MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư kỳ vọng bất động sản khởi sắc nhưng phần nhiều lo ngại thị trường sẽ "đóng băng"

15-01-2022 - 07:59 AM | Bất động sản

Nhà đầu tư kỳ vọng bất động sản khởi sắc nhưng phần nhiều lo ngại thị trường sẽ "đóng băng"

Giao dịch heo hút khiến không ít nhà đầu tư lo ngại bất động sản sẽ rơi vào tình trạng "đóng băng" bởi hiện tại thị trường đang xuất hiện các dấu hiếu cảnh báo nguy cơ thiếu lạc quan.

Nhà đầu tư e ngại bất động sản đóng băng

Trái với tâm lý hồ hởi cách đây hơn 1 tháng, một bộ phận nhà đầu tư rơi vào tình cảnh "đứng ngồi không yên" trước diễn biến của thị trường, nhất là khi khoản hàng tồn chưa có dấu hiệu tích cực thanh khoản.

Anh N.N.M (nhà đầu tư Hà Nội) cho biết: "Thị trường chỉ nóng bên ngoài nhưng bên trong rất lạnh. Có hàng đẹp rao bán mãi không thành công". Nhưng với anh M. điều lo ngại nhất chính là sự chứng kiến mức giá của nhiều bất động sản đang từ từ hạ xuống.

"Không ít bạn bè tôi rao bán quá lâu mà chưa chuyển nhượng thành công đang hạ giá từ 10-30% mức giá lúc mua. Thời điểm, dân tình kháo nhau sốt đất, nhưng nhiều người rao bán không được. Đến giờ họ buộc phải hạ giá. Đã hạ giá nhưng còn chưa bán được. Có vẻ như tâm lý lo ngại dịch bệnh bùng phát khiến dân không dám mua. Mọi người ai cũng phòng thủ, lo ngại dịch bệnh năm sau bùng phát", anh M. cho hay.

Nhà đầu tư kỳ vọng bất động sản khởi sắc nhưng phần nhiều lo ngại thị trường sẽ đóng băng - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Cũng trong tình cảnh như "ngồi trên đống lửa", chị Bùi Trang (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: "Các diễn đàn rao bán đất, hiện tôi thấy sức nóng giảm hắn. Nếu như trước đây, chỉ cần có thông tin bất động sản đẹp được chia sẻ, mọi người vào xin giá liên tục. Nhưng hiện tại thì có vẻ như tình hình giao dịch rất trầm lắng. Người quan tâm đã không còn nhiệt tình. Giá lô đất và nhà rao trong diễn đàn, tôi thấy đều giảm mạnh".

Chị Trang còn cho biết, cách đây hơn 2 tháng, một căn nhà 3 tầng cách diện tích 60m2 được rao bán với giá 3,5 tỷ đồng ở khu vực Hà Đông (Hà Nội). Đến thời điểm hiện tại, căn nhà này đã được rao bán hạ 3,2 tỷ đồng.

"Dịch bệnh sẽ còn bùng mạnh vào năm sau. Nhiều người công việc bấp bênh. Chắc đây là lý do khiến cho người mua cẩn trọng", chị Trang cho hay.

Không mạnh tay rao hàng, chị Nguyễn Ly ở (Ba Đình, Hà Nội) xác định sẽ "ôm đất" 3-5 năm. Chị thẳng thắn chia sẻ: "Dù rất mong thị trường bất động sản khởi sắc nhưng dự đoán về khả năng "đóng băng" của tôi nhiều hơn. Chính vì vậy, tôi nghĩ giai đoạn này mà rao bán cũng khó có người mua hoặc chấp nhận bán rẻ. Tôi xác định đợi 3-5 năm, chắc chắn lúc đó thị trường bất động sản phục hồi".

Kịch bản thiếu lạc quan

Chính sự nóng lên đột ngột của thị trường bất động sản trong giai đoạn cuối năm 2021 khiến các nhà đầu tư dấy lên nỗi lo ngại nguy cơ "đóng băng" của thị trường. Bởi điều này thực tế đã tái diễn như giai đoạn 2010-2011.

Mặt khác, dù tỷ lệ tiêm chủng vaccine đã cao song biến thể mới vẫn khiến cho nền kinh tế có thể thêm khó khăn, nhất là khi sức chống chịu đã suy giảm sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong dự báo về thị trường 2022, PGS. TS. Trần Kim Chung cho rằng biến số Covid-10 cũng là nhân tố ảnh hưởng mạnh đến thị trường bất động sản.

Vị chuyên gia này đặt ra rằng, thị trường bất động sản sẽ có những diễn biến khó khăn nếu một hoặc một vài yếu tố có tính điều kiện sau xuất hiện: dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và nền kinh tế diễn biến không như mong muốn; các chính sách về đất đai, bất động sản không có chuyển biến tích cực; kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; kinh tế vĩ mô khó khăn.

Trước đó, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land từng chia sẻ rằng, bà lo ngại về dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ khiến chính doanh nghiệp suy yếu. Doanh nghiệp không thể có lực để phục hồi trở lại khi mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đứt gãy.

Còn Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chỉ ra nhiều thách thức mà thị trường bất động sản 2022 sẽ phải đối mặt. Đầu tiên là nguồn cung tiếp tục sụt giảm do ảnh hưởng từ cách đây 2 năm. Cộng với nhiều chính sách liên quan chưa được tháo gỡ triệt để, khiến quá trình phê duyệt hồ sơ đầu tư dự án ngưng trệ. Trong khi đó, giao dịch trên thị trường đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn; tình trạng mất cân đối cung - cầu diễn ra ở nhiều đô thị lớn, khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao. Các doanh nghiệp bám trụ được cũng gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục đầu tư do thời gian phê duyệt, cấp phép xây dựng kéo dài. Do vậy, các chủ đầu tư gặp khó trong thu hồi vốn, nhưng vẫn phải "gồng" lỗ để duy trì các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Nếu như những khó khăn thách thức của thị trường bất động sản vẫn chưa được tháo gỡ thì 2022 khó có thể là một năm quá lạc quan đối với chủ thể tham gia sân chơi địa ốc.

Việt Khoa

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên