MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật Bản lấy tiền đâu mà nuôi người già?

29-09-2017 - 09:11 AM | Tài chính quốc tế

Những người trẻ Nhật không thể đi làm để nuôi những người về hưu già mãi được, đã đến lúc chính phủ phải hành động nếu không muốn một ngày dân số Nhật hoàn toàn biến mất.

Khi nói đến nợ của Nhật, nhiều người thường nói đến vấn đề tài khóa. Ai cũng biết rằng Nhật có tỷ lệ nợ/GDP khá cao, tuy nhiên vấn đề nợ của Nhật khác hơn so với các nước khác rất nhiều.

Tỷ lệ nợ/GDP của Nhật thậm chí còn cao gấp đôi của Mỹ, chính vì vậy nhiều người không khỏi đặt câu hỏi là khi nào Nhật sẽ vỡ nợ. Nhiều người tin rằng việc vỡ nợ sẽ xảy ra khi mà không còn nhà đầu tư nội địa nào bỏ tiền ra đầu tư vào trái phiếu chính phủ khiến lãi suất trái phiếu tăng cao.

Nhiều người cho rằng Ngân hàng Trung ương Nhật đơn giản chỉ cần in tiền và sau đó mua trái phiếu chính phủ mà không lo gây ra siêu lạm phát. Tuy nhiên nhiều chuyên gia phân tích khác khẳng định rằng nợ của Nhật thực ra không lớn như những con số công bố bởi phần lớn nợ không do công chúng nắm giữ mà do nhiều kênh khác nhau của chính phủ Nhật sở hữu.

Vấn đề thanh khoản vô cùng quan trọng. Phần lớn nợ của chính phủ Nhật do người Nhật nắm giữ, chính vì vậy chính phủ Nhật không phải quá lo lắng về việc trả nợ cho người ngoài. Đơn giản nó chỉ là vấn đề phân phối nguồn lực kinh tế giữa người Nhật với nhau.

Nếu ngày mai, chính phủ Nhật vỡ nợ, chắc chắn hệ thống tài chính Nhật sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và suy thoái kinh tế sẽ xảy ra. Tuy nhiên, chính người dân Nhật sẽ phải chịu ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc nhất, họ sẽ nhận ra mình đang nghèo đi .

Về cơ bản, kinh tế Nhật cũng sẽ không yếu đi nhiều, nhà xưởng, đất đai và trình độ công nghệ của Nhật vẫn còn đó, thế nhưng những lời hứa của chính phủ Nhật về việc ai sẽ được hưởng thành quả của nền kinh tế sẽ không được đảm bảo.

Vấn đề đối với nước Nhật hiện nay không nằm ở rủi ro vỡ nợ mà nằm ở việc chính phủ Nhật đã hứa hẹn quá nhiều về việc chuyển thành quả tăng trưởng của nền kinh tế từ những người trẻ tuổi đang còn đi làm sang người già và về hưu – nhóm đối tượng đang nắm rất nhiều trái phiếu Nhật.

Giờ đây khi Nhật đang có quá nhiều người già và không nhiều người trẻ (27% dân số trên tuổi 65), việc chính phủ chuyển quá nhiều nguồn lực từ người trẻ sang phục vụ cho người già đang gây ra quá nhiều gánh nặng tài chính.

Buộc nhóm lực lượng lao động trẻ vốn ngày càng teo nhỏ thực hiện lời hứa của chính phủ với nhóm người về hưu già cho thấy đó là một lựa chọn chính sách ngày càng không phù hợp. Và nếu tình trạng đó vẫn tiếp diễn, người trẻ càng thấy gánh nặng sinh con ngày một nặng nề, tỷ lệ sinh càng giảm và khủng hoảng nhân khẩu học của Nhật ngày càng tồi tệ.

Chính vì vậy, đã đến lúc chính phủ Nhật phải nghĩ đến cách làm cho những người già thuộc thời kỳ “bùng nổ trẻ em” sau chiến tranh nghèo bớt đi và những thế hệ người trẻ còn đang đi làm trở nên giàu có hơn.

Việc tăng thuế như chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe từng làm và đang có kế hoạch sẽ chỉ khiến cho người trẻ trở nên nghèo hơn. Chính phủ đang lấy bớt tiền của người trẻ để phục vụ cho người già. Lựa chọn tốt hơn sẽ là giảm bớt chi tiêu công.

Không ít chuyên gia phân tích nhớ lại một số dự án hạ tầng tốn kém của Nhật vào thập niên 1990, chính vì vậy họ đang kêu gọi cắt giảm chi tiêu công. Tuy nhiên thực tế, chính phủ Nhật đã và đang làm điều này rồi, đầu tư chính phủ Nhật hiện chỉ bằng một nửa so với ngưỡng của thời kỳ đó (nếu tính trong tổng GDP). Cùng lúc đó, việc chi tiêu cho các dự án hạ tầng thực ra có lợi cho cả người trẻ và người già, chính vì thế cắt giảm chi tiêu không phải cách tốt để giảm bớt gánh nặng cho người trẻ.

Xã hội Nhật vẫn bị áp đảo bởi người già, chính vì vậy để thay đổi được việc chuyển ngân sách chi tiêu từ đâu sang đâu không phải điều dễ dàng. Gánh nặng cực lớn của ngân sách Nhật hiện nay nằm chính ở hệ thống bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe, việc chi tiêu quá nhiều đang chuyển bớt tài sản từ giới trẻ sang giới già. Ai cũng biết vậy nhưng thay đổi được cách chi tiêu đó cực kỳ khó.

Ngoài ra, cũng còn lý do khác. Hiện nay, Nhật đang có hệ thống y tế chi phí thấp và hiệu quả nhất thế giới, nhưng chi phí tăng quá cao là bởi số lượng người già quá đông.

Các nhà hoạch định chính sách và giới nghiên cứu Nhật đang rất cố gắng để nghĩ ra cách giảm bớt chi phí y tế mà gây ra ít tác động nhất đến lực lượng dân số già. Một trong những giải pháp đang được cân nhắc chính là hạn chế bớt chế độ chăm sóc mà người già được hưởng.

Như vậy, ít nhất các nhà hoạch định chính sách Nhật đang có bước tiến nhất định trong việc phân phối lại nguồn tiền trong xã hội. Tuy nhiên ngay cả khi thực hiện các biện pháp này, nước Nhật cũng đang đối diện với rủi ro khi cắt giảm phúc lợi xã hội, người già nghèo khó sẽ chịu thiệt nhiều nhất. Chính phủ Nhật có thể giảm thiểu việc này bằng cách điều chỉnh chính sách theo hướng giảm phúc lợi cho những người về hưu giàu có.

Chắc chắn, người trẻ Nhật không thể nào chịu được mãi những lời hứa mà các nhà chính trị gia Nhật đã hứa với người về hưu từ cách đây mấy thập kỷ. Việc tăng thuế không phải giải pháp, việc vỡ nợ sẽ gây ra nhiều hậu quả tồi tệ. Giảm lương hưu và phúc lợi đối với những người về hưu giàu có dù có gây ra tâm lý xáo trộn nhất định, nhưng chắc chắn là lựa chọn đỡ tồi tệ nhất.

Theo Trung Mến

BizLive

Trở lên trên