Giản Tư Trung: Chân lý không thuộc về số đông hay kẻ mạnh
"Ai" ở đây có hai tầng nghĩa ẩn chứa: tầng nghĩa thứ nhất đề cập về danh phận, còn tầng nghĩa thứ hai là cuộc đời đáng sống, cuộc đời có giá trị.
Ngày 12.3, tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã công bố giải Lãnh đạo trẻ toàn cầu (YGL) 2013, trong đó Việt Nam có hai đại diện là ông Giản Tư Trung – hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE kiêm viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) và bà Lê Thị Thu Thuỷ, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc tập đoàn Vingroup.
Giản Tư Trung là cái tên đã quá quen thuộc với cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng giáo dục. Giải YGL đã cung cấp thêm một lý do để ông xuất hiện trong chuyên trang Giá trị sống tuần này.
Tiêu chí của giải thưởng YGL là thành tích nghề nghiệp, bề dày chuyên môn, cống hiến xã hội và khả năng vượt khó. Ông nghĩ gì khi biết tin được nhận giải thưởng danh giá này?
Nhiều năm nay tôi cứ cặm cụi làm chứ không nghĩ đến danh hiệu hay giải thưởng gì. Nhưng nay được một tổ chức toàn cầu như WEF ghi nhận công việc của mình thì tôi cũng thấy vinh dự, và vui hơn là khi họ ghi nhận đúng vai trò mà tôi đang đảm trách.
Tôi nghĩ một khi nhận được sự tin tưởng nhiều hơn, cũng có nghĩa trách nhiệm sẽ lớn hơn. Vì công việc của tôi gắn bó với sự học của doanh giới và giáo giới nên tôi luôn tự nhủ sẽ liên tục khai minh để có thể làm tốt hơn công việc của mình.
Từ bao giờ ông ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng chung quanh, khi mà mọi suy nghĩ, hành động của ông, thay vì “làm cho mình” thì đều dần trở thành “và cả cho người”?
Tôi luôn mong muốn sống một cuộc đời có giá trị, nhưng để có cuộc đời giá trị thì phải tạo ra những giá trị đó. Như vậy phải có trách nhiệm của một con người với xã hội. Suy nghĩ của tôi đơn giản là: nếu không có trách nhiệm đó thì mình thấy mình không có giá trị gì, vậy mình có đáng sống hay không?
Mỗi khi có dịp đứng lớp, tôi thường đưa ra một công thức, tạm gọi là “công thức sự nghiệp”: tổng những gì mà mình kiếm hay đạt được cho mình bằng với tổng những gì mình mang lại hay gây ra cho người khác. Luôn luôn đó là một hằng số. Ví dụ: đằng sau một gia tài khổng lồ có thể là một cống hiến lớn hay một tội ác lớn, cũng có thể là cả hai.
Ai cũng muốn có một cuộc đời đáng sống, cuộc đời có giá trị. Nhưng đáng sống ở đây không chỉ là bản thân cảm thấy đáng sống mà còn được những người có hiểu biết trân trọng cách sống đó, cuộc đời đó. Bởi lẽ, tôi nghĩ, chân lý không thuộc về số đông hay kẻ mạnh, mà thuộc về những người hiểu biết. Nếu mình có một cách sống và một cuộc đời mà tự mình cảm thấy đáng sống, nhưng lại bị những người có hiểu biết phê phán hay lên án thì sự đáng sống đó sẽ trở thành không đáng sống.
Nhưng làm sao ông có thể tạo giá trị cho chính mình và cho xã hội nếu ông không băn khoăn, day dứt về điều đó?
Công việc của tôi là làm giáo dục. Nhiều người nói làm giáo dục là khai minh xã hội. Không, tôi chỉ khai minh chính mình. Nhưng lúc nào cũng vậy, luôn cần phải có những con người tạo môi trường, tạo ra chất xúc tác để người khác biết cách tự khai minh. Tôi luôn tâm niệm rằng, quá trình đứng lớp cũng không phải là quá trình mình dạy người khác mà là quá trình mình đặt ra những câu hỏi để cho mọi người cùng suy nghĩ. Và khi mọi người suy nghĩ tức là mọi người đang học, thực học. Về nguyên lý sư phạm, có ba cách trao đổi với người học: nói cho họ biết điều mình muốn họ biết; cố gắng trả lời những câu hỏi của người học; đặt ra những câu hỏi để người học suy ngẫm và nỗ lực tìm câu trả lời.
Tôi thích nhất cách thứ ba. Cũng có khi tôi đặt ra những câu hỏi nghe có vẻ ngớ ngẩn như: “Bạn sống để làm gì?”, “Thế nào là con người?”, “Bạn có phải là con người không?”, “Thế nào là trưởng thành?”, “Bạn đã trưởng thành chưa?”, “Làm dân là làm gì?”, “Cần có năng lực gì để làm được dân?”... Mới đầu tưởng đó là những câu hỏi vu vơ, nhăng cuội, nhưng nếu một người mà không quan tâm đến những điều đó, thì khó chạm vào khai minh lắm.
Nhiều thầy cô và cha mẹ nói với học trò, với con của mình rằng “mong sao lớn lên các con sẽ thành người”, nhưng sao chẳng mấy ai nói cho các em hiểu làm người là làm gì, cần học gì và học như thế nào để thành người. Chính những câu hỏi đó đã dẫn đường tôi đến với triết học, tuy nhiên tôi tìm kiếm câu trả lời ở cuộc đời qua những hoạt động và trải nghiệm của mình chứ không hẳn là ở lý thuyết. Tất nhiên, sau đó khi gặp những người thầy đang hoạt động trong lĩnh vực triết học, tôi thấy mình được chia sẻ rất nhiều từ những suy nghĩ và chiêm nghiệm này.
Vậy xin được hỏi: ông là ai?
Tôi nghĩ, “ai” ở đây không hẳn là ông này, bà nọ, mà là ở chuyện liệu mình có ý thức được mình sống để làm gì, mình sẽ sống cuộc đời như thế nào, có đáng không.
Nói cách khác là có hai tầng nghĩa ẩn chứa trong từ “ai”: tầng nghĩa thứ nhất đề cập về danh phận, còn tầng nghĩa thứ hai là cuộc đời đáng sống, cuộc đời có giá trị. Vì thế, “ai” ở đây thật sự là một từ có hàm ý triết học, nhưng không phải lúc nào người ta cũng hiểu được tầng nghĩa sâu sắc mà nó ẩn chứa để xác định đúng “ai là ai”.
Chân lý không thuộc về số đông hay kẻ mạnh, mà thuộc về những người hiểu biết. |
Nếu cần có một lằn ranh để minh định hành động của mỗi người, tôi cho rằng pháp lý và đạo lý chính là lằn ranh thích hợp nhất. “Đạo lý” không hẳn là đạo lý ở một nơi hay một lúc nào đó, mà cái đạo lý này cần phải chứa đựng cả những giá trị phổ quát của loài người, những giá trị vượt không gian và thời gian.
Tuy nhiên, có khi pháp lý lại trái nghịch với đạo lý, vì pháp lý không xuất phát từ đạo lý. Và đối với những người làm cách mạng thì họ chỉ quan tâm đến đạo lý mà họ theo đuổi chứ không quan tâm đến pháp lý, vì họ không công nhận cái pháp lý đó và họ muốn làm cách mạng để thay đổi nó. Đó cũng là lý do vì sao mà những người cách mạng lại sẵn sàng vi phạm pháp lý và chấp nhận tù đày, thậm chí hy sinh để đấu tranh cho đạo lý mà họ theo đuổi.
Vừa rồi xem lại bộ phim Những người khốn khổ, tôi càng thấm thía mối quan hệ giữa pháp lý và đạo lý. Cụ thể nhất là câu chuyện của Jean Valjean và Javert. Jean Valjean là hiện thân của đạo lý, còn Javert là hiện thân của pháp lý. Bản thân V. Hugo cũng đã đưa ra cách giải quyết nút thắt này: Javert là người luôn bảo vệ công lý, nhưng trong cái công lý đó không chứa đạo lý nên cuối cùng ông đã chọn cái chết để bảo vệ cả hai.
Và một chi tiết nữa, lúc Jean Valjean làm thị trưởng, đức cao vọng trọng, ông nghe tin có một người sẽ phải chết thay mình vì bị cho là Jean Valjean, vậy ông phải chọn giữa ra nhận tội (trở thành người lương thiện mà khốn khổ) với im lặng (trở thành người đức cao vọng trọng mà khốn nạn). Cuối cùng ông chọn làm người lương thiện. Nếu như hỏi Jean Valjean muốn trở thành “ai” trong đời thì chắc hẳn ông sẽ nói “tôi muốn thành người lương thiện”.
Không chỉ V. Hugo mà Lincoln đã từng chia sẻ: “Hãy cố gắng là một luật sư trung thực, còn nếu không thể trở thành một luật sư trung thực thì hãy sống trung thực mà không cần phải làm một luật sư”.
Xuất phát điểm là dân kinh tế, tại sao ông lại chọn giáo dục làm con đường nghiệp dĩ của mình?
Từ bé ở quê bà nội tôi đã truyền cho tôi tinh thần “làm trai cho đáng nên trai”. Vì thế tôi đã lớn lên cùng với suy nghĩ sẽ làm được điều gì đó. Cái đó là cái gì thì thấy mơ hồ lắm. Nhưng những ý nghĩ mơ hồ đó cứ đeo đẳng. Khi lớn lên, tôi cũng làm nhiều nơi với nhiều lĩnh vực khác nhau, từ thương trường cho tới khoa trường và cả một chút quan trường nữa, nhưng rồi tôi nhận ra rằng công việc mình có thể đóng góp được là làm giáo dục. Tôi chọn cái nghề mà mình cảm thấy có giá trị và sống đúng với con người của mình.
Tất nhiên lúc đầu tôi cũng phải tự đặt câu hỏi: giáo dục ai, giáo dục cái gì. Rồi tôi chọn doanh trí, vì dân trí thì rộng quá, mà quan trí là lĩnh vực mà dân thường không thể tham gia. Sau đó lại thấy mình có thể làm gì đó cho giáo dục, cho giáo trí, góp sức cho sự học của các thầy cô giáo. Và đó là lý do vì sao tôi gắn bó với giáo dục, với sự học của doanh giới và giáo giới cho đến nay và nhiều năm nữa.
So với giới doanh nhân ngày trước, qua những bước khai minh, ngày nay chắc đã khác nhiều?
Chắc chắn là khác. Tôi luôn chia sẻ với doanh giới về một nền kinh thương mới và họ là ai, ở đâu trong một nền kinh thương mới đó, nếu không thì khó mà tồn tại được. Cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay, bên cạnh nguyên nhân về việc điều hành vĩ mô nền kinh tế, còn có nguyên nhân vi mô từ phía các doanh nghiệp. Cho dù kinh doanh gì đi nữa thì cũng phải quan tâm đến những yếu tố như năng lực cốt lõi và giá trị bền vững. Đây chỉ là những bài học “vỡ lòng” về quản trị nhưng không phải dễ dàng gì có thể học được.
Ở cấp độ một công dân, tôi nghĩ mình có thể làm được điều gì thì cứ làm thôi. Khi nhiều người cùng thể hiện trách nhiệm công dân thì mọi thứ sẽ tốt hơn lên. |
Không chỉ kinh tế mà giáo dục hiện cũng khủng hoảng và tha hoá trầm trọng (từ của GS Ngô Bảo Châu). Được biết ông đang tập trung vào vấn đề giáo dục khai minh. Vậy theo ông, có thể làm được gì cho giáo dục trong bối cảnh hiện nay?
Tôi nghĩ, bất cứ một người nào quan tâm và tâm huyết với giáo dục đều mơ ước một xã hội mới. Nhưng để có một xã hội mới thì cần phải có một nền giáo dục mới. Vì giáo dục nào thì xã hội đó. Lãnh đạo nào thì giáo dục đó. Thể chế nào thì lãnh đạo đó, và lãnh tụ nào thì thể chế đó. Ai cũng muốn cải cách giáo dục nhưng cần phải thấy đích đến của giáo dục là gì, thực trạng giáo dục ra sao… Đích đến của giáo dục là con người tự do, con người khai minh, nhưng con người khai minh, con người tự do là thế nào? Nhiều người cho rằng nền giáo dục tệ hại và nhiều yếu kém, nhưng tệ thế nào thì ít ai làm rõ được. Có quá nhiều thứ cần làm trong giáo dục. Còn với cá nhân tôi, ở cấp độ một công dân, tôi nghĩ mình có thể làm được điều gì thì cứ làm thôi. Khi nhiều người cùng thể hiện trách nhiệm công dân thì mọi thứ sẽ tốt hơn lên.
Hiện PACE là trường duy nhất phối hợp với các doanh nhân và trí thức để triển khai chương trình Hạt giống lãnh đạo (IPL). Qua các khoá học của chương trình đặc biệt này, ông có thể chia sẻ thêm về việc đào tạo và sử dụng nhân tài?
Nhân tài thì không đào tạo được, mà chúng tôi chỉ tạo môi trường trong đó có chất xúc tác cho sự học của họ để giúp họ tự phát triển mà thôi. Tôi cũng nghĩ khó mà sử dụng được nhân tài vì một nhân tài thực sự luôn biết cách tự sử dụng mình. Nếu có chăng là những người làm lãnh đạo biết tạo ra một môi trường mà nhân tài thấy mình ở trong đó, và khi họ phát huy tài năng của mình thì cũng là lúc tổ chức và xã hội cùng được hưởng lợi.
Trong một giai đoạn đang được mô tả nhan nhản trên báo chí là tha hoá, mất niềm tin, vô cảm… ông có thấy vô vọng? Là một người làm giáo dục, ông chia sẻ điều này thế nào với những người trẻ để họ có thêm niềm tin?
Cuộc đời ai cũng có thể gặp khó khăn, khủng hoảng, đó là chuyện thường tình. Tuy nhiên, thỉnh thoảng gặp những khó khăn vô lý do những thứ phi lý gây ra cũng làm tôi hơi “oải”. Nhưng vô vọng thì không, vì nếu mọi thứ càng tệ hại, càng đi xuống thì càng có nhiều thứ cần làm và mỗi người càng phải dấn thân, càng phải làm điều gì đó.
Mỗi người chỉ có một cuộc đời, do đó phải biết rõ là mình sẽ dùng đời mình vào việc gì và việc đó có đáng để dùng không. Khi mọi thứ hỗn loạn mà mình lại dùng cuộc đời mình vào những việc mà mình tin là đúng và tốt thì nó càng có nghĩa hơn. Người ta chỉ vô vọng khi chẳng biết làm gì cả hay khi đặt ra cho mình quá nhiều điều to tát nhưng lại không làm được. Khi mình có lẽ sống rõ ràng, phù hợp và lẽ sống đó chứa đựng lẽ phải và nó được hiển hiện ngay trong công việc và cuộc sống hàng ngày, thì bản thân điều đó đã là một cuộc sống có ý nghĩa. Và khi ý thức rõ được giá trị của mình với cuộc đời thì cũng là lúc mình có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Theo Ngân Hà
Chân dung hội họa: Hoàng Tường