Nhật Bản cảnh báo can thiệp tiền tệ mạnh mẽ do yen chạm đáy 34 năm
Đồng yên Nhật đã chạm mức thấp nhất kể từ giữa năm 1990 - thời điểm bong bóng tài sản nước này vỡ tung, kéo theo đó là hàng thập kỷ kinh tế trì trệ.
- 27-03-2024Người Việt đổ xô du lịch Nhật Bản
Chiều thứ Tư (27/3), trong phiên giao dịch ở châu Á, yen Nhật có lúc xuống mức 151,97 JPY/USD, giảm khoảng 0,2% so với phiên trước và là mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 1990, trong bối cảnh dữ liệu mạnh mẽ của Mỹ đẩy USD tăng nhanh. Tỷ giá này thậm chí còn thấp hơn mức 151,94 JPY vào tháng 10 năm 2022 khi chính phủ Nhật Bản can thiệp bằng cách mua yen vào.
Đồng yên yếu đi khiến hàng nhập khẩu vào Nhật Bản trở nên đắt đỏ hơn, thúc đẩy lạm phát và khiến hàng xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ tư thế giới trở nên rẻ hơn.
Các nhà đầu tư Nhật Bản cũng có thể thu được lợi nhuận cao hơn nhiều ở nước ngoài, làm mất đi sự hỗ trợ của đồng yên từ dòng vốn hồi hương.
Các chiến lược gia ngoại hối của Ngân hàng Quốc gia Australia cho biết những gợn sóng từ đồng yên yếu đang được cảm nhận ở những nơi khác và lưu ý rằng sự sụt giảm mạnh gần đây của đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể là một phản ứng chính sách nhằm bảo vệ khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Chiến lược gia Rodrigo Catril của Ngân hàng Quốc gia Australia cho biết: “Thị trường rất nhạy cảm khi yen giảm xuống khoảng 152 JPY/USD”. “Nếu giá xuống dưới mức đó thì khả năng can thiệp sẽ cao hơn nhiều như những gì đã từng xảy ra trong lịch sử gần đây.”
Chiến lược gia Rodrigo Catril của NAB cho biết: “Đây không chỉ là câu chuyện về đồng yên. Nó có hiệu ứng domino gây ra rủi ro giảm giá cho các loại tiền tệ khác”.
Tính từ đầu quý I đến nay, đồng yen đã giảm hơn 7%, là đồng tiền giảm mạnh nhất so với USD, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tuần trước vừa kết thúc chính sách lãi suất âm kéo dài suốt 17 năm. Điều này mặc dù trên lý thuyết được cho là trái quy luật (lãi suất tăng – tiền tệ tăng giá), nhưng đã được giới phân tích dự báo từ trước, do sự chênh lệch lãi suất giữa một bên là lãi suất vẫn còn siêu thấp của Nhật Bản và một bên là lãi suất ở mức cao nhất 23 năm ở Mỹ.
“Đồng yên vẫn là một đồng tiền cấp vốn (funding currency, chỉ đồng tiền có lãi suất thấp hơn thường được dùng trong giao dịch chênh lệch lãi suất - carry trade, trong đó các nhà đầu tư vay bằng loại tiền có lãi suất thấp và đầu tư số tiền thu được vào loại tiền có lãi suất cao hơn), và có thể tiếp tục được sử dụng phổ biến cho giao dịch chênh lệch lãi suất”, chiến lược gia trưởng Shoki Omori của công ty chứng khoán Mizuho Securities cho biết.
Theo ông Omori: “Khối lượng mua trái phiếu của BOJ về cơ bản vẫn duy trì, do đó đồng nghĩa BOJ không thực sự chuyển sang một lập trường cứng rắn”.
Nhật Bản trở thành nước lớn cuối cùng trên thế giới chấm dứt lãi suất âm, đánh dấu bước dịch chuyển lịch sử khỏi chương trình siêu nới lỏng tiền tệ được triển khai để ứng phó tình trạng giảm phát nhiều năm trước. Theo đó, lãi suất ngắn hạn được điều chỉnh từ mức âm 0,1% lên 0-0,1%, lần tăng đầu tiên kể từ 2007. Cơ sở để BOJ điều chỉnh chính sách tiền tệ là tiền lương và lạm phát ở Nhật Bản đang tăng rõ rệt sau nhiều năm nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chìm trong giảm phát. Ngoài ra, giới đầu tư đã ngày càng trở nên tin tưởng hơn về triển vọng kinh tế Nhật Bản. Tháng 2 năm nay, chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản cuối cùng đã vượt qua mức đỉnh thiết lập cách đây 34 năm.
Thị trường hiện tin rằng đợt tăng lãi suất tiếp theo của BOJ có thể sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Chính quyền Nhật Bản năm 2022 đã từng vào cuộc để bảo vệ đồng yên khi giảm xuống mức 151,94, và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản hôm thứ Tư (27/3) đã sử dụng những lời tương tự như lần đã từng can thiệp đó.
Bộ trưởng tài chính Nhật Bản, ông Shunichi Suzuki, ngày 27/3 đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ nhất về sự suy yếu của đồng yên khi nó giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng đô la, nói rằng chính quyền có thể thực hiện "các bước quyết định", ngôn ngữ được sử dụng trước đây trước khi can thiệp.
Ông Suzuki cho biết chính phủ đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến của thị trường với mức độ khẩn cấp cao sau sự sụt giảm của đồng yên.
Cách đây một năm rưỡi, ông Suzuki đã từng sử dụng cụm từ “những bước đi quyết đoán” vào mùa thu năm 2022 khi Nhật Bản can thiệp lần gần đây nhất vào thị trường để ngăn chặn sự yếu kém của đồng tiền của mình.
Christopher Wong, chiến lược gia tiền tệ của OCBC ở Singapore, cho biết: “Tôi cho rằng thị trường đang thận trọng xem xét Tokyo sẽ có động thái gì”. “Tôi nghĩ rằng rủi ro can thiệp là khá cao, bởi vì đây là một chu kỳ thấp mới của đồng yen. Và với những cảnh báo cho đến nay, tôi nghĩ rằng nếu Tokyo (không) hành động, điều đó sẽ chỉ khuyến khích mọi người đẩy (yên/đô la) giảm nhiều hơn nữa trong vài ngày tới."
Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda cũng ngày 27/3 cho biết ngân hàng trung ương cũng sẽ theo dõi chặt chẽ các biến động tiền tệ và tác động của chúng đối với sự phát triển kinh tế và giá cả.
“Biến động tiền tệ là một trong những yếu tố có tác động lớn đến nền kinh tế và giá cả”, ông Ueda nói trước Quốc hội khi được hỏi về sự sụt giảm mạnh gần đây của đồng yên.
Tham khảo: rte.ie
Nhịp sống thị trường