Nhà phố, biệt thự liệu còn là kênh “giữ tiền” cho nhà đầu tư?
Chính phủ tiếp tục thắt chặt tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản làm hạn chế cơ hội tiếp cận các quỹ tài chính của các chủ đầu tư.
Theo chuyên gia Colliers Việt Nam, ở phân khúc nhà phố, biệt thự, nguồn cung hạn chế và mặt bằng giá cao đã thu hẹp phạm vi người mua tại Tp.HCM.
Đơn vị này chỉ ra, thị trường biệt thự xây sẵn và nhà liền kề tập trung chủ yếu ở TP.Thủ Đức và huyện Nhà Bè. Các dự án mới ra mắt dự kiến sẽ có quy mô lớn hơn trong vòng ba năm tới. Trong khi thị trường tỉnh, gần đây tập trung vào các khu vực lân cận của Tp.HCM như huyện Long Thành, Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai và huyện Bến Lức của tỉnh Long An, nơi có nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng sắp được triển khai hoặc phê duyệt để triển khai.
Tại Tp.HCM, Colliers Việt Nam chỉ ra, ở thị trường sơ cấp, trong quý 1/2022, số lượng giao dịch nhà phố, biệt thư tăng mạnh do người dân đang phải đối mặt với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Nga- Ukraina và lạm phát toàn cầu. Tuy vậy, nhà phố thương mại đang dần trở nên kém hấp dẫn so với những năm trước, do ngành bán lẻ đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch, trong khi hình thức kinh doanh đang dần chuyển sang thương mại điện tử. Tuy nhiên, các căn nhà phố thương mại tại khối đế của các tòa chung cư vẫn có sức hút lớn.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, nhà phố vẫn là một nơi tốt để nắm giữ tài sản cho các nhà đầu tư cá nhân. Mặc dù kinh tế trong nước đang dần hồi phục, người mua đã chuyển sự quan tâm đối với bất động sản tại các khu vực khác. Thị trường tại các tỉnh trở hấp dẫn hơn đối với người mua với lượng lớn nguồn cung bất động sản giá cả phải chăng và các điều khoản thanh toán hấp dẫn hơn.
Tại Hà Nội, trong những tháng đầu năm 2022, số lượng giao dịch tại Hà Nội giảm nhẹ do ảnh hưởng của Covid-19 sau Tết. Hầu hết các giao dịch trong quý này đến từ thị trường thứ cấp và nằm ở các quận ngoại thành. Các giai đoạn tiếp theo từ các dự án lớn như Vinhomes Đan Phượng, Ecopark, Gamuda City vẫn đang được mở bán. Các dự án có chất lượng xây dựng tốt, tiến độ thi công nhanh đã hấp dẫn hơn không chỉ các nhà đầu tư ở Hà Nội, mà còn cả các nhà đầu tư từ các tỉnh lân cận và Tp.HCM. Việc ra mắt các tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông là yếu tố khiến thị trường Hà Nội sẽ sôi động hơn trong vài năm tới.
Theo đơn vị này, BĐS nằm trong khu đô thị lớn thu hút nhiều người mua hơn do đầy đủ tiện ích. Vinhomes tiếp tục thống lĩnh thị trường bất động sản đất nền với nhiều khu đô thị lớn là vị trí tiềm năng. Quận Hà Đông dẫn đầu về nguồn cung, dẫn đầu là một số chủ đầu tư như Sunshine, Nam Cường Group, Vinhomes. Biệt thự chiếm 20% tổng nguồn cung toàn thị trường, trong khi đó, nhà phố chiếm 40% và nhà phố thương mại chiếm 40% tổng nguồn cung bất động sản đất nền.
Từ năm 2022 trở đi, Hà Nội có quỹ đất lớn nằm ở các huyện ngoại thành như Quốc Oai, Hoài Đức hay Hưng Yên. Việc thắt chặt chi tiêu và các quy định pháp lý sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các nhà phát triển bất động sản và khách hàng nhưng sẽ làm cho thị trường lành mạnh và minh bạch hơn. Trong vài năm tới, sự điều chỉnh của thị trường do thay đổi pháp lý sẽ sớm diễn ra nhanh chóng, và kỳ vọng thị trường sẽ trở lại sôi động sau một thời gian ảm đạm.
Theo chuyên gia Colliers Việt Nam, về các kênh huy động vốn, Chính phủ tiếp tục thắt chặt tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản làm hạn chế cơ hội tiếp cận các quỹ tài chính của các chủ đầu tư.
Hơn nữa, họ còn gây khó khăn cho khách hàng và các nhà đầu tư cá nhân khi sử dụng đòn bẩy tài chính trong việc tài trợ cho nhu cầu của họ không chỉ để có được chỗ ở mà còn để đầu tư sinh lời.
Tuy nhiên, bất động sản biệt thự và nhà phố được cư dân Việt Nam ưa chuộng theo truyền thống, vừa để ở vừa để đầu tư. Điều này là do quan niệm rằng đất đai vẫn giữ giá trị theo thời gian và truyền thống ưa chuộng nhà đất của người Việt.
Chia sẻ mới đây, đại diện JLLL Việt Nam cũng khẳng định, nhà liền thổ tiếp tục là kênh đầu tư ưa thích của nhà đầu tư. Tổng lượng bán trong quý 1/2022 đạt 2.986 căn, tăng hơn 736 căn so với quý trước. Lượng giao dịch tăng mạnh từ các dự án đã tiến hành tiền mở bán từ lâu ở TP.HCM, trong khi lượng bán ở các tỉnh lân cận vẫn ổn định, đạt 1.801 căn trong quý.
Trong bối cảnh lạm phát gia tăng cũng như thắt chặt tín dụng vào thị trường BĐS, nhu cầu mua Nhà liền thổ như một kênh đầu tư dài hạn đối với dòng vốn nhàn rỗi được ghi nhận tăng cao và đồng thời thống lĩnh nhu cầu mua trong quý này.
Về giá, giá bán sơ cấp nhà liền thổ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận ổn định theo quý nhưng vẫn giữ đà tăng trưởng theo năm, tăng 1,7% theo quý và 15,9% theo năm, đạt mức 3.007 USD/m2 đất, do thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu được duy trì, thậm chí đẩy mạnh sau đại dịch. Tại TP.HCM, giá bán sơ cấp tăng 2,2% theo quý và tăng mạnh 20,6% theo năm do khan hiếm nguồn cung mới và dòng tiền tiếp tục đổ vào loại hình này tại thành phố.
Rổ hàng bán trên thị trường sơ cấp vẫn còn tương đối dồi dào ở tất cả các thị trường tỉnh ngoại trừ BR-VT với chỉ duy nhất một dự án đang chào bán ở thị trường sơ cấp với giá giao dịch khoảng 4.800 USD/m2 đất tại tỉnh này.
Theo đơn vị này, trong 9 tháng còn lại của năm 2022, nguồn cung mới mở bán ở TP.HCM khá hạn chế, dự kiến khoảng 505 căn, trong khi đó, khoảng hơn 8.000 căn dự kiến được chào bán tại bốn tỉnh lân cận. Các chính sách siết chặt tín dụng vào các kênh bất động sản và chứng khoán, tập trung vào việc duy trì ổn định thị trường, phát triển kinh tế và sản xuất sau giai đoạn dịch bệnh kéo dài dự kiến sẽ giúp điều chỉnh và lành mạnh hóa thị trường BĐS, chỉ các chủ đầu tư và khách mua trường vốn sẽ giữ vững vị thế trong bối cảnh này.
Thị trường nhà liền thổ được kỳ vọng sẽ ngày càng cải thiện hơn về chất lượng sản phẩm, trong đó yếu tố tiện ích, vốn là điểm yếu của các dự án nhà liền thổ so với sản phẩm căn hộ, sẽ được cải thiện thông qua các dự án quy mô lớn tích hợp nhiều tiện ích nội khu cùng các hạ tầng thông minh.