọc do không vay được tiền. (Ảnh báo Nghệ An)

Sau thời gian thị trường bất động sản “sốt nóng”, tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng nhà đầu tư bỏ cọc đấu giá đất. Chuyên gia cho rằng, đây có thể là chiêu trò của giới đầu cơ làm sóng thị trường.

Thị trường hạ nhiệt, nhà đầu tư bỏ cọc đất

Theo báo cáo của DKRA Việt Nam cho thấy, sự sụt giảm thanh khoản trên thị trường đất nền thứ cấp tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Đồng Nai. Nguyên nhân phần lớn đến từ động thái siết chặt tín dụng, kể cả những dự án đã có sổ từng nền.

Tại các tỉnh miền Trung, sau những phiên đấu giá đông nghẹt người tham dự với kết quả trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, thị trường nay còn lại những lô đất bị bỏ cọc, nằm chờ ngày được đưa ra đấu giá lại.

Mới đây, UBND huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với 11 lô đất tại thị trấn Cam Lộ và xã Cam Tuyền.

Xã Cam Tuyền thuộc khu vực miền núi của huyện Cam Lộ, quá trình đấu giá đất, chính quyền đưa ra giá khởi điểm 250 triệu đồng cho lô đất có diện tích 450m2, nhưng kết quả trúng đấu giá có lô gấp 4 lần so với giá khởi điểm.

Tuy nhiên, đã quá thời hạn theo quy định mà khách hàng không nộp đủ tiền trúng đấu giá. Tổng số tiền đặt cọc là 1,3 tỷ đồng của khách hàng nộp cọc cho các lô đất trên sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước huyện Cam Lộ.

Nhà đầu tư “lũ lượt” bỏ cọc đất khi thị trường hạ nhiệt - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Trước đó, chính quyền thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành ba quyết định về việc hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với các thửa đất tại khối phố Ngọc Tam, phường Điện An do người trúng đấu giá chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Để tham gia đấu giá, cá nhân này đã đặt trước tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. 

Cuối tháng 5 vừa qua UBND huyện Diễn Châu cũng đã có quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất các lô đất tại vùng quy hoạch dân cư các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích và Diễn Mỹ. 73 lô đất với tổng diện tích 13.418,74 m2 đã bị bỏ cọc. Các hộ gia đình, cá nhân được công nhận trúng đấu giá quyền sử dụng đất không nộp tiền, hoặc nộp không đủ tiền theo thời gian quy định. Tổng số tiền cọc thu được từ những trường hợp này là trên 15 tỷ đồng, theo báo Nghệ An. 

Ông Chu Duy Phong, Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch huyện Diễn Châu cho biết, nguyên nhân nhiều nhà đầu tư bỏ cọc là sau thời gian “sốt” đất, hiện nay thị trường đất đang lắng xuống, trong khi một số nhà đầu tư không vay được tiền ở ngân hàng để giao dịch. 

Chiêu trò thổi giá của đầu cơ

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay Hà Nội và một số địa phương đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung đất nền, tạo ra rào cản rất lớn trong việc phê duyệt để lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức thực hiện dự án phát triển tại các vùng. Do không phê duyệt được các dự án chính thống, không có nguồn thu nên các địa phương tạo ra các dự án đấu giá đất để cung cấp nguồn cung cho thị trường.

Cũng theo ông Đính, với ưu điểm của đất đấu giá là thường có sự chênh lệch khá lớn so với giá thị trường, pháp lý ổn định do là đất công nên thị trường này đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ giới đầu tư.

"Tuy nhiên, các nhà đầu tư tham gia đấu giá đất giống như tham gia một cuộc chơi có yếu tố "xanh – chín", "5 ăn – 5 thua". Nếu trúng được giá rẻ hơn so với thị trường thì khả năng thanh khoản lớn và có lãi. Còn nếu nhà đầu tư "ôm" phải giá cao thì phải buộc bán giá cao và việc này rất khó để có người mua nên đường cùng là phải bỏ cọc", ông Đính cho biết.

Nhà đầu tư “lũ lượt” bỏ cọc đất khi thị trường hạ nhiệt - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Về rủi ro trong đấu giá đất, vị chuyên gia cảnh báo, khi nhà đầu tư tham gia vào thị trường đất đấu giá cần thẩm định, so sánh giá với các địa điểm tương đồng. Điều này sẽ tránh bị cuốn theo dòng thổi giá và phải "bỏ của chạy lấy người".

"Nhiều nhà đầu tư "ôm" là khi giá đất đang "sốt" nên cho rằng thị trường còn lên nữa mà không biết rằng thị trường đang ảo, đang bị "bong bóng". Minh chứng là tình huống nhà đầu tư phải bỏ cọc đã xảy ra rất nhiều ở các địa phương như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Giang ở thời điểm sốt đất đầu năm 2021", ông Đính dẫn chứng.

Lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ cho biết, sau khi các lô đất được đấu trúng với giá cao, thì xảy ra tình trạng sốt đất ở khu vực lân cận. “Có thể đây là chiêu thức của nhà đầu tư. Trước đó, họ đã thu mua đất ở quanh khu vực đấu giá, rồi tham gia đấu giá đất với giá cao, tiếp đó là thổi giá đất quanh đó lên để bán. Bán được rồi thì bỏ luôn tiền cọc ở lô đấu trúng”, lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ cho hay.

Lý giải hiện tượng này, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng, nhiều đối tượng lợi dụng đấu giá đất để nâng giá, tạo mặt bằng giá mới.

Những đối tượng này mua đất xung quanh khu vực dự án chuẩn bị đấu giá (với giá thấp), sau đó làm thủ tục đăng ký đấu giá, khi đấu giá sẽ bỏ giá rất cao nhằm đẩy giá đất trong khu vực để bán thu lời từ những khu đất đã mua; sau đó sẵn sàng bỏ cọc. Điều này lý giải cho hiện tượng, khi thị trường trầm lắng, các phiên đấu giá đất càng đông và các lô đất trúng giá càng cao. Điều này đã tác động rất lớn đến tâm lý của người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở.

https://cafef.vn/nha-dau-tu-bo-coc-dau-gia-dat-khi-thi-truong-ha-nhiet-20220611013310685.chn

Minh Tâm

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên