MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

JPMorgan Chase - Hiệp sĩ giải cứu vô số ngân hàng Mỹ hay kẻ cơ hội trục lợi từ khủng hoảng?

07-05-2023 - 09:19 AM | Tài chính quốc tế

JPMorgan Chase - Hiệp sĩ giải cứu vô số ngân hàng Mỹ hay kẻ cơ hội trục lợi từ khủng hoảng?

Dù CEO Jamie Dimon giãi bày vụ mua lại First Republic giống như 1 nghĩa vụ đối với đất nước, đã xuất hiện nhiều tiếng nói chỉ trích đây là bằng chứng cho thấy hệ thống vẫn ưu ái những ngân hàng lớn nhất.

Cách đây ít ngày, khi giới chức Mỹ thông báo họ đã tìm được người mua First Republic, nhân vật chính trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, thực chất hầu như tất cả mọi người trong giới tài chính đều đã đoán trước được kết quả.

Có hơn một chục định chế xem xét tài sản của First Republic và ra giá mua trong cuối tuần trước, nhưng cuối cùng người chiến thắng là JPMorgan Chase.

Trong khủng hoảng tài chính 2008, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cũng là lựa chọn hàng đầu của những định chế không thể vượt qua sóng gió như ngân hàng đầu tư Bear Stearns và Washington Mutual – ngân hàng chuyên cho vay thế chấp đã phá sản trong vụ phá sản ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ.

Lần này cũng vậy. Đối với các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng ổn định nhóm ngân hàng khu vực đang chao đảo sau vụ ngân hàng SVB sụp đổ ngày 10/3, thật khó để tìm thấy 1 cái tên mà họ có thể tin tưởng hơn. CEO Jamie Dimon của JPMorgan không chỉ là nhà lãnh đạo kỳ cựu nhất mà còn là bậc thầy trong các vụ sáp nhập.

JPMorgan Chase - Hiệp sĩ giải cứu vô số ngân hàng Mỹ hay kẻ cơ hội trục lợi từ khủng hoảng? - Ảnh 1.

“Sáp nhập 1 ngân hàng gần như không có tương lai vào 1 ngân hàng lớn như JPMorgan là lựa chọn tốt nhất có thể trong khủng hoảng”, Steven Kelly, giáo sư ĐH Yale nhận định. “Các ngân hàng lớn vẫn là đối tác tin cậy của chính phủ và sẽ đóng vai trò như những hiệp sĩ trắng cứu nguy cho các ngân hàng".

Dẫu vậy, dù Dimon giãi bày vụ mua lại First Republic giống như 1 nghĩa vụ đối với đất nước, đã xuất hiện nhiều tiếng nói chỉ trích đây là bằng chứng cho thấy hệ thống vẫn ưu ái những ngân hàng lớn nhất, đặc biệt là JPMorgan.

Thậm chí thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người lâu nay vẫn cho rằng phố Wall đang lạm quyền, khẳng định Jamie Dimon lẽ ra không được phép tiếp nhận 1 ngân hàng sụp đổ bởi vì bản thân JPMorgan đã là “quá lớn để sụp đổ”.

Nhiều người cho rằng khi rắc rối ập đến với hệ thống ngân hàng Mỹ, mọi ngả đường đều sẽ dẫn đến JPMorgan. Với quá nhiều trọng trách được giao phó trong những cuộc khủng hoảng gần đây, Dimon đang có tầm ảnh hưởng quá lớn.

Sự hình thành của 1 đế chế

JPMorgan ngày nay, với 3.700 tỷ USD tài sản và 250.000 nhân viên, là kết quả của rất nhiều vụ M&A trong mấy trăm năm từ khi ngân hàng này ra đời. “Di sản” của JPMogran bao gồm 1 công ty được thành lập bởi “nhà lập quốc” Alexander Hamilton, 1 ngân hàng đầu tư điều hành bởi huyền thoại tài chính John Pierpont Morgan và nhiều ngân hàng từng tài trợ cho hàng loạt công trình nổi tiếng như kênh Erie hay cầu Brooklyn.

