Nhật Bản tổn thất 2,2 tỷ giờ lao động do nền nhiệt cực cao
Nhật Bản đã mất 2,2 tỷ giờ lao động do nắng nóng khắc nghiệt vào năm 2023, tăng 50% so với mức trung bình hàng năm trong những năm 1990.
- 08-11-2024Thị trấn Nhật Bản chào đón em bé đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ
- 08-11-2024Hãng ô tô lớn thứ 3 Nhật Bản sắp sa thải 9.000 nhân viên, CEO tự nguyện giảm 50% lương: Chuyện gì đang xảy ra?
- 08-11-2024Thu nhập thực chất của người lao động Nhật Bản tiếp tục giảm
Theo đó, Nhật Bản đã phải gánh chịu tổn thất kinh tế tiềm năng là 37,5 tỷ USD - theo báo cáo Lancet Countdown về tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe của con người mới nhất được công bố vào tuần trước.
Trên toàn cầu, số ca tử vong do nắng nóng ở người cao tuổi đã tăng ở mức kỷ lục trong năm 2023. Trong đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất - theo báo cáo theo dõi tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra đối với sức khỏe của người dân.
Năm 2023, Nhật Bản chứng kiến mùa hè nóng nhất trong lịch sử. Và trong năm nay, mức nhiệt ở quốc gia này lại tiếp tục tăng.
Báo cáo thường niên cho biết thế giới đang phải đối mặt với các mối đe dọa gia tăng ở 10 trong số 15 chỉ số sức khỏe. Trong đó, có nhiều ca tử vong do nắng nóng hơn, khả năng lây truyền bệnh sốt xuất huyết tăng lên, tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng gia tăng do tần suất các đợt nắng nóng và hạn hán tăng cao.
Báo cáo cho biết: "Vào năm 2023, trung bình người dân phải hứng chịu thêm 50 ngày nắng nóng đe dọa sức khỏe chưa từng có so với dự kiến trong trường hợp không có biến đổi khí hậu, dẫn đến số ca tử vong hàng năm ở người trên 65 tuổi cao hơn 167% so với những năm 1990".
(Ảnh: Asahi)
Bên cạnh đó, số giờ bị mất ngủ do tiếp xúc với nhiệt độ cao vào năm 2023 cao hơn 6% so với số giờ ngủ bị mất hàng năm từ năm 1986 đến năm 2005. Trong khi đó, báo cáo chỉ ra rằng việc tiếp xúc với nhiệt độ cao đã dẫn đến tình trạng số giờ có thể dành cho hoạt động thể chất và lao động ngoài trời an toàn bị mất cao chưa từng thấy, cũng như tình trạng cảm xúc của mọi người trên toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.
So với thập kỷ đến năm 1960, mức độ phù hợp của khí hậu đối với sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết do muỗi Aedes albopictus - một loài muỗi phổ biến ở các vùng ôn đới bao gồm Nhật Bản - đã tăng 46,3% trong giai đoạn 2014 - 2023. Mức độ phù hợp của muỗi Aedes aegypti - loài thường sinh sản ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới - đã tăng 10,7% trong cùng kỳ, báo cáo cho biết.
Nhật Bản là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tần suất các đợt nắng nóng và hạn hán cao hơn. Báo cáo ước tính rằng từ năm 2014 đến năm 2023, tại Nhật Bản, tổng số ngày nắng nóng hàng năm mà trẻ em dưới 1 tuổi phải trải qua cao gấp 2,4 lần so với nhóm nhân khẩu học tương đương từ năm 1986 đến năm 2005. Trong khi đó, người lớn trên 65 tuổi phải trải qua nhiều ngày nắng nóng hơn gấp 4,7 lần trong cùng khung thời gian.
Về số giờ lao động bị mất, công nhân xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mất 35% số giờ lao động tiềm năng bị tổn thất và mất 41% thu nhập tiềm năng.
Tiến sĩ Takeo Fujiwara - giáo sư y tế công cộng tại Viện Khoa học Tokyo, người không trực tiếp tham gia vào báo cáo Lancet Countdown - cho biết các bác sĩ ở Nhật Bản nên tăng cường những nỗ lực vận động và tuyên truyền.
"Có một tư duy ở Nhật Bản rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra ở đâu đó rất xa" - ông Takeo Fujiwara nói trong một cuộc họp báo vào ngày 1/11 - "Nhưng không ai có thể thoát khỏi tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe, không giống như các rủi ro sức khỏe khác như hút thuốc lá".
VTV