MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người luyện thi công chức thuế: Tôi không có bí kíp nào cả

11-09-2014 - 09:08 AM |

Chiều 10/9, bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, người trực tiếp tham gia giảng dạy lớp luyện thi công chức thuế có cuộc trao đổi với chúng tôi.

Được biết, bà tham gia giảng dạy các khóa luyện thi, qua các buổi học có kiểm tra, đánh giá chất lượng ứng viên năm nay?

Gọi là ôn thi thì không hẳn, ở đây tôi tham gia hướng dẫn các nội dung cần thiết của thuế cho các thí sinh. Trong thời gian ngắn, tôi giúp các bạn hiểu cơ bản về thuế. Tôi làm nhiều rồi tôi biết, tóm lại cái nào là cơ bản nhất. Qua thời gian dạy, tôi thấy đối tượng học đa dạng, trình độ khác nhau, khi tôi đặt câu hỏi kiến thức sâu để kiểm tra trình độ thí sinh thấy rất ít bạn trả lời được.

Các ứng viên tham gia ôn luyện có kỳ vọng giảng viên từng là lãnh đạo trong ngành thuế sẽ truyền được một số bí kíp để thi?

Tôi không có bí kíp nào cả, tôi chỉ dạy họ có được kiến thức gốc và cách ghi nhớ kiến thức đó. Tôi cũng nói luôn với các thí sinh rằng nếu họ vào đây để tìm được câu hỏi thi thì không bao giờ có, vì tôi không liên quan đến cuộc thi. Hơn nữa những người làm đề thi không dại gì họ lộ đề để mất chức của họ. Sau khi nghe tôi giảng, rất nhiều học sinh đã bày tỏ sự cảm ơn, có học viên còn viết thư cảm ơn khiến tôi rưng rưng.

Người luyện thi công chức thuế: Tôi không có bí kíp nào cả (1)
Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế

Dư luận cho rằng, thi công chức thuế trở thành cơ hội cho đơn vị tổ chức kiếm tiền tỷ trong việc mở lò luyện thi, bà nghĩ sao?

Tôi là người đi giảng và được trả tiền giảng rồi khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Làm sao mà tôi liên quan thu tiền của thí sinh được.

Mỗi khóa bà được trả bao nhiêu?

Tôi được trả bình thường và trừ thuế thu nhập 10% đầy đủ.

Nhiều ứng viên cho hay, họ lo lắng nên theo học một lúc nhiều trung tâm, mất tiền, mệt mỏi, bà khuyên họ điều gì?

Tôi chỉ khuyên họ chăm chỉ học. Tôi nghĩ ai cũng muốn có cơ hội thi đỗ. Nhưng tôi cũng nói, không phải 100% thí sinh theo học tôi sẽ thi đỗ, còn phụ thuộc vào việc học của các bạn. Còn tôi chẳng quảng cáo gì về lớp học cũng không quảng cáo gì về mình. Thậm chí, tới hôm qua tôi mới biết lịch thi, ngày thi. Tuy nhiên, tôi cũng biết có người chạy sô học cả ở Hiệp hội kế toán, học cả TP Hồ Chí Minh sau đó bay ra Hà Nội để được học lớp tôi giảng.

Bà nghĩ sao khi thi công chức mà các đơn vị tổ chức ôn luyện rầm rộ, tốn kém tiền của như ôn thi đại học?

Thực ra, vấn đề ôn thi là bình thường. Ví dụ, thi cấp chứng chỉ ngành thuế, thi chuyên viên chính… vẫn phải ôn thi bình thường, vì phải hệ thống lại kiến thức.

Nhiều ý kiến cho rằng, các trung tâm đã lợi dụng thời cơ tổ chức lớp luyện thi để kiếm lợi, chất lượng thì không ai đánh giá được theo bà thì sao?

Tôi nghĩ, tôi là giảng viên có chất lượng. Còn dạy và học là vấn đề cung cầu, không ai bắt ép ai cả. Bây giờ trong cơ chế đào tạo như thế là bình thường, như ở Cục thuế Hà Nội người ta bán tài liệu mấy trăm nghìn/bộ. Hay bây giờ muốn mua tài liệu ôn thi lên mạng người ta bán đầy rẫy.

Ngành thuế cấm cán bộ trong ngành dạy ôn thi, bà từng là cán bộ của ngành khi được mời giảng dạy bà có suy nghĩ đắn đo hay nhận lời ngay?

Thu xếp được thì tôi nhận lời. Tôi đã về hưu 7 năm rồi, tôi không liên quan đến ngành nữa. Tôi chỉ nghĩ đơn thuần tôi là người tâm huyết muốn truyền kiến thức về thuế cho thí sinh. Còn nếu làm vì tiền thì tôi không làm ở Hội tư vấn thuế Việt Nam, có doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng trả 5.000 USD/tháng. Nhưng hội đó, họ luôn cần mình tư vấn làm sao để phải trả thuế thấp nhất, tôi từng là lãnh đạo tôi không thích làm việc đó.

Các năm trước bà có tham gia ôn luyện thi không?

Khi họ có nhu cầu tôi lại tham gia.

Cảm ơn bà!

>> Vì sao công chức lương thấp vẫn chen nhau làm?

Theo Nguyễn Hà

anhnt

Tiền phong

Trở lên trên