Cho đến tận năm 1991, ngân hàng chỉ có 37 tỷ USD tiền gửi. Giờ thì đế chế ngân hàng toàn cầu này đã có gần 2.500 tỷ USD tiền gửi, thị phần tăng gấp 10 lần, từ 1,5% lên 14,4%.

JPMorgan Chase - Hiệp sĩ giải cứu vô số ngân hàng Mỹ hay kẻ cơ hội trục lợi từ khủng hoảng? - Ảnh 2.

Theo Chris Kotowski, chuyên gia phân tích ngân hàng tại Oppenheimer, “JPMorgan đã thu mua một loạt ngân hàng khu vực và từ đó thực sự tạo ra được 1 hệ thống tầm cỡ quốc gia”.

Nhưng phải đến khi Dimon lên nắm quyền thì JPMorgan mới thực sự bùng nổ. Ông gia nhập JPMorgan từ năm 2004, khi ngân hàng mua lại Bank One – ngân hàng có trụ sở và hoạt động chủ yếu tại Chicago. Với mạng lưới chi nhánh tại 48 bang, hiện JPMorgan là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ xét theo nhiều tiêu chí tài sản, tiền gửi và giá trị vốn hóa.

Lượng phí mà mảng ngân hàng đầu tư của JPMorgan thu được cũng nhiều hơn bất kỳ ngân hàng nào khác trên phố Wall, vượt qua Goldman Sachs, Morgan Stanley và Bank of America.

Giống như cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực hiện nay, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã mang đến cơ hội đặc biệt cho JPMorgan. Vì kiểm soát hơn 10% lượng tiền gửi trên toàn nước Mỹ, JPMorgan không được phép mua 1 ngân hàng khác trừ khi đó là trường hợp khẩn cấp. Nhưng cuối cùng thương vụ thâu tóm Bear Stearns và Washington Mutual cùng với màn thể hiện xuất sắc của JPMorgan trong khủng hoảng đã khiến Dimon thực sự được mọi người kính nể.

Năm 2012, cựu Tổng thống Barack Obama miêu tả Dimon là “một trong những banker thông minh nhất mà chúng ta từng có”.

Tất nhiên không chỉ có thành công dưới thời Dimon. Năm 2012, vụ bê bối “cá voi London” khiến ngân hàng thiệt hại 6 tỷ USD và hiện JPMorgan vẫn bị kiện vì dính lứu đến Jeffery Epstein. Bên cạnh đó, những án phạt từ những mảng kinh doanh cũ của Bear Stearns và WaMu khiến Dimon từng thú nhận với các cổ đông năm 2015 rằng 2 thương vụ này là “những bài học đắt giá mà tôi sẽ không bao giờ quên…” Ông từng cam kết sẽ không lặp lại 1 vụ tương tự như Bear Stearns.

Yêu nước có lợi nhuận

Tuy nhiên, ngày 14/3, Dimon vẫn là người đầu tiên được gọi khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tìm kiếm sự giúp đỡ với First Republic (FRB).

Thời điểm đó, FRB vẫn là ngân hàng lớn thứ 14 ở Mỹ nhưng có rất nhiều rắc rối tương đồng với những gì đã khiến SVB sụp đổ. Đó là lượng tiền gửi không được bảo hiểm quá lớn, gắn bó quá chặt chẽ với ngành công nghệ và trên giấy tờ có những khoản lỗ khổng lồ từ trái phiếu dài hạn. 100 tỷ USD tiền gửi đã bị rút ra và cổ phiếu FRB giảm 75% trong chưa đầy 2 tuần.

Thực ra thì FRB cũng đã được JPMorgan xem xét, bên cạnh lời chào mua từ 1 ngân hàng Canada. Tuy nhiên nỗi sợ 1 cuộc sụp đổ chóng vánh khác sẽ khiến toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ chao đảo ngày càng lớn dần lên.

