Nhà đầu tư Trung Quốc "khuynh đảo" thị trường hàng hóa thế giới
Cho đến tận năm ngoái, giá kim loại vẫn chủ yếu được thiết lập ở London. Tuy nhiên, giờ đây Trung Quốc – nước sản xuất lớn nhất và cũng là nước tiêu thụ kim loại nhiều nhất – đã vươn lên trở thành kẻ chi phối giá kim loại thế giới.
- 08-08-2016Kinh tế Trung Quốc tiếp tục có dấu hiệu đình trệ
- 07-08-2016Nhôm Hoa Kỳ trước nguy cơ đóng cửa hàng loạt vì Trung Quốc
- 05-08-2016Trung Quốc "hắt hơi", nước châu Á nào sẽ cảm lạnh?
Lin Chengdong đã thực hiện những giao dịch trị giá hàng trăm triệu USD trên thị trường hàng hóa Trung Quốc, sử dụng các mô hình toán học chứ không phải những kiến thức hiểu biết về thị trường hàng hóa để xác định cơ hội đầu tư sinh lời.
Lin là một trong nhiều người đã đổ xô đầu cơ trên thị trường hàng hóa Trung Quốc trong thời gian gần đây, khiến những hợp đồng quặng sắt và thép tương lai vốn được ít người biết đến trở thành loại có khối lượng giao dịch lớn nhất trên thế giới. Nhóm đầu cơ như Lin còn gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá hàng hóa toàn cầu.
“Trên thị trường này, những nhà giao dịch chuyên nghiệp như chúng tôi kiếm tiền khá dễ”, ông chủ 40 tuổi của quỹ đầu cơ Foresee Investment Co. hiện đang nắm trong tay 1,5 tỷ USD tài sản nói. Đây là một trong những quỹ lớn nhất ở Trung Quốc đầu tư vào hàng hóa, theo website theo dõi thị trường Howbuy.com. Bộ phận đầu tư hàng hóa của Forese có được mức lợi suất năm nằm trong khoảng 36 – 40% suốt từ năm 2013 đến nay, đồng thời tài sản của quỹ đã tăng gấp 4, lên hơn 400 triệu USD.
Thị trường Trung Quốc vẫn chưa mở cửa chào đón nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời những số liệu thống kê cũng rất nghèo nàn. Tuy nhiên, giới đầu tư cho biết lâu nay hoạt động mua bán chủ yếu được thực hiện bởi các tập đoàn quốc doanh và một số quỹ lớn.
Cho đến tận năm ngoái, giá kim loại vẫn chủ yếu được thiết lập ở London. Tuy nhiên, giờ đây Trung Quốc – nước sản xuất lớn nhất và cũng là nước tiêu thụ kim loại nhiều nhất – đã vươn lên trở thành kẻ chi phối giá kim loại thế giới. Các sàn giao dịch ở Trung Quốc mở cửa cho đến chiều muộn theo giờ London và giữa trưa theo giờ New York, có nghĩa là các nhà đầu tư trên toàn thế giới sẽ dõi theo những biến động giá ở Thượng Hải và Đại Liên để đoán biết chiều hướng diễn biến của thị trường. Đồng thời những nhà đầu tư Trung Quốc như Lin có tầm ảnh hưởng lớn đến giá cả.
Ví dụ, hồi tháng 7, khi giá bạc được giao dịch ở mức khá rẻ so với vàng, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ xô đầu tư vào kim loại quý này, đẩy giá bạc trên thị trường Trung Quốc tăng 13% và giá bạc giao ngay trên thị trường thế giới cũng tăng 6,9%.
Đầu năm 2016, khối lượng giao dịch trên thị trường quặng sắt tương lai tăng đột biến cũng khiến giá quặng sắt thế giới tăng 60%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn Thượng Hải và Đại Liên đã bùng nổ, khối lượng của 4 tháng đầu năm tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Citigroup, các hợp đồng quặng sắt tương lai được giao dịch trên sàn Đại Liên đem về số lượng USD ngang bằng với các hợp đồng vàng tương lai ở New York.
Các nhà đầu tư như Lin hoạt động ngày càng tích cực hơn và trong mấy năm gần đây các phần mềm giao dịch tự động ngày càng trở nên phổ biến. Theo thống kê của Citigroup, trung bình các hợp đồng trên thị trường tương lai Trung Quốc được thực hiện ngay trong vòng chưa đến 4 giờ sau khi được lập, có nghĩa hầu hết các giao dịch là đầu cơ và qua hệ thống giao dịch tần số cao. Trên sàn kim loại London, kỳ hạn trung bình của các hợp đồng tương lai lên đến 3 tháng.
Trong những năm 2000, Ge Weidong làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu lương thực quốc doanh ở Thượng Hải. Đến năm 2005, Ge đã thành lập nên một trong những quỹ đầu cơ hàng hóa lớn nhất Trung Quốc hiện nay: Shanghai Chaos Investment.
Những quỹ như vậy đang mọc lên như nấm ở Trung Quốc, với số lượng tăng từ 183 quỹ thời điểm giữa năm 2013 lên 750 tính đến cuối tháng 6.
Lin có bằng tiến sĩ tài chính của ĐH Shanghai Jiaotong University, nơi anh được học về giao dịch tần số cao. Sau khi tốt nghiệp, anh hoạt động trong ngành chứng khoán. Năm 2007, anh đồng sáng lập nên Rosefinch Investment, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất Trung Quốc và 6 năm sau đó lại ra đi để có một khởi đầu mới với Foresee.
Tháng 5 vừa qua, anh có chuyến thăm tới sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên. Chuyến thăm trùng vào thời điểm biến động trên thị trường hàng hóa Trung Quốc lên đến đỉnh điểm bởi dòng tiền đầu cơ chảy vào ồ ạt và sau đó lại bị rút ra. Với đông đảo nhà đầu tư nhỏ lẻ nhảy vào thị trường, hàng loạt bong bóng xuất hiện trên thị trường hàng hóa ở đủ loại mặt hàng, từ đậu tương cho đến quặng sắt.
Để giảm bớt hiện tượng đầu cơ, các sàn giao dịch hàng hóa của Trung Quốc đã đưa ra một số biện pháp như nâng mức phí giao dịch hay siết chặt tỷ lệ ký quỹ.
Lin cho rằng các quỹ đầu tư hàng hóa sử dụng mô hình toán học để nhận dạng cơ hội đầu tư của mình đã thoát được những thăng trầm mà nhiều nhà đầu cơ khác gặp phải. Động thái mới nhất của Foresee là chuyển sang thị trường nước ngoài với một văn phòng mới ở Hồng Kông.
“Chúng tôi chưa được biết đến nhiều ở nước ngoài. Nhưng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc muốn chuyển tiền ra nước ngoài, chúng tôi đã quá nổi tiếng”, Lin nói.