Giản Tư Trung lo ngại... “bẫy doanh trí trung bình”
“Doanh trí” Việt dưới góc nhìn Giản Tư Trung.
- 20-03-2013Giản Tư Trung: Chân lý không thuộc về số đông hay kẻ mạnh
- 13-03-2012Chuyên gia Giản Tư Trung phân biệt doanh nhân, trọc phú, con buôn
- 17-02-2012Doanh nhân Giản Tư Trung: Xài tiền khó hơn kiếm tiền?
- 06-02-2012Doanh nhân Giản Tư Trung: Để chạm vào hạnh phúc
PV đã có cuộc trò chuyện về vấn đề “doanh trí” Việt Nam với ông Giản Tư Trung - người sáng lập - Giám đốc Trường Doanh nhân PACE và Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED. Cuộc trò chuyện diễn ra trong một phòng học nhỏ, giữa bàn và ghế, nơi không có bục giảng như mọi mô hình giáo dục thông thường…
Ông vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vinh danh là Lãnh đạo trẻ toàn cầu trong vai trò một nhà hoạt động giáo dục. Nhưng trong suốt buổi nói chuyện, ông không hề muốn nhắc tới chuyện đó. Bởi theo ông, với một bài báo thì nên chia sẻ những gì hướng tới độc giả và phù hợp với độc giả sẽ tốt hơn.
Lo ngại... “bẫy doanh trí trung bình”
- Một trong những “ngọn cờ” mà Trường PACE đã phất lên ngay từ những ngày đầu thành lập cho đến nay là “doanh trí” và “thực học”. Sau 12 năm, bức tranh “doanh trí” của doanh giới VN đã có nhiều thay đổi hay chưa, và điều này có liên quan như thế nào đến lịch sử kinh thương, thưa ông?
Tôi có thể nói rằng, trong hơn một thập niên qua, tuy doanh trí VN đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng vẫn còn một khoảng cách không nhỏ so với doanh trí thế giới, nhất là doanh trí tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển.
Nếu có sự so sánh mối tương quan giữa hiện trạng doanh trí này với lịch sử kinh thương của ta thì thấy rằng hiện trạng doanh trí như thế cũng là chuyện bình thường. Nhìn lại mấy ngàn năm dưới thời phong kiến, với tư tưởng “trọng nông, ức thương” và với sự phân tầng “sỹ, nông, công, thương, binh” thì vị thế của những người làm kinh doanh rất thấp. Mãi đến đầu thế kỷ 20, chúng ta mới có một lớp doanh nhân đầu tiên với Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi…
Nhưng sau đó, do lịch sử, thế hệ doanh nhân này phải dừng bước. Sau đó, đến năm 1954 thì đất nước bị chia cắt thành 2 miền. Ở miền Bắc xây dựng CNXH nên không có kinh doanh. Còn ở miền Nam tuy có phát triển kinh doanh, nhưng vẫn chưa có một nền kinh thương đúng nghĩa, mà vẫn là một nền kinh thương nặng về phục vụ chiến tranh.
Sau năm 1975, khi đất nước đã thống nhất, kinh doanh bị xóa sạch, mãi đến 15 năm sau, năm 1990, Luật DN tư nhân và Luật Cty mới ra đời. Nhưng lúc này kinh doanh vẫn chưa được khuyến khích phát triển, vì trong giai đoạn này thành lập DN vẫn rất khó khăn và tinh thần cơ bản của Luật năm 1990 vẫn là “người dân chỉ được làm những gì mà luật cho phép”. Mãi đến năm 1999, Luật DN ra đời mang trong mình tư tưởng có tính cách mạng so với luật năm 1990, đó là “người dân được làm tất cả mọi việc mà pháp luật không cấm” thì kinh doanh mới bắt đầu bùng phát.
Như vậy, kể từ năm 2.000 thì VN mới thực sự bắt đầu khuyến khích người dân bước vào kinh doanh. Nếu năm 2001 cả nước có khoảng 30.000 DN thì đến năm 2011, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, cả nước có khoảng 600.000 DN. Số lượng DN tăng khoảng 20 lần sau hơn 10 năm, một tốc độ phát triển có thể nói là khủng khiếp.
Nhà nhà đã lao vào kinh doanh, người người làm kinh doanh, kinh doanh bằng tất cả sự khát khao và cả hồn nhiên của mình. Trong bối cảnh bộc phát về số lượng DN như vậy, nhưng suốt mấy chục năm nay, chúng ta chưa có sự chuẩn bị thực sự cho ngày này. Nên nếu doanh trí còn chưa cao, phát triển dựa vào chủ nghĩa nghiệm và nếu đa phần các DN vừa thiếu vừa yếu về năng lực quản trị, tầm vóc văn hóa thì cũng là điều dễ hiểu.
- Bức tranh ông đưa ra có vẻ đượm màu sắc bi quan ?
Không hẳn! Tuy doanh trí VN còn có một khoảng cách so với thế giới, nhưng mặt khác, chúng ta vẫn có những điều đáng để lạc quan, để vui. Đó là tốc độ phát triển doanh trí ở VN rất nhanh, nhanh đến mức khiến cả thế giới phải kinh ngạc. Có những điều mà thế giới có khi đã mất cả trăm năm hình thành, thì ở ta, đôi khi chỉ 5-10 năm là doanh giới đã sự hiểu khá phổ biến về điều đó.
- Có thể ví dụ rõ hơn, thưa ông ?
Chẳng hạn, ở thập niên 90, có rất ít, nếu không muốn nói là hầu như không có mấy DN hiểu khái niệm “thương hiệu” là gì. Nhưng chỉ khoảng 10 năm sau, chúng ta đã có thương hiệu quốc gia và nhiều DN đã mon men đến tầm cỡ quốc tế. Hay nếu như đầu những năm 2000, khái niệm “văn hóa DN” rất ít được đề cập trong cộng đồng DN, cũng ít ai biết và quan tâm, thì nay nhiều DN, nhất là những DN có mục tiêu phát triển bền vững, vấn đề “văn hóa DN” rất được coi trọng…
- Nói như vậy, có cần thiết phải lo ngại về khoảng cách doanh trí của doanh giới VN so với thế giới ?
Tôi nghĩ vẫn rất lo ngại. Bởi lẽ, như chúng ta biết, việc từ một quốc gia kém phát triển có thu nhập thấp trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình thì không quá khó, có lẽ không cần phải đổi mới gì ghê gớm lắm. Nhưng từ một quốc gia đang phát triển trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao thì vô cùng khó khăn, rất ít quốc gia làm được, nên cứ nằm mãi ở nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, cái này gọi là “bẫy thu nhập trung bình”.
Tương tự như vậy, việc có tốc độ phát triển doanh trí nhanh đột phá trong giai đoạn đầu thì không có nghĩa là sẽ phát triển doanh trí nhanh trong giai đoạn tiếp theo và bắt kịp thế giới. Cái này cũng có gọi là “bẫy doanh trí trung bình”. Khi vừa mới hội nhập với thế giới chúng ta dễ rơi vào cảm giác bị choáng ngợp và thấy học được rất nhiều, rất nhanh và học được đủ mọi thứ. Nhưng thực chất thì không hẳn vậy. Chúng ta chỉ mới “xóa đói”, chứ chưa “giảm nghèo” hay “giàu nhanh” về doanh trí được. Vì có những thứ thuộc về chiều sâu như cái gì làm nên tầm vóc văn hóa và năng lực lãnh đạo của một doanh nhân, cái gì tạo nên một nền văn minh kinh thương… thì không thể học dễ dàng và nhanh chóng.
- Một số ví dụ minh họa để so sánh giữa sự học của các doanh nhân thế giới và các doanh nhân Việt hiện nay, thưa ông ?
Tôi có dịp tiếp xúc với rất nhiều CEO quốc tế đang làm việc tại các tập đoàn trên thế giới, tôi thấy họ đọc sách khá nhiều, nhất là sách về quản lý và lãnh đạo. Nhưng khi tiếp xúc với nhiều doanh nhân trong nước, tôi vẫn có cảm nhận là các anh chị vẫn đọc sách chưa nhiều.
Một ví dụ nữa là một tựa sách hay về quản trị ở Singapore có thể xuất bản hàng trăm ngàn bản dù dân số Singapore chỉ có khoảng 4 triệu người, trong khi cũng tựa sách đó xuất bản ở VN bằng bản tiếng Việt chỉ có vài ngàn bản mà bán vẫn rất khó khăn dù dân số của mình là gần 90 triệu dân và khoảng 600.000 DN. Có nhiều người cho rằng, bây giờ người ta không cần đọc sách chỉ lên internet là có đủ thứ. Cái này tôi chưa đồng ý lắm. Đành rằng lên Internet là có đủ thứ nhưng những thứ nền tảng vẫn nằm ở trong sách nhiều hơn. Và đó cũng là lý do vì sao mà doanh nhân thế giới họ vẫn có thể lấy mọi thứ từ Internet, nhưng họ vẫn mua sách và đọc sách rất nhiều.
Lỗ hổng khoa học lãnh đạo
- Vậy theo ông lỗ hổng lớn nhất của doanh trí là ở khía cạnh nào?
Lỗ hổng lớn nhất của doanh nhân nói chung là khoa học lãnh đạo và tầm vóc văn hóa, trong đó lỗ hổng về tầm vóc văn hóa là cái đáng quan tâm nhất. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lỗ hổng này là do kết quả của nền giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, và cả nền tảng văn hóa và dân tộc tính của quốc gia.
- Xin được hỏi ông, dù có thể đường đột, vậy Trường PACE được lập ra để góp phần thay đổi nền tảng văn hóa của các doanh nhân?
Tốc độ phát triển doanh trí ở VN rất nhanh, nhanh đến mức khiến cả thế giới phải kinh ngạc.
Nâng cao năng lực lãnh đạo và nền tảng văn hóa của doanh nhân là cái đích mà quá trình đồng hành của nhà trường cùng sự học của các doanh nhân hướng đến. Và chúng tôi cùng doanh nhân hướng đến sự học để thay đổi tư tưởng và nhận thức, tư duy và tầm nhìn. Nhà trường không tập trung nhiều vào các kỹ thuật, nghiệp vụ, các kỹ năng, kỹ xảo hay mẹo vặt. Nói cách khác, học viên và nhà trường cùng hướng đến việc học “thức” chứ không học “chiêu”.
- Vậy 12 năm, ông có hài lòng với chất lượng đào tạo của Trường PACE?
Chúng tôi chỉ chăm lo cho sự học của các doanh nhân, các nhà quản lý trên khắp mọi miền của đất nước, và cả cán bộ quản lý của các cơ quan nhà nước ở TƯ và các tỉnh thành. Tuy nhiên, tôi chưa thật sự hài lòng. Tôi chỉ tin rằng nhà trường đã làm hết sức mình, đã làm tốt nhất có thể trong điều kiện hoàn cảnh của mình mà thôi. Và tôi nghĩ trong giáo dục thì không bao giờ được hài lòng hay thỏa mãn với chất lượng đào tạo, ngay cả những trường ĐH hàng đầu thế giới họ cũng không dám nhìn nhận là chất lượng tốt.
- Với cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay, chỉ trong 2012 có hơn 100.000 DN phá sản. Ông có chia sẻ gì với doanh giới trong bối cảnh này?
Cuộc khủng hoảng hiện nay, ngoài nguyên nhân vĩ mô của việc điều hành nền kinh tế, còn có cả nguyên nhân vi mô từ phía các các DN, trong đó có vấn đề về doanh trí. Có những bài học vỡ lòng về quản trị có thể dễ dàng học từ sách, từ trường như “năng lực cốt lõi”, “giá trị nền tảng”… nhưng rốt cuộc là cũng không dễ để học được.
Có lẽ mỗi doanh nhân và cả doanh giới sẽ học được nhiều bài học lớn, nhiều bài học đớn đau từ cuộc khủng hoảng lần này. Và để nâng cao doanh trí của chính mình và của doanh giới thì vẫn phải dựa vào sự học. Và sự học ở đây không nhất thiết là cứ phải đến trường mới gọi là học, mà có thể tự học từ sách, từ đồng nghiệp, từ internet, từ những nhân vật có uy tín… và nhất là từ trải nghiệm của cá nhân.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Lê Mỹ