Hai ngày tiếp theo, Dimon gặp lãnh đạo của 10 ngân hàng lớn khác và ngày 16/3 họ đồng ý cùng nhau hỗ trợ 30 tỷ USD cho FRB. Mục đích là để FRB có thêm thời gian để tìm giải pháp.

Jim Herbert, nhà sáng lập FRB, và các cố vấn rất muốn bảo tồn tính độc lập của ngân hàng. Họ cố gắng thiết kế 1 gói giải pháp gồm 3 phần: huy động vốn cổ phần tư nhân, tìm ngân hàng mua lại một số tài sản ở mức cao hơn giá thị trường (đổi lại họ sẽ nhận về thêm cổ phiếu) và bên cạnh đó nhận hỗ trợ từ chính phủ.

Tuy nhiên, Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) cảm thấy không hài lòng với kế hoạch này. FDIC tin rằng trong quá trình FRB tái cấu trúc thì chính phủ sẽ phải có biện pháp hỗ trợ theo cách trái với tinh thần của đạo luật Dodd-Frank.

JPMorgan Chase - Hiệp sĩ giải cứu vô số ngân hàng Mỹ hay kẻ cơ hội trục lợi từ khủng hoảng? - Ảnh 3.

Trong lúc đó, FRB vẫn quay cuồng với tình trạng cổ phiếu bị bán tháo và khách hàng ồ ạt rút tiền. Ngày 24/4, áp lực tăng mạnh hơn khi ngân hàng công bố thông tin về lượng tiền bị rút ra và CEO Michael Roffler khiến nhà đầu tư bất an khi từ chối nhận câu hỏi trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh.

Sáng ngày 27/4, FDIC nói với những bên mua tiềm năng rằng cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp quản FRB trong vài tuần nữa. Với mốc thời gian được đưa ra rõ ràng, ngay ngày hôm sau có hơn một chục định chế tài chính lớn ra giá mua lại FRB.

Sau đó, những định chế lọt vào vòng 2 được tiếp cận các dữ liệu về nợ và tài sản của FRB, được cung cấp bởi công ty chứng khoán Guggenheim vốn đang cố vấn cho FDIC. Cuối cùng có 4 cái tên nổi lên: PNC, Citizens Bank, Fifth Third và JPMogran. Trong đó JPMorgan từ bỏ vị trí cố vấn để tham gia đấu giá.

Theo luật có từ năm 1992, FDIC phải chọn 1 giải pháp gây ra ít thiệt hại nhất cho quỹ bảo hiểm tiền gửi. Rất nhiều nhân viên của FDIC vẫn nhớ như in rằng trong khủng hoảng 2008 hơn 150 ngân hàng đã phải đóng cửa và khiến cơ quan này thiệt hại lớn.

Theo nguồn tin thân cận, FDIC gặp nhiều khó khăn khi so sánh các đề nghị từ 4 ngân hàng, đặc biệt khi có quá nhiều bên tham gia. Đến hạn chót 7h tối ngày 30/4, JPMorgan đưa ra phương án đơn giản nhất và rẻ nhất. FDIC thiệt hại khoảng 13 tỷ USD. Đến chiều ngày hôm sau, kết quả JPMorgan thắng thầu được công bố.

Dimon nói rằng chính phủ đã khẩn cầu và JPMorgan tham gia thương vụ này để phụng sự đất nước. Một số người khác chỉ ra rằng nhờ thâu tóm FRB, JPMorgan có thêm gần 500 triệu USD thu nhập mỗi năm.

Theo như Richard Sylla, giáo sư tại trường kinh doanh Stern trực thuộc ĐH New York, “có 1 cụm từ miêu tả khá chính xách trường hợp này: chủ nghĩa yêu nước có lợi nhuận”.

Tham khảo Financial Times

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên