MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều cá nhân thu nhập "khủng" hàng trăm tỷ đồng từ Google, Youtube, Tiktok

29-07-2022 - 15:49 PM | Kinh tế số

Nhiều cá nhân có doanh thu được Google, Facebook hay Youtube trả vài chục đến cả trăm tỷ đồng qua các năm tại TP.HCM, Hà Nội. Bước đầu cơ quan thuế hai địa phương này đã truy thu hàng tỷ đồng tiền thuế.

Truy thu, thu thuế từ thương mại điện tử xuyên biên giới tăng mạnh

Theo báo cáo về số thu thuế của các cá nhân sử dụng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới tại Việt Nam vừa được Bộ Tài chính công bố, trong các năm từ 2017 đến nay, rất nhiều người có thu nhập khủng, bị truy thu thuế.

Cụ thể, tại TP.HCM, năm 2017 bà C.T.T.D (kinh doanh mỹ phẩm bằng hình thức live stream, nhận tiền qua các tài khoản ngân hàng và COD) có doanh thu từ 2013 - 2016 trên 499 tỷ đồng, bị xử lý truy thu thuế (bao gồm tiền phạt, tiền chậm nộp thuế) trên 9 tỷ đồng (đã nộp).

Đến năm 2018, Cục Thuế TP.HCM đã truy thu thuế đối với ông T.P khi ông này có mức thu nhập nhận từ Google lên đến 41,4 tỷ đồng, số thuế ông T.P đã nộp là 4 tỷ đồng. Ngoài ra, trường hợp của ông L.T.V có thu nhập từ Google với số tiền hơn 720.000 USD (trên 16,5 tỷ đồng), Cục Thuế TP.HCM đã chuyển thông tin đến Cục Thuế tỉnh Quảng Nam để xử lý truy thu thuế (do cá nhân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Nam và đã chủ động trực tiếp liên hệ với Cục thuế Quảng Nam để kê khai, nộp thuế).

Trong hai năm 2021 - 2022, theo Cục Thuế TP.HCM, địa bàn có 2 cá nhân bị truy thu thuế trên 8 tỷ đồng/người, hiện đã nộp đủ. Đây là những cá nhân có thu nhập do thực hiện các chương trình quay clip, phim giải trí trên ứng dụng mạng xã hội Youtube, Tiktok.

Còn tại Hà Nội, theo Cục Thuế Hà Nội, qua rà soát thành phố có 1.194 cá nhân trên địa bàn hoạt động thương mại điện tử nhận thu nhập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook. Tính đến tháng 12/2021, số nộp ngân sách năm 2020 là 134 tỷ đồng, số nộp ngân sách năm 2021 là 129,3 tỷ đồng. Cục Thuế thành phố Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu của 32.084 cơ sở kinh doanh có hoạt động bán hàng online, 2.307 cơ sở cho thuê nhà/lưu trú để đưa vào diện quản lý thuế từ năm 2021.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay tại Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT; trong đó, có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT tử cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Thị trường TMĐT ở Việt Nam đạt khoảng 13,7 tỷ USD năm 2021, tăng khoảng 15% so với năm 2020 và được dự báo có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thị trường TMĐT đứng thứ ba trong khu vực ASEAN.

Liên quan đến số thu từ kinh doanh TMĐT thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, từ năm 2018 đến ngày 14/7 đạt 5.458 tỷ đồng; tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Trong số đó, một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như Facebook là 2.076 tỷ đồng; Google là 2.040 tỷ đồng; Microsoft là 699 tỷ đồng.

Sau hơn 3 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đã có 26 nhà cung cấp nước ngoài lớn như: Microsoft, Facebook, Netfix Samsung; TikTok; eBay... đã đăng thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 20 triệu USD.

“Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 nước đầu tiên Khu vực Đông Nam Á thành công trong việc khẳng định quyền quản lý thuế của quốc gia đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam”, ông Đặng Ngọc Minh cho biết.

Thách thức khi tăng trưởng TMĐT Việt Nam có thể đạt giá trị 57 tỷ USD vào năm 2025

Tuy nhiên, với những đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của TMĐT tại Việt Nam thực tiễn đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý hoạt động TMĐT cũng như công tác quản lý thuế như: khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp; xác định căn cứ tính thuế; phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế; kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế; kiểm soát dòng tiền...

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số dự báo năm 2022, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam khoảng 17 - 20%, đưa doanh thu TMĐT bán lẻ đạt trên 16 tỷ USD, dự kiến chiếm khoảng 7,5% doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Google và Temasek dự báo giai đoạn 2021 - 2025, kinh tế Internet Việt Nam (bao gồm TMĐT, vận tải và thực phẩm, du lịch trực tuyến và nội dung nghe nhìn trực tuyến) đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 29%/năm, đạt giá trị 57 tỷ USD, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á.

PGS. TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính nhận định, những khó khăn, thách thức trong quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới xuất phát từ các đặc điểm của mô hình kinh doanh này gắn với công nghệ hiện đại. Kết quả chống thất thu thuế từ hoạt động TMĐT thời gian qua cũng gắn với việc hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo nền tảng cho cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng công nghệ để kiểm soát giao dịch TMĐT.

Theo PGS. TS. Lê Xuân Trường, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới thì nhất thiết phải áp dụng công nghệ ở một trình độ ngày càng cao trong quản lý thuế. Trong đó, cần xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên internet làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc thực hiện thanh tra, kiểm tra, ấn định thuế; phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất; ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại (vật lý, sinh học…) để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình TMĐT thanh toán tiền mặt.

“Về lâu dài, cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số. Nếu không kiểm soát được giao dịch TMĐT trên cơ sở hành lang pháp lý đầy đủ và công nghệ hiện đại thì các nỗ lực khác sẽ không thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu đề ra”, PGS. TS. Lê Xuân Trường nhấn mạnh./.

Theo Cẩm Tú

VOV

Trở lên trên