MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư chứng khoán chuyển sang thế phòng thủ, triển vọng nào cho cổ phiếu ngành dược?

Nhà đầu tư chứng khoán chuyển sang thế phòng thủ, triển vọng nào cho cổ phiếu ngành dược?

Triển vọng tương lai của ngành dược được đánh giá tích cực khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Việt Nam ngày càng cao và chi tiêu cho dược phẩm đang trên đà tăng trưởng mạnh.

Sau khoảng thời gian đi lên kéo dài, thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn điều chỉnh. Chiến lược phòng thủ được nhà đầu tư ưu tiên nhiều hơn, trong đó nhóm cổ phiếu ngành dược là sự lựa chọn phổ biến.

Thực tế, trong các nhịp điều chỉnh vừa qua, các cổ phiếu như DHG, DMC, DBD, IMP,… đã cho thấy sức chống chịu khá tốt. Mức giảm của nhóm dược không quá lớn, đa phần ở mức chưa đến 10% kể từ đỉnh nhiều tháng. Ngay cả với cổ phiếu vừa có nhịp bứt phá mạnh lên đỉnh lịch sử như DHG, DP3 mức điều chỉnh cũng chỉ vào khoảng 15-20%.

Nhà đầu tư chứng khoán chuyển sang thế phòng thủ, triển vọng nào cho cổ phiếu ngành dược? - Ảnh 1.

Sức đề kháng tốt của nhóm cổ phiếu dược dựa trên nền tảng cơ bản vững chắc với tình hình kinh doanh tăng trưởng ổn định ở mức cao. Trong bối cảnh tổng lợi nhuận quý 2/2023 của các doanh nghiệp niêm yết giảm 12,9% so với quý 2/2022, ngành dược vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ở mức 2 chữ số so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng mạnh như Dược Hậu Giang (DHG) với LNST quý 2 đạt hơn 263 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, Dược Hậu Giang thu về 624 tỷ đồng LNST, tăng 27% so với nửa đầu năm 2022. Với kết quả này, công ty hoàn thành đến 60% kế hoạch lợi nhuận trước thuế đề ra cho năm 2023.

Tương tự, Imexpharm (IMP) cũng ghi nhận LNST tăng trưởng mạnh đến 71% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và lợi nhuận biên cao. Đây cũng là mức lợi nhuận ròng theo quý cao kỷ lục của công ty. Luỹ kế 6 tháng, Imexpharm lãi ròng 158 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2022.

Một số doanh nghiệp khác như Dược Việt Nam (DVN) chuyển từ lỗ sang lãi lớn quý 2, LNST luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 296 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm ngoái. Dược Hà Tây (DHT) cũng ghi nhận LNST quý 2 và 6 tháng đầu năm tăng trưởng lần lượt 32% và 36% so với cùng kỳ năm 2022. Dược phẩm TW3 (DP3) khiêm tốn hơn nhưng cũng ghi nhận LNST tăng trưởng một chữ số so với cùng kỳ trong quý 2 và 6 tháng đầu năm.

Tiềm năng tăng trưởng mạnh trong dài hạn

Tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của ngành dược là khá rõ ràng khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Việt Nam ngày càng cao. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 6% GDP, dự báo tăng đến 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD năm 2030.

Với riêng thị trường dược phẩm, Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD năm 2015 lên đến gần 7 tỷ USD năm 2022. Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỷ USD, tiền thuốc bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 75 USD.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcap đánh giá ngành dược Việt Nam có dư địa tăng trưởng trong dài hạn nhờ (1) dân số già hóa và thu nhập của người tiêu dùng tăng trong bối cảnh chi tiêu thuốc bình quân đầu người còn thấp, (2) Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi đối với thuốc chất lượng cao, sản xuất trong nước ở kênh bệnh viện, từ đó mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất thuốc trong nước được trang bị các tiêu chuẩn sản xuất hàng đầu.

Theo IQVIA, Việt Nam là một trong những thị trường “dược phẩm mới nổi” - một nhóm các quốc gia có tỷ lệ thâm nhập dược phẩm tương đối thấp và tiềm năng tăng trưởng cao. IQVIA dự báo ngành dược phẩm Việt Nam sẽ đạt CAGR doanh thu khoảng 8% giai đoạn 2019-2023. Chi tiêu cho dược phẩm trên đầu người của Việt Nam có mức dư địa tăng trưởng cao khi chỉ đạt 41 USD trong năm 2018 so với 95 USD của Trung Quốc và mức trung bình toàn cầu là 159 USD.

Nhà đầu tư chứng khoán chuyển sang thế phòng thủ, triển vọng nào cho cổ phiếu ngành dược? - Ảnh 2.

Theo dữ liệu của Statista, Việt Nam sẽ ghi nhận tốc độ già hóa từ năm 2020-2035 tương đương với Trung Quốc trong giai đoạn 2005-2020. Thực tế là chi tiêu cho thuốc trên đầu người của Trung Quốc trong năm 2010 ngang bằng với Việt Nam vào năm 2018 (41 USD) và đạt tốc độ CAGR 11% trong giai đoạn 2010-2018 (dựa trên dữ liệu của IQVIA) củng cố niềm tin của Vietcap vào tăng trưởng chi tiêu cho dược phẩm của Việt Nam trong tương lai.

Nhà đầu tư chứng khoán chuyển sang thế phòng thủ, triển vọng nào cho cổ phiếu ngành dược? - Ảnh 3.

Theo Vietcap, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân cao của Việt Nam sẽ tạo nền tảng cho chi tiêu thuốc trong kênh bệnh viện trong tương lai ngay cả sau khi tỷ lệ bao phủ đã bão hòa. Điều này tương tự như những gì đã xảy ra ở Thái Lan sau khi triển khai thành công Chương trình Bảo hiểm Toàn dân (UCS).

Nhà đầu tư chứng khoán chuyển sang thế phòng thủ, triển vọng nào cho cổ phiếu ngành dược? - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, các quy định của Việt Nam cũng ưu tiên thuốc sản xuất trong nước nếu như có thể hoàn toàn thay thế thuốc nhập khẩu. Luật Thuốc năm 2016 của Việt Nam không cho phép các bệnh viện công lập mua thuốc nhập khẩu nếu thuốc trong nước có thể thay thế hoàn toàn về dược lý, giá cả và khả năng cung ứng. Cụ thể, một loại thuốc sẽ được thêm vào “danh sách cấm nhập khẩu” này nếu ít nhất 3 nhà sản xuất trong nước có thể sản xuất thuốc đó với tiêu chuẩn chất lượng tương đương và giá thấp hơn so với thuốc thay thế nhập khẩu.

Việc khuyến khích chất lượng thuốc cũng được nhấn mạnh bởi Thông tư 15/2019 đã nâng cao các yêu cầu về chất lượng thuốc trong đấu thầu thuốc. Theo đó, hoạt động mua thuốc của các bệnh viện công lập phải thông qua quá trình đấu thầu được phân chia theo tiêu chuẩn chất lượng, trong đó 2 nhóm thuốc cao nhất (chiếm khoảng 60% giá trị gói thầu thuốc generic) được giới hạn cho thuốc đạt chuẩn EU-GMP hoặc tương đương (ví dụ, Japan-GMP và PIC/S-GMP được cấp bởi các nước thành viên ICH).

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên