Nhà nước sẽ tiếp tục nắm tối thiểu 65% vốn tại Vietcombank, BIDV, VietinBank trong 5 năm tới?
Theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg, ngân hàng nằm trong nhóm các doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ nắm từ 65% vốn điều lệ trở lên theo tiêu chí phân loại DNNN và DN có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg quy định về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025. Quyết định được ban hành trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Quyết định này quy định tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở rà soát kế hoạch duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chuyển đổi sở hữu (bao gồm hình thức cổ phần hóa, bán toàn bộ DN, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên), sắp xếp lại (bao gồm hình thức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản), thoái vốn đối với DNNN, DN có vốn Nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước sẽ nắm 100% vốn điều lệ, gồm đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh; sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và cung ứng dịch vụ nổ mìn.
Đáng chú ý, những DN thực hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn, Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên, hoạt động trong 7 ngành, lĩnh vực: Quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay; khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng; tài chính, ngân hàng (không bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính)...
Trong lĩnh vực ngân hàng, hiện Nhà nước đang sở hữu 64,46% tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), 74,8% tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) và 81% tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV).
Như vậy, nếu Nhà nước tiếp tục duy trì sở hữu từ 65% trở lên tại 3 ngân hàng này đến năm 2025, Vietcombank và BIDV vẫn còn dư địa để chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, trong khi với VietinBank là không thể.
Tuy vậy, quyết định cũng nêu rõ, trong chức năng, nhiệm vụ được phân công, các Bộ có trách nhiệm chủ động sửa đổi hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định có liên quan nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, có ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 trong quý 3/2021 trên cơ sở đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu và ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và Bộ quản lý ngành.