MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu

Hôm nay 12/4, Diễn đàn "Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019" lần đầu tiên được tổ chức tại TP HCM nhằm bàn giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp không khói.

Hiện cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch các cấp, riêng TP HCM có 63 cơ sở (24 trường đại học, 20 trường cao đẳng và 19 trường trung cấp). Nguồn nhân lực đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu để phát triển, nâng tầm, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thiếu về lượng, yếu về chất

Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Kinh doanh khách sạn trong thời đại công nghệ số" ngày 11-4 ở TP HCM, giám đốc một khu du lịch tại Cần Giờ cho rằng huyện này chỉ cách trung tâm TP HCM khoảng 70 km nhưng tìm kiếm nhân sự chất lượng cho hoạt động du lịch là cả vấn đề.

Vừa qua, khu du lịch của ông dự định kết nối qua mạng hệ thống nhà hàng khoảng 200 khách với phòng kế toán, khu vực lễ tân - thay vì dùng tay, sổ sách ghi chép - nhưng mãi chưa thực hiện được vì không có công nghệ lẫn nhân sự sử dụng công nghệ. "Công nghệ thì có thể đầu tư nhưng tìm con người không dễ" - ông chủ khu du lịch này băn khoăn.

Nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu - Ảnh 1.

Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam dẫn đoàn khách nước ngoài tham quan TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới đã đưa robot, trí tuệ nhân tạo vào phục vụ du lịch, ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), nhận định ứng dụng công nghệ vào du lịch không chỉ là thách thức đối với nhân viên làm công tác chuyên môn mà còn cả với cấp quản lý. Lúc này, các trường đại học, cao đẳng, trường nghề cần đào tạo kiến thức, kỹ năng sử dụng phần mềm, công nghệ… cho sinh viên ngành du lịch.

Trước đây, các khách sạn, nhất là khách sạn 5 sao, thường có tổ IT (công nghệ thông tin) với nhân sự 3-5 người làm tất cả công việc liên quan đến công nghệ. Xu hướng hiện nay là bộ phận IT tại chỗ chỉ làm phần cứng, còn phần mềm liên quan sẽ do nhân sự quản lý cấp trung, cấp trưởng bộ phận thực hiện.

"Với các phần mềm quản lý nhà hàng - từ thực đơn, đơn giá, các lựa chọn của khách hàng về món ăn, dịch vụ… - nếu nhân viên IT không có kiến thức về lĩnh vực này sẽ dễ nhập liệu, cập nhật sai, ảnh hưởng đến hoạt động phục vụ khách. Do đó, những công việc này sẽ giao cho trưởng bộ phận liên quan và đòi hỏi kỹ năng, kiến thức của nhân sự này phải cao hơn" - ông Hòa dẫn chứng.

Giải pháp đào tạo?

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết TP đang có khoảng 140.000 nhân lực phục vụ ngành du lịch nhưng đến 10% trong số đó chưa qua đào tạo. Con số này tính trên cả nước là 1 triệu nhân lực với 20% chưa qua đào tạo.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nhìn nhận những người tư vấn, quản lý, trực tiếp phục vụ trong ngành du lịch luôn cần bởi du khách vẫn thích "chạm mặt" người phục vụ. Trong khi đó, nhiều địa phương ở miền Tây hay Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế... rất bức xúc về nhu cầu đào tạo, nâng cao đội ngũ nhân sự làm du lịch và mong muốn nâng cao trình độ, năng lực của người quản lý. Một số công ty du lịch lớn ở TP HCM mở trường đào tạo du lịch khá thành công và đây là mô hình tốt mà các công ty có thể triển khai để nâng cao năng lực nguồn nhân lực du lịch.

Theo các chuyên gia, quy mô đào tạo nguồn nhân lực du lịch tăng mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Hệ thống giáo trình chưa thực sự phù hợp. Sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, những người làm du lịch chưa thật sự chặt chẽ, đồng bộ. Các chính sách và hành lang pháp lý cho việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa được đổi mới.

Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch, nhìn nhận nguồn nhân lực đang là thách thức của ngành du lịch nói chung, trong đó có lĩnh vực khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch. Với sự phát triển nhanh của các cơ sở lưu trú, không chỉ nhân lực về công nghệ mà nhân lực phổ thông cũng đang thiếu. Do đó, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong thời gian tới là việc cấp bách.

"Trong bối cảnh du lịch được xác định là ngành công nghiệp không khói, mũi nhọn của nền kinh tế, nguồn nhân lực cần được xem là nền tảng để góp phần đưa tăng trưởng của ngành ngày càng cao hơn. TP HCM có thể trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch cả nước" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.

Diễn đàn “Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam năm 2019” do Sở Du lịch TP HCM phối hợp với Trường Đại học Hoa Sen tổ chức ngày 12-4 sẽ thảo luận xoay quanh những nội dung chính: Thực trạng và quan điểm đổi mới đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam; Hoạch định chính sách trong phát triển nguồn nhân lực du lịch; Đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân sự du lịch; Ứng dụng hiệu quả công nghệ mới trong đào tạo nhân lực ngành du lịch.

Theo Thái Phương

Người lao động

Trở lên trên