Nhà máy thuỷ điện có quy mô lớn đầu tiên ở miền Trung và Tây Nguyên "bay màu" 99,7% lợi nhuận: Vì đâu nên nỗi?
Doanh nghiệp này đang sở hữu 3 nhà máy thủy điện hoạt động ổn định với tổng công suất là 356 MW, cung cấp sản lượng điện khoảng 1,8 tỷ kWh/năm vào lưới điện Quốc gia.
- 26-01-2024"Ông lớn" Trung Quốc muốn làm nhà máy thủy điện tại Quảng Trị, công suất vượt mặt Thủy điện Trị An
- 23-01-2024Nhà máy thủy điện 9.500 tỷ: Giữ 3 kỷ lục đường hầm dẫn nước dài nhất, đập đất, cột nước cao nhất Việt Nam
- 31-12-2023Tuyên Quang khánh thành Nhà máy thủy điện có vốn trên 1.490 tỷ đồng
Công ty cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) tiền thân là Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn trực thuộc Công ty Điện Lực III. Nhà máy được khởi công xây dựng vào năm 1991, chính thức đưa vào sản xuất và hoà lưới điện quốc gia vào năm 1994.
Với công suất 66MW và sản lượng điện hàng năm theo thiết kế 300 triệu KWh. Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn là nhà máy thuỷ điện có quy mô lớn đầu tiên ở miền Trung và Tây Nguyên.
Năm 2000, Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn được đổi tên thành Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh. Năm 2005 Nhà máy chính thức chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với tên gọi mới Công ty Cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh.
Đến nay, Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh sở hữu 3 nhà máy thủy điện hoạt động ổn định với tổng công suất là 356 MW, cung cấp sản lượng điện khoảng 1,8 tỷ kWh/năm vào lưới điện Quốc gia. Ngoài chức năng sản xuất điện, các nhà máy còn đảm nhiệm việc cấp nước cho hạ du vào mùa kiệt, đặc biệt là Nhà máy Thủy điện Sông Hinh cấp nước tưới cho hơn 20.000 ha.
Mới đây, Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) đã có báo cáo tài chính kinh doanh quý 1/2024 với kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của công ty giảm hơn 514 tỷ đồng xuống còn 2 tỷ đồng, tương đương mức giảm 99,61%. Cùng với đó, tổng lợi nhuận sau thuế cũng gảm gần 475 tỷ đồng xuống còn 1,6 tỷ đồng (99,66%).
Giải trình về biến động lợi nhuận quý 1/2024, phía Vĩnh Sơn - Sông Hinh cho hay, doanh thu giảm mạnh là nguyên nhân khiến lợi nhuận của công ty lao dốc.
Cụ thể, đối với hoạt động sản xuất điện, do tình hình thuỷ văn cuối năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 tại khu vực miền Trung không thuận lợi so với cùng kỳ năm trước, lưu lượng nước về các hồ thấp hơn kế hoạch và trung bình nhiều năm, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất điện quý 1/2024 của công ty. Sản lượng điện thương phẩm giảm 209,79 triệu kWh so với cùng kỳ (tương ứng giảm 32,12%). Ngoài ra giá bán điện bình quân của các nhà máy quý 1/2024 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nên doanh thu sản xuất điện giảm 542,66 tỷ đồng (tương ứng giảm 60,82%) so với cùng kỳ năm trước.
Đối với hoạt động tài chính, doanh thu tài chính giảm 2,23 tỷ đồng so với cùng kỳ (tương đương giảm 70,13%), nguyên nhân do công ty phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá đối với dư nợ khoản vay ngoại tệ trong khi quý 1/2024 khoản vay này phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá. Trong kỳ, công ty cũng không ghi nhận doanh thu từ hoạt động khác.
Tính tới 31/3/2024, tổng tài sản của của công ty đạt 9.250,3 tỷ đồng, giảm 282,9 tỷ đồng (3%) so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định ghi nhận 7.859,7 tỷ đồng, chiếm 85% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 901,8 tỷ đồng, chiếm 9,7% tổng tài sản và các khoản mục khác. Trong kỳ, tài sản biến động chủ yếu do các khoản phải thu ngắn hạn giảm 24,1% so với đầu năm, tương ứng giảm 287,1 tỷ đồng, về 901,8 tỷ đồng (đầu kỳ ghi nhận 1.188,9 tỷ đồng).
Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm nhẹ 1,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 53,2 tỷ đồng, về 3.685,9 tỷ đồng và chiếm 39,8% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 150,5 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 3.535,4 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu gần 1.966 tỷ đồng, giảm 24% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế gần 557 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu hơn 505 tỷ đồng, bằng khoảng 50% thực hiện 2023. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn là 21,36%.
Đời sống & pháp luật