MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư "rút kinh nghiệm thương đau", ngân hàng vẫn dồn dập tính tăng vốn với ít nhất 120 nghìn tỷ

18-04-2022 - 12:52 PM | Tài chính - ngân hàng

Giá hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều suy giảm sau tăng vốn năm ngoái. Điều này liệu có lặp lại trong năm nay?

2021 là một trong những năm tăng vốn thành công nhất trong lịch sử hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Nhiều thành viên nâng tầm kép quy mô vốn điều lệ qua trả cổ tức lẫn phát hành thêm.

Tuy nhiên, cũng trong năm 2021, nổi bật ở nhóm cổ phiếu ngân hàng mà nhà đầu tư vẫn nói vui: "Cổ tức, tức cổ". Bởi hầu hết sau các đợt tăng vốn qua trả cổ tức, thị giá cổ phiếu nhiều ngân hàng đều suy giảm và đặc biệt khi lượng cổ phiếu trả cổ tức được niêm yết bổ sung và giao dịch.

Ở hướng phát hành thêm tăng vốn, năm qua cũng không có nhiều trường hợp thuận lợi xét về hướng cổ đông và đầu tư. Điển hình như trường hợp Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), kế hoạch tăng vốn kép chỉ thực sự thành công với ngân hàng, còn cổ đông cho đến nay vẫn đang ngày càng lỗ thêm khi góp vốn nếu nắm giữ trung hạn.

Cụ thể, cuối năm 2021, SHB thực hiện chào bán cho cổ đông hiện hữu. Giá chia tách thực hiện quyền ở mức 23.500 đồng/cổ phiếu, và cho đến nay thị giá cổ phiếu SHB vẫn liên tiếp chìm sâu và kéo dài dưới mốc này, đến cuối tuần qua chỉ còn 19.450 đồng/cổ phiếu...

Với thực tế thành công tăng vốn không hẳn gắn với việc nắm giữ của nhà đầu tư và cổ đông nói trên, 2021 trở thành một "kinh nghiệm thương đau", nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm qua tăng trưởng mạnh mẽ và sôi động.

Vậy diễn biến trên có lặp lại năm nay, khi các nhà băng đang dồn dập lên kế hoạch tiếp tục tăng vốn?

Cụ thể, mùa họp ĐHĐCĐ thường niên đang cận kề. Phần lớn các ngân hàng cũng đã chuẩn bị xong kế hoạch kinh doanh cho năm mới để trình đại hội thông qua.

Bên cạnh kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng lợi nhuận, mở rộng chi nhánh, phát triển ngân hàng số,… thì kế hoạch tăng vốn cũng là một trong những vấn đề nóng được cổ đông quan tâm.

Thống kê sơ bộ của chúng tôi cho thấy, đến thời điểm hiện tại, đã có 19 ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay, với tổng số vốn dự kiến tăng thêm lên tới 120,5 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng 30%.

Khác với thời kỳ trước, trong vài năm gần đây, triển vọng thực hiện tăng vốn của hệ thống trở nên khả thi hơn khi nhiều thành viên có sự bứt phá lớn trong hoạt động, với nguồn dự trữ khá lớn từ lợi nhuận giữ lại chưa chia. Đặc biệt, khối ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước cũng đã dần được tháo gỡ cơ chế.

VPBank là một trong những ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ "khủng" nhất trong năm nay, từ 45 nghìn tỷ đồng lên hơn 79,3 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng tới 76%.

Để đạt được mức vốn trên vào cuối năm nay, lãnh đạo ngân hàng cho biết, sẽ thực hiện tăng vốn qua 2 phương án, bao gồm phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ và trả cổ tức/cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 50%.

Nếu thực hiện thành công, VPBank sẽ không chỉ vượt mà còn bỏ xa các "ông lớn" có vốn Nhà nước là Vietcombank, VietinBank, BIDV, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ đứng đầu hệ thống.

Một ngân hàng khác là NamABank cũng có kế hoạch tăng thêm tới 61% vốn điều lệ trong năm nay, từ 6.564 tỷ đồng lên 10.564 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ.

Viet Capital Bank cũng lên kế hoạch tăng vốn thêm tới 44% qua chào bán cho cổ đông hiện hữu, ESOP và phát hành cổ phiếu thưởng.

Tương tự, một loạt các ngân hàng khác như MSB, OCB, TPBank, VIB, VietABank, SeABank, SHB,... cũng có kế hoạch tăng vốn từ 30 đến 40% trong năm nay. Trong đó, như trên, SHB tiếp tục tham vọng với kế hoạch tăng vốn kép qua trả cổ tức và chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu.

Nhà đầu tư rút kinh nghiệm thương đau, ngân hàng vẫn dồn dập tính tăng vốn với ít nhất 120 nghìn tỷ - Ảnh 1.

Đối với nhóm NHTM có vốn nhà nước, tăng vốn vẫn là vấn đề "nóng" trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, với sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan quản lý, "nút thắt" về vốn của nhóm này cũng đã dần được tháo gỡ.

Cụ thể, tại Quyết định số 422 ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước ban hành mới đây, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ mà ở đây là 4 thành viên bao gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank.

Nguồn lực để thực hiện tăng vốn được lấy từ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank.

Theo đó, năm nay, Vietcombank dự kiến sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ lên 55.891 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 18,1%. Kế hoạch tăng vốn trên của Vietcombank chưa tính đến việc ngân hàng phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, ngân hàng này đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ quy mô tối đa 6,5% vốn điều lệ.

Trong khi đó, VietinBank cũng muốn dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích các quý năm 2021 (9.624 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu được thông qua, vốn điều lệ của nhà băng sẽ tăng khoảng 20%, lên hơn 57.600 tỷ đồng.

BIDV sau khi đã tăng vốn được hơn 10 nghìn tỷ đồng trong năm 2021 dự kiến sẽ tiếp tục trình cổ đông tăng vốn trong năm nay, dù con số cụ thể chưa được công bố.

Về phương thức tăng vốn, phần lớn các ngân hàng đã sẵn có nguồn lực từ lợi nhuận tích lũy những năm qua chưa chia để trả cổ tức. Bên cạnh đó, nhiều thành viên cũng lên các kế hoạch chào bán cổ phiếu để tăng vốn như Vietcombank, VPBank, Nam A Bank,…

Việc tăng vốn bằng nguồn lực có sẵn thì gần như chắc chắn thành công. Tuy nhiên, khả năng nâng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm, chào bán cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ, đặc biệt là chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì vẫn còn là một ẩn số, trong đó, phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thị trường chứng khoán nói chung và nội tại ngân hàng nói riêng.

Theo Trần Thuý

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên