MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều Bí thư tỉnh, TP bày tỏ quyết tâm làm bằng được dự án 70 tỷ USD, 1.541km ở Việt Nam để tạo đột phá

Trong cuộc họp cùng Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội lần thứ XIV của Đảng, các Bí thư Tỉnh ủy cho biết quyết tâm hoàn thành dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Tập trung làm bằng được đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Sáng 1/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì dẫn đầu Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội lần thứ XIV của Đảng làm việc với các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, tại TP. Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh, TP vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đều chung ý kiến về việc cần thiết có đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, hay chí ít là đường sắt tốc độ cao kết nối từ Thanh Hóa đến Bình Thuận ngay trong nhiệm kỳ sau.

Nhiều Bí thư tỉnh, TP bày tỏ quyết tâm làm bằng được dự án 70 tỷ USD, 1.541km ở Việt Nam để tạo đột phá- Ảnh 1.

Hình ảnh từ buổi làm việc. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đề nghị sắp tới phải tập trung làm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Phải nói cho rõ, đưa vào nghị quyết phát triển năm năm tiếp theo phải đạt được cái gì, đó là đường sắt tốc độ cao.

Lãnh đạo các địa phương cho rằng, Đảng ta xác định các khâu đột phá rồi thì cần xác định thêm “đột phá của đột phá” là gì, như trong hạ tầng là giao thông, trong đó dứt khoát hoàn thành đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thì phát biểu rằng trên trục chiều dài đất nước như vậy, để kết nối với nhau nhanh hơn nữa phải có đường sắt tốc độ cao, đây là dự án trọng điểm cần phát triển.

Cùng với đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho rằng, phải giải quyết được câu chuyện về cơ chế, vai trò, vị trí, trách nhiệm của Hội đồng điều phối vùng, nguồn lực cho việc triển khai quy hoạch vùng; tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến cao tốc hiện hữu, ưu tiên đầu tư đoạn đường sắt cao tốc đi qua địa bàn vùng.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những ý kiến đóng góp trên. Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về với kiến nghị nâng cấp đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc, xây dựng đường sắt cao tốc kết nối nội vùng, quốc tế kết nối đồng bộ với các tuyến đường biển, đường thủy nội địa, phát triển đường sắt đô thị.

Quyết tâm cao độ dành cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Ngày 11/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, nguyên tắc, phương pháp luận là phải đột phá, đổi mới với tầm nhìn chiến lược, hiện đại, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết 49.

"Mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035".

Nhiều Bí thư tỉnh, TP bày tỏ quyết tâm làm bằng được dự án 70 tỷ USD, 1.541km ở Việt Nam để tạo đột phá- Ảnh 2.

Ảnh minh họa ga đường sắt tốc độ cao đi qua Đà Nẵng trong tương lai bằng AI ChatGPT

Trước đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49-KL/TW, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 103/2023/QH15, trong đó yêu cầu nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia, tuyến đường sắt trục Đông-Tây; nghiên cứu hoàn thiện Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.

Báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT cho biết giữ nguyên phương án tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến có vận tốc thiết kế 350 km/h, dài khoảng 1.500km, phục vụ cả hành khách lẫn hàng hóa khi cần, trong khi đường sắt Bắc - Nam hiện tại sẽ chuyển sang chủ yếu vận tải hàng, vốn đầu tư khoảng 70 tỷ USD.

Từ các đánh giá phối hợp giữa Bộ GTVT và Tổng cục Thống kê, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được dự báo có thể góp phần tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 1% từ năm 2025 đến năm 2037.

Những động thái mạnh mẽ thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cho thấy nước ta đang đứng trước bước đột phá to lớn về mọi mặt với sự ra đời của mạng lưới đường sắt tốc độ cao.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đem lại những giá trị "đột phá" thế nào?

Công tình này sẽ tạo động lực lan tỏa, tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bổ lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Với ưu thế vận tải khối lượng lớn, thời gian ngắn, tin cậy, thuận tiện, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ "rút ngắn" khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, kết nối các thị trường, tạo ra một hành lang phát triển mới, góp phần giảm áp lực dân số, quá tải hạ tầng tại các đô thị.

Dự án cũng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất, quan trọng bậc nhất của cả nước.

Nhiều Bí thư tỉnh, TP bày tỏ quyết tâm làm bằng được dự án 70 tỷ USD, 1.541km ở Việt Nam để tạo đột phá- Ảnh 3.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhận được nhiều kỳ vọng sẽ sớm được thông qua. Ảnh minh họa bằng AI ChatGPT

Hơn nữa, công trình "khổng lồ" này sẽ tạo ra thị trường cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất thiết bị, toa xe, công nghiệp phụ trợ phát triển, trước mắt đáp ứng nhu cầu sản xuất thiết bị, linh kiện thay thế trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu trong chuỗi cung ứng toàn cầu (ước tính nhu cầu thị trường về toa xe trong nước khoảng 12 tỷ USD).

Nghiên cứu của Hiệp hội đường sắt Thế giới cho thấy đường sắt tốc độ cao là phương thức vận tải bền vững, an toàn, thân thiện và tỷ lệ chiếm dụng đất của đường sắt tốc độ cao ít hơn các phương thức vận tải khác. Việc đưa vào khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ tạo nên phương thức vận tải bền vững, an toàn, tiết kiệm tài nguyên.

Tựu chung lại, việc hình thành nên tuyến vận tải khối lượng lớn, nhanh, an toàn như đường sắt tốc độ cao sẽ không chỉ giải quyết về nhu cầu vận tải mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy phát triển các đô thị dọc tuyến, kết nối các đầu mối kinh tế, phân bổ lại dân cư, tránh tập trung tại 2 cực của đất nước như hiện nay.

Theo Thái Hà

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên