Nhà đầu tư vẫn rụt rè với thị trường bất động sản sau khi nới room tín dụng
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nới room tín dụng nhưng nhiều nhà đầu tư bất động sản vẫn e dè xuống tiền trong thời điểm này.
- 17-09-2022Nhà đầu tư bất động sản ven đô Hà Nội ôm hận
- 17-09-2022Thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó?
- 17-09-2022Sóc Trăng sẽ xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay “thổi giá” bất động sản
Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trầm lắng, sau khi động thái kiểm soát chặt tín dụng bất động sản của các ngân hàng. Theo đó, mấy tháng trở lại đây, thị trường bất động sản giao dịch giảm, thanh khoản nhiều phân khúc tuột dốc. Nhiều nhà đầu tư phải bán cắt lỗ, xả hàng vì đuối vốn, không chịu nổi áp lực gồng lãi nhà băng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, động thái kiểm soát, tăng cường quản lý nhằm điều chỉnh, định hướng dòng vốn bất động sản là cần thiết để lành mạnh hóa thị trường.
“Tuy nhiên, chính việc kiểm soát tín dụng đã đẩy thị trường đối mặt với hàng loạt bất cập. Trong đó, người mua có nhu cầu thực gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, làm giảm thanh khoản thị trường”, ông Đính nói.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành phân bổ nốt room tín dụng cho một số ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc nới room tín dụng nhằm thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Việc phân bổ room tín dụng còn lại của năm 2022 sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng được phân bổ về cho các ngân hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, sẽ có tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản và tăng dư địa cho thị trường phục hồi, tái phát vào những tháng cuối năm. Dòng vốn khơi thông cũng sẽ tạo lực đẩy quan trọng cho các doanh nghiệp đẩy mạnh bung hàng trong những tháng tới.
Mặc dù vậy nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn e dè với thị trường bất động sản. Anh Nguyễn Văn Phi, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, thực tế thời gian qua khi tín dụng bị kiểm soát chặt, không ít người đã chấp nhận cắt lỗ để thoát hàng. Đến nay việc nối lại room tín dụng cũng sẽ có những tác động tích cực tới thị trường nhưng nhà đầu tư này vẫn chưa dám xuống tiền ở thời điểm này.
“Có thể thấy, việc dòng tiền trở lại với thị trường sẽ là tín hiệu tốt, nhưng với 450.000 tỷ đồng được bơm ra mục đích chủ yếu là ưu tiên cho kinh doanh sản xuất nhằm hỗ trợ gói lãi suất 2%, không phải tất cả sẽ chảy vào bất động sản. Dù bây giờ không khó để tìm bất động sản cắt lỗ nhưng tôi vẫn chưa mua trong thời điểm này. Xem xét tình hình thị trường thời gian tới rồi sẽ tính tiếp”, anh Phi nói.
Anh Thanh Tùng, chủ phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, dù đã nới room tín dụng nhưng nhiều nhà đầu tư bất động sản vẫn gọi tới nhờ tôi bán mảnh đất đang nắm giữ. Thanh khoản thị trường hiện nay vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả qua, bởi các nhà đầu tư vẫn không sẵn sàng xuống tiền ở thời điểm này.
“Tôi cũng liên hệ một số khách quen, họ có sẵn tiền nhưng đều chia sẻ chưa xuống tiền ngay mà vẫn theo dõi thị trường bất động sản. Thực tế, bất động sản luôn có độ trễ nên việc nới lại room sẽ không giúp sôi động ngay lập tức mà cần theo dõi thêm. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng đang có xu hướng tăng lên, nên thời điểm này không tốt cho việc dùng đòn bẩy đầu tư, chưa kể tới việc giải ngân hiện tại phải chờ đợi lâu”, anh Tùng nói.
Người môi giới này cho biết, một số nhà đầu tư có tiềm lực hiện nay vẫn đi mua gom đất. Tuy nhiên, giá phải thật rẻ thì họ mới xuống tiền. “Thực tế, mua bất động sản trong thời gian này nhà đầu tư sẽ có nhiều lợi thế để thương thảo về giá và có thể lựa chọn được những bất động sản có vị trí đẹp, còn tiềm năng tăng giá từ những người đang bị áp lực tài chính. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đang trong quãng nghỉ vì vậy nhà đầu tư phải cân nhắc tới việc huy động vốn để mua, tốt nhất là vốn tự có”, anh Tùng khuyên.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, việc nới room tín dụng cũng sẽ có những tác động tích cực tới thị trường bất động sản. Tuy nhiên, con số 450.000 tỷ đồng "không thấm tháp gì với thị trường bất động sản".
"Cần đưa dòng vốn vào các dự án có tính chất có ích cho xã hội, phù hợp nhu cầu sử dụng khai thác kinh doanh. Với các dự án sắp hoàn thành thì phải tạo điều kiện tiếp tục hoạt động để tạo lợi ích cho cả doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế", ông Đính nói.
Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng cùng với động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản đang được tháo các nút thắt lớn từ sau Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính Phủ về chủ trương không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, công khai minh bạch thông tin quy hoạch... Đây sẽ là 2 lực đẩy quan trọng cho thị trường bất động sản hồi phục và sôi động trở lại sau thời gian dài trầm lắng trong năm 2022.
Nhịp sống thị trường