MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một nhà đầu tư đã cảnh báo về sự sụp đổ của SVB từ 2 tháng trước và kiếm bộn tiền

13-03-2023 - 12:45 PM | Tài chính quốc tế

Một nhà đầu tư đã cảnh báo về sự sụp đổ của SVB từ 2 tháng trước và kiếm bộn tiền

Quy mô danh mục đầu tư chứng khoán của SVB đã tăng 700% vào đúng lúc thị trường đạt đỉnh.

Cuối tuần trước, cả thế giới chấn động vì sự kiện ngân hàng SVB của Mỹ buộc phải đóng cửa, đánh dấu vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, có 1 nhà bán khống (short seller) đã nhìn thấy vấn đề của SVB từ 2 tháng trước.

Theo William C. Martin, những vấn đề gây rắc rối cho SVB Financial Group (công ty mẹ của ngân hàng thung lũng Silicon – Silicon Valley Bank, SVB) thực chất đã được thể hiện rõ trên bảng cân đối kế toán.

Ngày 18/1, nhà bán khống này đã từng cảnh báo trên Twitter về sức khỏe của SVB. "Các nhà đầu tư đã đúng khi nhìn thấy vấn đề ở chỗ SVB chịu quá nhiều rủi ro liên quan đến giới startup vốn đang phải chịu vô số áp lực. Cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm mạnh. Tuy nhiên, chỉ cần đào sâu thêm một chút là bạn sẽ thấy rất nhiều vấn đề lớn đằng sau".

Bài đăng của Martin, người từng quản lý 1 quỹ đầu cơ có tài sản khoảng 1 tỷ USD nhưng giờ đã đóng cửa, nêu chi tiết danh mục đầu tư chứng khoán của SVB lớn đến thế nào.

Những con số biết nói

Theo chia sẻ của ông, ban đầu Martin muốn đi sâu nghiên cứu tình hình tài chính của SVB vì nghi ngờ những điểm yếu trong những khoản vay dành cho các startup ở thung lũng Silicon. Tuy nhiên thay vào đó ông lại nhận ra rằng các khoản đầu tư trái phiếu đã khiến ngân hàng này thua lỗ lớn.

"Họ mua ở đúng đỉnh và đang có khoản lỗ chưa thực hiện khổng lồ. Có một số ngân hàng và công ty bảo hiểm khác gặp vấn đề tương tự, nhưng tôi chưa từng thấy ngân hàng nào có rắc rối lớn như SVB", ông nói.

Khoản lỗ bên phần tài sản còn đáng báo động hơn sau khi nghiên cứu phần nợ của SVB. Các khoản tiền gửi có nguy cơ biến mất trong nháy mắt vì phần lớn là đến từ thế giới startup đang gặp vô số rắc rối sau thời gian tăng trưởng nóng. Nhiều khách hàng của SVB đang đốt tiền mặt vì không thể huy động vốn mới.

"Khi nhận ra sự thực là những khách gửi tiền hàng đầu của SVB là các startup được hậu thuẫn bởi những công ty đầu tư mạo hiểm, tình hình thực sự nghiêm trọng".

"Nạn nhân" của lãi suất thấp

Năm 2021, khi thị trường đầu tư mạo hiểm đang bùng nổ cũng là lúc SVB ở thời kỳ đỉnh cao. Ngân hàng này nằm ở ngay "trái tim" của thị trường vốn tư nhân và là nhà cung cấp vốn cho một nửa số startup ở thung lũng Silicon, chưa kể đến rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty vốn cổ phần tư nhân hay các công ty quản lý tài sản tên tuổi. Bản thân SVB cũng có những khoản đầu tư vào Accel hay Sequoia Capital và cả đầu tư trực tiếp vào các startup.

Tận dụng lãi suất siêu thấp, các startup có nguồn tiền rất dồi dào. SVB được hưởng lợi lớn từ điều đó vì các họ sẽ đem tiền đến gửi tại đây và rút ra khi cần thiết. Còn các quỹ đầu tư mạo hiểm thì tăng vay mượn tại SVB. Năm 2021, lượng tiền gửi không lãi suất tại SVB tăng lên 126 tỷ USD, gần gấp đôi so với mức 67 tỷ USD của năm 2020.

Có nhiều tiền mặt như vậy thì làm gì? Danh mục đầu tư chứng khoán dài hạn của SVB đã tăng từ 17 lên 98 tỷ USD, tức tăng 700% vào đúng lúc thị trường đạt đỉnh.

Giờ thì lãi suất tăng mạnh. Nếu SVB muốn giao dịch số trái phiếu nói trên để giải tỏa vốn, ngân hàng sẽ phải lỗ 15 tỷ USD. Tệ hơn, lãi suất tăng còn đem đến 1 hệ quả khác ngoài chi phí trả lãi của SVB tăng mạnh: tình hình ảm đạm của các quỹ đầu tư mạo hiểm khiến giới startup cạn tiền, dẫn đến dòng tiền gửi chảy vào SVB bị giảm đáng kể, xuống mức thấp hơn dòng tiền bị rút ra.

Tính đến tháng 12/2021 chi phí trả lãi tiền gửi của SVB chỉ là 62 triệu USD thì 1 năm sau đó con số đã lên đến 862 triệu USD. Dự báo đến cuối năm nay số tiền là gần 4 tỷ USD.

"Tôi chưa từng thấy ngân hàng nào tệ đến thế. SVB sẽ phải bán đi mọi thứ có thể, sa thải nhân viên hay làm bất cứ cách nào có thể để cải thiện tình hình", nhà bán khống Dale Wettlaufer của Bleecker Street Research nhận định. Quỹ của ông cũng bắt đầu bán khống cổ phiếu SVB từ tháng 1.

Ngay từ đầu năm SVB đã bị nhiều khách hàng rút tiền gửi, đồng thời việc bán trái phiếu cũng gây lỗ lớn, khiến bảng cân đối kế toán của SVB xuất hiện 1 lỗ hổng lớn và cuối cùng thì ngân hàng đã sụp đổ chỉ trong 2 ngày.

Các nhà bán khống kiếm bộn tiền

Martin từng quản lý quỹ đầu cơ Raging Capital (tại New Jersey) trong 15 năm. Sau khi đóng cửa quỹ, ông mở 1 văn phòng gia đình chuyên quản lý tài sản cho giới nhà giàu và bắt đầu bán khống cổ phiếu SVB từ tháng 1. Martin cho biết đây là khoản bán khống lớn nhất của Raging Capital Ventures nhưng từ chối tiết lộ đã lãi bao nhiêu.

Không riêng gì Martin, theo dữ liệu của Bloomberg, khi cổ phiếu của SVB giảm 60% trong phiên 9/3, các nhà bán khống đã thu về lợi nhuận tổng cộng gần 513 triệu USD. Tuy nhiên chuyên gia phân tích Ihor Dusaniwsky của S3 Partners nhận định để lấy được số lãi này các trader sẽ phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp vì trader phải đóng vị thế và trả lại số cổ phiếu đã đi vay.

Trước SVB, 1 ngân hàng chuyên phục vụ giới tiền số là Silvergate Capital cũng thông báo thanh lý và tự nguyện đóng cửa mảng ngân hàng. Những ai đặt cược chống lại cổ phiếu Silvergate thu được khoản lợi nhuận lên tới 780 triệu USD.

Cổ phiếu Silvergate đã giảm gần 98% so với đỉnh lập vào tháng 11/2021.

Tham khảo Fortune, Bloomberg


Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên