MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà tái định cư xuống cấp: Chờ kinh phí bảo trì đến bao giờ?

14-12-2023 - 07:48 AM | Bất động sản

Hiện nay, nhiều khu tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xuống cấp trầm trọng không thể bảo trì bởi không có quỹ, trong khi đó sự hỗ trợ của thành phố vẫn chưa đến với người dân.

Khu tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) có 10 tòa nhà, được đưa vào sử dụng năm 2006 phục vụ cho các dự án giải phóng mặt bằng của Thủ đô. Sau gần 17 năm sử dụng, các tòa nhà đều trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng.

Nhà tái định cư xuống cấp: Chờ kinh phí bảo trì đến bao giờ? - Ảnh 1.

Tòa nhà N6E, Khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính.

Tại một số tòa nhà, bậc cầu thang bị nứt gãy, nhiều mảng tường nhà bong tróc, xuất hiện những vết nứt kéo dài. Đường ống dẫn nước thải bị tắc nghẽn, hệ thống thang máy thường xuyên gặp sự cố. Bên ngoài, phần tường của một số tòa nhà bong tróc từng mảng. Thậm chí, năm 2016, tại tòa nhà N5 đã xảy tình trạng sụt lún trên diện tích gần 20m2, tạo thành hố sâu khoảng 40cm.

Trưởng đại diện một tòa nhà cho biết, tòa nhà không có quỹ bảo trì 2% như nhà thương mại, cũng không có nguồn thu. Vì thế, mỗi khi có hạng mục công trình hỏng hóc phải huy động sự đóng góp của người dân. Dù vậy, đa phần cuộc sống người dân khó khăn nên không thể huy động vài triệu đồng/hộ để sửa chữa.

Đặc biệt, trong 10 tòa nhà chỉ có 1 tòa cư dân thành lập được ban quản trị còn lại các tòa nhà chỉ có đại diện. Chị Thảo, một cư dân cho biết, nếu thành lập ban quản trị cần phải có kinh phí hỗ trợ cho các thành viên, dù chỉ là vài trăm ngàn đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện nhiều cư dân không muốn đóng các khoản tiền dù sử dụng chung. Tòa nhà muốn thuê đơn vị bên ngoài để quản lý, vận hành cho đảm bảo, sạch sẽ. Tuy nhiên, khi tính toán, mức phí tối thiểu để duy trì khoảng 5.000 đồng/m2, tương đương với 250.000 đồng- 350.000 đồng/căn hộ thì người dân lại phản đối. Hiện tại, mỗi hộ chỉ đóng 30.000 đồng/tháng.

Tại các khu tái định cư khác, tình hình cũng tương tự. Ông Tạ Xuân Năm, Phó ban Quản trị tòa nhà tái định cư 4C, khu tái định cư Trung Hòa- Nhân Chính cũng thừa nhận, công tác bảo trì của tòa nhà gặp nhiều khó khăn. Với tòa nhà tái định cư 4C, dù có khoảng 1,5 tỷ đồng quỹ bảo trì nhưng không phải khoản nào cũng chi được, bởi quỹ chỉ được sử dụng cho một số hạng mục. Hiện tại, nguồn thu của tòa nhà mỗi tháng được khoảng 25 triệu đồng, bao gồm thu từ gửi xe máy, vài chiếc xe đạp và phí dịch vụ 1.200 đồng/m2. Trong khi đó, riêng tiền điện chung tòa nhà mỗi tháng đã 10 triệu đồng, còn lại 15 triệu đồng là thuê bảo vệ, vệ sinh. “Khi một số hạng mục của tòa nhà xuống cấp, ban quản trị vận động nhân dân đóng tiền, nhưng có rất ít hộ đóng. Thậm chí, theo quy định là có phụ cấp nhưng ban quản trị tòa nhà hiện không có phụ cấp gì. Chúng tôi làm việc vì sự nhiệt tình thôi”, ông Năm nói.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng ban Quản trị tòa nhà N6E (Khu tái định cư Nhân Chính), tại tòa nhà có nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng. Bên ngoài tòa nhà thì tường bong tróc, rêu mốc, bên trong, một số căn hộ ngấm nước. Mặc dù vậy những chỗ bị hỏng hóc không được sửa chữa bảo trì vì không có quỹ. Tòa nhà cũng chẳng có nguồn thu gì khác ngoài phí trông xe máy với mức 45.000 đồng/xe (tòa nhà có 130 xe). Do không có nguồn thu, ban quản trị cũng không thuê được đơn vị quản lý, hiện nay do một nhóm dân cư đứng ra nhận trông xe. Các thành viên ban quản trị tòa nhà như bà cũng không có phụ cấp, vì thế dù bà đã hết nhiệm kỳ gần 3 năm vẫn phải kiêm chức vì chẳng có ai làm. “Các tòa nhà thương mại thì đơn vị quản lý có nhiều khoản thu, như phí trông giữ xe, phí dịch vụ tính theo m2, tiền cho thuê khối đế để kinh doanh, tiền thu từ quảng cáo thang máy... còn chúng tôi chẳng có gì”, bà Lan than thở.

Bao giờ được hỗ trợ phí bảo trì?

Trước những khó khăn trên, đại diện các tòa nhà tái định cư đã nhiều lần đề xuất thành phố hỗ trợ kinh phí bảo trì . Bởi lẽ, UBDN thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 23/8/2018 về quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố. Theo quyết định trên, một số hạng mục của nhà tái định cư được thành phố hỗ trợ.

Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về nhà tái định cư, UBND thành phố Hà Nội khẳng định, đối với chung cư tái định cư, 6 hạng mục gồm: thang máy, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống chống sét và mặt ngoài được Nhà nước hỗ trợ một phần từ kinh phí thu được từ công tác quản lý diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư tái định cư.

Đối với các hạng mục sở hữu chung còn lại không được hỗ trợ bảo trì mà sử dụng kinh phí bảo trì 2% để thực hiện bảo trì. Tuy nhiên, với trường hợp kinh phí bảo trì 2% không đủ hoặc không có thì các chủ sở hữu nhà chung cư phải đóng góp theo kế hoạch bảo trì được phê duyệt.

Quy định là thế, nhưng đến nay nhiều nhà tái định cư chưa nhận được khoản hỗ trợ theo quy định. Bà Nguyễn Thị Lan khẳng định, đến nay tòa nhà N6E chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào của thành phố để bảo trì, sửa chữa tòa nhà. Tương tự, ông Tạ Xuân Năm, Phó ban Quản trị tòa nhà N4C cho biết, theo quy định thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí bảo trì cho các chung cư tái định cư. Tuy nhiên, đến nay tòa nhà chưa nhận được bất kỳ một khoản hỗ trợ nào từ thành phố. “Chúng tôi mong muốn thành phố sớm hỗ trợ để tòa nhà có thể bảo trì, sửa chữa một số hạng mục hư hỏng, xuống cấp, chứ toàn dân nghèo rất khó huy động sự đóng góp của mọi người”, ông Năm nói.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên toàn thành phố hiện có 199 tòa nhà chung cư tái định cư với 17.957 căn hộ đã bàn giao và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hiện còn 103 tòa nhà không có nhà sinh hoạt cộng đồng, 54 tòa nhà không có diện tích kinh doanh dịch vụ, số ban quản trị được thành lập còn rất ít.
Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh quy hoạch dự án NovaWorld Ho Tram - Binh Chau Onsen có thêm hàng trăm căn biệt thự nghỉ dưỡng

Theo Thanh Hiếu

tienphong.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên