Nhà thầu cao tốc Bắc Nam đoạn Chí Thạnh - Vân Phong “dài cổ” ngóng mặt bằng
Cao tốc Bắc Nam đoạn Chí Thạnh-Vân Phong hiện đang bị vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhà thầu không thể thi công đường công vụ để tiếp cận công trường, tập kết máy móc, nguyên vật liệu thi công…
- 12-04-2023Thông tin mới về thu phí không dừng ô tô vào sân bay
- 12-04-2023Khó khăn, thách thức vẫn đang "bủa vây" doanh nghiệp Việt
- 12-04-2023Nghịch lý khách đi du lịch trong nước chi nhiều hơn nước ngoài
Mặt bằng "xôi đỗ" đang cản tiến độ
Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh-Vân Phong thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua địa bàn tỉnh Phú Yên, có tổng chiều dài 48,25 km, với tổng mức đầu tư hơn 10.773 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm của quốc gia và khu vực, tuy nhiên hiện đang gặp khó khăn về mặt bằng thi công và thiếu mỏ vật liệu phục vụ dự án.
Theo đại diện Ban QLDA 7 (Bộ GTVT)-đại diện chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Chí Thạnh-Vân Phong cho biết, đến nay các địa phương tỉnh Phú Yên đã bàn giao mặt bằng được 629/727ha, tương đương 73,5/90,2km (đạt 81,5%), tuy nhiên phạm vi mặt bằng bàn giao chỉ tổ chức thi công được chỉ 35,24/90,2km (đạt 39,1%).
Vướng chủ yếu hiện nay do mặt bằng bàn giao không liên tục, xôi đỗ, vướng mắc công trình hạ tầng kỹ thuật, khối lượng mồ mả chưa được di dời rất lớn, một số vị trí người dân cản trở chưa cho thi công do còn tranh chấp, chưa nhận tiền đền bù; một số trường hợp đất do dân khai hoang chưa đủ thủ tục để bồi thường, chờ địa phương xem xét quyết định…
Theo khảo sát, tổng nhu cầu vật liệu của dự án, về đá khoảng 2,47 triệu m3; cát khoảng 2,1 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 7,0 triêu m3. Hiện nay đã xác định được vị trí các mỏ khoáng sản để khai thác, trữ lượng và chất lượng đảm bảo nhu cầu; công suất khai thác không đáp ứng được nhu cầu theo tiến độ thi công; các nhà thầu vẫn đang phải triển khai các thủ tục để xin cấp phép khai thác trực tiếp theo cơ chế đặc thù…
Đại diện nhà thầu gói thầu 12-XL đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh cho biết, đầu tuyến phải đào hơn 1 triệu khối trên tổng 5km nhưng chưa có mặt bằng, trong khi đó phạm vi xử lý nền đất yếu thì lại không có đất để đắp.
“Riêng tại gói 13-XL có công trình cầu Kỳ Lộ là cầu lớn dài hơn 2km, cao gần 60m, ở đây có địa hình địa chất phức tạp phụ thuộc rất lớn vào thời tiết và ảnh hưởng bởi mùa lũ cũng chưa có mặt bằng để thi công nên đây sẽ là đường găng rất lớn đối với Dự án…”, đại diện nhà thầu nói.
Cùng đó, thêm khó khăn nữa là hiện nay bãi đổ thải theo quy hoạch cũng gặp nhiều khó khăn. Lý do là hầu hết là đất trồng lúa, bà con không đồng ý cho thuê hoặc đòi giá cao và liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng.
Máy móc “đắp chiếu”, giá vật liệu tăng hơn 60%
Tại Gói thầu XL01 có chiều dài 24km, tổng giá trị gói thầu là 4.300 tỷ đồng, thi công đoạn tuyến Km0 - Km24 do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Trên tuyến có 1 hầm dài hơn 1km và 16 cầu (gồm 11 cầu trên tuyến chính và 5 cầu trên tuyến ngang và nút giao) đang chưa thể triển khai được vì mặt bằng “xôi đỗ”.
Theo ông Nguyễn Đức Phương-Phó Giám đốc Ban điều hành Gói thầu XL01, hiện nay nhà thầu đã huy động 20 đầu xe, máy thiết bị và gần 50 nhân sự để thi công phần hầm và đường đã được bàn giao mặt bằng. Các vị trí khác nhà thầu chưa được bàn giao mặt bằng nên không thể tập kết máy móc, thiết bị, nhân sự để tổ chức thi công.
Ông Phương cho biết, đến nay địa phương đã bàn giao mặt bằng được 10,69/24km, đạt 44%. Tuy nhiên, nhà thầu chỉ tiếp cận thi công được 7,1/24km, đạt 29,5 %.
Lý do là các công trình nhà ở, mồ mả, đường điện chưa di dời. Bên cạnh đó, khu tái định cư chưa xây dựng. Mặt bằng “xôi đỗ” không liên tục. Một số vị trí đã bàn giao nhưng chưa chi trả tiền cho người dân dẫn đến bị người dân cản trở khi triển khai thi công.
“Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho nhà thầu vì không thể thi công đường công vụ để tiếp cận công trường, tập kết máy móc, nguyên vật liệu thi công”, ông Phương cho biết.
Cùng đó, đại diện nhà thầu gói XL01 cho biết, công suất các mỏ cát chưa đáp ứng được yêu cầu của dự án. Giá bán thực tế cao hơn rất nhiều so với công bố của tỉnh.
“Giá vật liệu tại tỉnh Phú Yên đang ở mức cao bất thường khi giá bán cát, đất, đá đều cao hơn so với một số địa phương lân cận. Nhà thầu phải mua giá vật liệu cao chót vót so với giá niêm yết của các mỏ. Ví dụ như giá khảo sát các mỏ cát dự toán 190.000 đồng/m3 nhưng thực tế giá bán cho nhà thầu lên tới gần 300.000 đồng/m3, tức là cao hơn 60% so với giá khảo sát”, đại diện nhà thầu gói thầu XL-01 cho hay.
Kiến nghị sớm bàn giao mặt bằng và hạ nhiệt “bão giá” vật liệu
Trước những vướng mắc, khó khăn nêu trên, đại diện Ban QLDA 7 cho biết, đang tích cực làm việc với địa phương để tháo gỡ khó khăn.
“Với địa phương là tỉnh Phú Yên, hiện Ban QLDA cũng như các nhà thầu đang gặp phải là mặt bằng thi công. Chúng tôi kiến nghị đẩy nhanh bàn giao mặt bằng và thủ tục cấp phép các mỏ vật liệu, cát và đất đắp nền đường. Hiện nay Ban QLDA đã nộp hồ sơ cấp phép các mỏ, nhưng theo tiến độ phải mất 57 ngày thẩm định, phê duyệt. Nếu được thì đẩy nhanh phần thẩm định cấp mỏ để có thể bù vào thời gian phải chờ đợi mặt bằng…”, đại diện Ban QLDA 7 cho biết.
Trong báo cáo mới nhất do ông Huỳnh Gia Hoàng-Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên ký gửi Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh đã có văn bản đề nghị các cơ quan, địa phương tập trung khắc phục, đảm bảo thực hiện hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng nhằm đáp ứng các mốc thời gian theo yêu cầu.
Để thực hiện được, yêu cầu cần linh hoạt trong công tác bồi thường, GPMB; phối hợp tốt với các sở ngành, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án GPMB, thi công khu tái định cư, di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông ...).
“Khẩn trương chi trả tiền cho các hộ dân bị ảnh hưởng đã bàn giao mặt bằng, nhất là tại các vị trí đường găng quyết định đến tiến độ triển khai dự án; đảm bảo bàn giao mặt bằng còn lại cho chủ đầu tư đáp ứng mốc thời gian theo quy định”, ông Tuấn cho biết.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương bên dưới phối hợp với Ban QLDA và nhà thầu vận động nhân dân, kịp thời giải quyết các phát sinh vướng mắc để người dân đồng thuận sớm bàn giao mặt bằng triển khai thi công.
Về mỏ vật liệu và bãi đổ thải, Phó Giám đốc Sở GTVT khẳng định, tiếp tục chỉ đạo, khẩn trương triển khai các thủ tục cần thiết theo hướng dẫn của Bộ TN&MT; rà soát công suất các mỏ đá, cát, đất đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn cần sử dụng cho dự án; trường hợp không đáp ứng nhu cầu của dự án, cần kịp thời đề nghị chính quyền địa phương nâng công suất hoặc đưa mỏ mới vào khai thác theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Khẩn trương làm việc để thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các khu vực Nhà nước đã giao cho hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp không thỏa thuận được, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương để phối hợp xử lý. Về bãi đổ thải sẽ chủ động làm việc với các chủ đất và chính quyền địa phương để hoàn tất các thủ tục về vị trí đổ thải, đáp ứng nhu cầu đổ thải của Dự án”, ông Tuấn cho biết./.
VOV