Nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu tiếp tục tăng mạnh
Điều đáng chú ý là hai nhóm hàng này được nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc.
- 29-05-2017Chi gần 9.000 tỷ đồng nhập thuốc trừ sâu trong 5 tháng
- 03-04-2017Nhập khẩu thuốc trừ sâu tăng trở lại
- 31-08-2016Thực hư chuyện cá rô phi nuôi bằng thuốc trừ sâu
Mặc dù trong 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản tăng trưởng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng nhập khẩu những nhóm hàng phục vụ cho ngành nông nghiệp còn tăng cao hơn. Cụ thể: nhập khẩu phân bón tăng 24% và nhập khẩu thuốc trừ sâu tăng mạnh 41,8%; điều đáng chú ý là hai nhóm hàng này được nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc.
Hiện nhu cầu phân bón của Việt Nam khoảng 11 triệu tấn/năm, trong đó, 90% là phân vô cơ; tuy nhiên, sản xuất trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, nên vẫn phải nhập khẩu. Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, lượng phân bón nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2017 tăng 32% về lượng và tăng 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016 (đạt trên 2 triệu tấn, trị giá 546,2 triệu USD).
Trong đó, nhập khẩu phân Urê tăng mạnh nhất, tăng hơn 22% về lượng và hơn 32% về trị giá so với cùng kỳ (đạt 230.000 tấn, trị giá 60 triệu USD).
Việt Nam nhập khẩu phân bón chủ yếu từ 17 thị trường trên thế giới, trong đó chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, chiếm 38% tổng lượng phân bón nhập khẩu của cả nước, đạt 768.834 tấn, trị giá 198,3 triệu USD (tăng 4% về lượng nhưng giảm 0,3% về trị giá so với cùng kỳ).
Nhập khẩu phân bón từ thị trường Nga – thị trường lớn thứ hai về kim ngạch, tăng mạnh 131% về lượng và tăng 99% về trị giá so với cùng kỳ (đạt 241.747 tấn, trị giá 73,6 triệu USD); tiếp đến thị trường Belrut cũng tăng tới 71% về lượng và tăng 44% về trị giá (đạt 153.303 tấn, trị giá 39,7 triệu USD).
Các thị trường chủ yếu cung cấp phân bón nhập khẩu cho Việt Nam
Philippines là thị trường đáng chú ý nhất trong 5 tháng đầu năm 2017, do lượng phân bón nhập khẩu tăng đột biến gấp hơn 9 lần về lượng và gấp gần 8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ, mặc dù lượng nhập chỉ đạt 26.200 tấn, trị giá 10,1 triệu USD. Ngược lại, nhập khẩu phân bón từ Thái Lan lại sụt giảm mạnh 52,7% về lượng và giảm 25% về trị giá (đạt 11.670 tấn, trị giá 3,9 triệu USD.
Lượng phân bón nhập khẩu từ thị trường Indonesia, Đức và Hoa Kỳ cũng tăng mạnh, với mức tăng tương ứng 106,4%, 95,7% và 74,5% so với cùng kỳ.
Một trong những lý do làm phân bón nhập khẩu tăng vọt (chủ yếu nhập từ Trung Quốc), là do trong thời gian qua đồng NDT của Trung Quốc mất giá so với USD, nên giá phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn so với phân bón trong nước.
Bên cạnh đó, 2 trong 4 nhà máy sản xuất Urê thuộc Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) sử dụng nguyên liệu đầu vào là than đá, nên khi giá than đá tăng đã đẩy giá thành sản xuất phân Urê tăng, làm giảm tính cạnh tranh so với Urê nhập khẩu. Nhà máy sản xuất phân Ure đã bị thua lỗ trong những năm qua, làm cho nguồn cung trong nước giảm. Do vậy, doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Chính vì lượng phân bón nhập khẩu Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam khiến thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón trong nước gửi hồ sơ đến Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu có mã HS: 3105.10.10, 3105.10.20, 3105.10.90, 3105.20.00, 3105.30.00, 3105.40.00, 3105.51.00, 3105.59.00, 3105.90.00. Đây là những sản phẩm dùng cho phân bón lót, bón thúc cho các loại cây trồng trên các loại đất khác nhau hoặc để sử dụng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các loại phân bón khác.
Ngày 12/5/2017, Bộ Công Thương đã có Quyết định 1682A/QĐ-BTC điều tra áp dụng thuế biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phân bón DAP nhập vào Việt Nam từ các nước, vùng lãnh thổ khác nhau.
Bên cạnh mặt hàng phân bón, thì nhập khẩu thuốc trừ sâu 5 tháng đầu năm còn tăng mạnh hơn, tăng 41,8% so với cùng kỳ, đạt 405,5 triệu USD. Nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm 55% trong tổng lượng phân bón nhâp khẩu của cả nước và chiếm 49% trong tổng kim ngạch. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập ở một số nước khác như Thái Lan 21,1 triệu tấn, Đức 27,9 triệu tấn, Ấn Độ 24,9 triệu tấn, Singapore 20,3 triệu tấn …