MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân tố nào ở Việt Nam quyết định tiếp tục giãn cách hay dần mở cửa?

Nhân tố nào ở Việt Nam quyết định tiếp tục giãn cách hay dần mở cửa?

Phong tỏa kéo dài sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, song nới lỏng giãn cách khi chưa kiểm soát được dịch bệnh lại là một rủi ro lớn. Việc lựa chọn tiếp tục giãn cách hay mở cửa trở lại là câu hỏi khó. Vậy nhân tố nào mang tính quyết định đối với vấn đề này?

Hiện nay, rất nhiều quốc gia lựa chọn mở cửa dần để khôi phục nền kinh tế. Ví dụ, thay vì nỗ lực đưa ca nhiễm về con số 0, mục tiêu của Thái Lan chuyển sang ngăn chặn sự bùng phát để không gây quá tải cho hệ thống y tế và có nhiều hoạt động thương mại hơn ở các trung tâm tài chính như Bangkok.

Trung tâm Quản lý Tình huống Covid-19 (CCSA) Thái Lan đã quyết định cho phép các nhà hàng, quán ăn, trung tâm thương mại, sân vận động, công viên tại một số khu vực mở cửa lại. Song, hoạt động kiểm soát dịch bệnh phải được thực hiện nghiêm ngặt.

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 ngày 29/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ, chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp, phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta vẫn đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, là trước hết, càng khó khăn càng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt là lúc dịch đã đi qua, như Bắc Ninh vừa xuất hiện ổ dịch mới. Từng tỉnh, từng huyện, từng xã phải đẩy nhanh lộ trình chống dịch, đạt mục tiêu càng sớm càng tốt để trở lại trạng thái bình thường, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép.

Ngày 5/9/2021, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên đã đưa ra một số ý tưởng cho phương án bình thường mới, sống trong điều kiện có dịch Covid-19. Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, không thể thực hiện giãn cách triệt để nghiêm ngặt mãi, không thể quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng.

Theo Bí thư TP.HCM, muốn “sống chung với lũ” thì cần phải đôn nhà lên cao, có ghe xuồng, quan trọng là phải biết bơi, có áo phao. Còn “sống chung với Sars-CoV-2” thì phải có vaccine, thuốc, có kiến thức chăm sóc sức khỏe để bảo vệ bản thân, cùng với đó là củng cố hệ thống y tế đủ mạnh. Khi đảm bảo những điều kiện này, thì mới có thể sống chung với dịch để sản xuất – kinh doanh bình thường trở lại.

Chiều ngày 5/9/2021, trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Thủ tướng cho biết, khi thực hiện mục tiêu về tiêm vaccine, có thể thiết lập kịch bản thích ứng an toàn, trên các lĩnh vực giao thông, đi lại, sản xuất, dịch vụ. Thủ tướng cho biết, đã giao các cơ quan xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế, xã hội thích ứng an toàn với dịch bệnh. Những nơi đã tiêm đủ vaccine, cần chủ động việc này.

Kinh nghiệm quốc tế từ các nước Anh, Israel, Singapore... cho thấy, không thể quay trở lại cuộc sống bình thường nếu không có tỷ lệ tiêm vaccine cao. Tuy nhiên, dù tiêm vaccine là chiến lược quan trọng và cấp bách, nhưng chỉ như vậy là chưa đủ. Một loạt các biện pháp y tế công cộng khác như đeo khẩu trang, truy vết tiếp xúc, xét nghiệm và hộ chiếu vaccine đều cần được áp dụng.

Hồng Nhuận

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên