MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhận cuộc gọi khẩn thông báo có lệnh bắt giữ, nhà báo mất ngay 1,2 tỷ đồng tiền trong tài khoản, nức nở chia sẻ với cộng đồng mạng: ‘Tôi ước mình làm điều này ngay từ đầu’

19-02-2024 - 20:39 PM | Tài chính quốc tế

Một nhà báo viết chuyên mục “Kinh doanh” cho tờ New York Times suốt 7 năm đang gây xôn xao cõi mạng, sau khi cô kể lại câu chuyện bị lừa mất 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ VNĐ) qua cuộc gọi điện thoại. Đây là một vấn đề không hề mới và tình trạng lừa đảo như vậy đang ngày càng tràn lan.

Nhận cuộc gọi khẩn thông báo có lệnh bắt giữ, nhà báo mất ngay 1,2 tỷ đồng tiền trong tài khoản, nức nở chia sẻ với cộng đồng mạng: ‘Tôi ước mình làm điều này ngay từ đầu’- Ảnh 1.

Hình ảnh minh hoạ

Cuối tháng 10/2023, nhà báo Charlotte Cowles nhận một cuộc gọi từ người tên Krista, tự nhận là nhân viên bộ phận chăm sóc khách hàng của Amazon. Người này cho biết tài khoản của Cowles có một số giao dịch bất thường khi chi 8.000 USD mua MacBook và iPad. Nhưng thực tế, lịch sử mua hàng của cô chẳng có gì ngoài tã bỉm và hàng tạp hoá.

Krista thông báo Cowles bị ăn cắp thông tin cá nhân và chuyển cuộc gọi đến cho một người đàn ông tên Calvin Mitchell, tự nhận là điều tra viên của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC). Người này yêu cầu xác nhận số An sinh xã hội, địa chỉ nhà và ngày sinh của Cowles.

Người đàn ông này thông báo có 22 tài khoản ngân hàng, 9 phương tiện và 4 bất động sản đứng tên Charlotte Cowles. Các tài khoản đã chuyển 3 triệu USD ra nước ngoài và nhiều hành vi phạm tội khác có tên Cowels. Ông Mitchell nói rằng đã có lệnh bắt giữ Cowels ở Maryland và Texas và rằng cô đang bị buộc tội về tội phạm mạng, rửa tiền và buôn bán ma túy.

Người đàn ông này giục giã Cowles khiến cô hoang mang, lo lắng. Ông ta yêu cầu cô kê khai những tài sản hiện có và chuyển máy đến cho một nhân viên CIA để giúp cô giải quyết tình hình.

Nhận cuộc gọi khẩn thông báo có lệnh bắt giữ, nhà báo mất ngay 1,2 tỷ đồng tiền trong tài khoản, nức nở chia sẻ với cộng đồng mạng: ‘Tôi ước mình làm điều này ngay từ đầu’- Ảnh 2.

Cô Charlotte Cowles

Người đàn ông tiếp theo bắt máy tự xưng là Michael Sarano, đang làm việc cho CIA trong các vụ án liên quan đến FTC. Sarano tự đọc số huy hiệu để tăng thêm độ uy tín và yêu cầu Cowles đến ngân hàng rút 50.000 USD trước khi tài khoản ngân hàng của cô bị đóng băng trong quá trình điều tra.

Cuối cùng, Cowles bỏ 50.000 USD vào một cái hộp dán kín băng dính và trao cho một người tự nhận là đặc vụ CIA. Người đàn ông tên Sarano cho biết Cowles có thể lấy lại tiền cho đến khi cuộc điều tra kết thúc.

Cowles cho biết 50.000 USD là số tiền tiết kiệm suốt nhiều năm trời. Một phần trong số đó là tài sản thừa kế nhận từ ông nội. Đáng lẽ ra cô có thể trả phí trông trẻ một năm, có thể trả tiền học thạc sĩ mà cô hằng mong muốn, thay vì để mất nó dễ dàng như vậy.

Đến khi nhận ra mình đã bị lừa, Charlotte Cowles kể lại câu chuyện của mình trong một bài viết trên trang The Cut. Cô nhấn mạnh rằng ngay cả những người có kiến thức tài chính vững vàng và lý trí cũng có thể bị cuốn vào cơn hoảng loạn do những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp gây ra.

Các chuyên gia cho rằng qua câu chuyện này, mọi người có thể rút ra một số bài học quan trọng. Vì không chỉ Charlotte Cowles là nạn nhân của lừa đảo. Theo số liệu của FTC, năm 2023, người tiêu dùng Mỹ báo cáo mất hơn 10 tỷ USD do lừa đảo, tăng 14% so với năm trước đó.

Nhận cuộc gọi khẩn thông báo có lệnh bắt giữ, nhà báo mất ngay 1,2 tỷ đồng tiền trong tài khoản, nức nở chia sẻ với cộng đồng mạng: ‘Tôi ước mình làm điều này ngay từ đầu’- Ảnh 3.

Hình ảnh minh hoạ

Dưới đây là một số điều cần làm khi bạn nhận được một cuộc gọi nghi là lừa đảo.

1. Tắt điện thoại

Khi nhận được những cuộc gọi lạ, việc đầu tiên là phải bình tĩnh, đừng vội vàng. Bạn có thể từ chối cuộc gọi một cách lịch sự rồi tắt máy, sau đó tự xác minh lại vấn đề. Điều này áp dụng cho cả những cuộc gọi số lạ tự nhận là bạn bè hoặc người thân cần vay tiền gấp.

2. Xác minh danh tính người gọi

Tiếp theo, bạn cần kể cho một người đáng tin khác biết chuyện đang xảy ra. Đừng giải quyết việc này một mình. Những kẻ lừa đảo thường cô lập “con mồi” bằng việc dặn họ không được kể chuyện này với người khác. Cowles ước rằng giá mà bản thân hành động khác đi, đặc biệt là kể cho người thân câu chuyện mình gặp phải.

3. Đừng để sập bẫy niềm tin

Nếu bạn vẫn tiếp tục nghe điện thoại, hãy cố gắng đừng vội tin những gì kẻ giả mạo nói. Hãy gác điện thoại và xác minh lại với các thực thể hợp pháp. Mỗi một hành động như vậy là một cơ hội để bạn lấy lại quyền kiểm soát.

Tổng hợp: The New York Times, The Cut, Market Watch

Anh Dũng

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên