MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều chính sách ưu đãi đón làn sóng đầu tư vào nông nghiệp

Không chỉ được biết đến là tỉnh công nghiệp, Bình Dương đang phát triển mạnh về nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.

Việc phát triển mạnh về nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao đang góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương. Để có được kết quả như ngày nay, Bình Dương đã ra sức kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

“Trợ lực” cho doanh nghiệp

Cách đây 5 năm, gia đình bà Lưu Thị Ân (51 tuổi, quê Thái Bình) chọn Bình Dương là “điểm dừng” để mưu sinh bằng việc mở trang trại gà tại xã Định An, huyện Dầu Tiếng. Gia đình bà bắt đầu với việc nuôi gà thịt, sau chuyển sang nuôi lấy trứng. Với quy mô 50.000 con gà đẻ trứng, doanh thu của trang trại mỗi năm lên đến vài tỷ đồng. Mới đây, gia đình bà được tạo điều kiện cho vay vốn từ gói hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nông nghiệp theo Quyết định 4/2016 của UBND tỉnh Bình Dương. Từ 8 tỷ đồng được vay với lãi suất ưu đãi, gia đình bà lên kế hoạch mở thêm trang trại ứng dụng công nghệ cao, lắp đặt điện năng lượng mặt trời. Gia đình bà Ân chỉ là một trong số 88 doanh nghiệp ở Bình Dương đã được phê duyệt vay vốn theo Quyết định 4 với tổng số tiền lên đến 844 tỷ đồng.

Bà Lưu Thị Ân chia sẻ, ngày mới vào Nam lập nghiệp gia đình bà đã tìm hiểu ở nhiều địa phương nhưng sau đó quyết định chọn Bình Dương vì nhiều chính sách hỗ trợ. Mới mở trang trại, gia đình được hỗ trợ về thủ tục, sau đó đến kỹ thuật và giờ đến vốn vay.

“Nếu vay ở ngân hàng lãi suất, trả lãi cao sẽ kéo thu nhập thấp xuống. Khi được vay vốn ưu đãi của công nghệ cao sẽ giảm bớt tiền lãi thì doanh thu cao, từ đó thuận lợi để tiếp tục đầu tư", bà Ân cho hay.

Không chỉ cho vay vốn, Bình Dương còn thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. Hiện tỉnh đã hình thành 4 khu nông nghiệp công nghệ cao là: khu Tiến Hùng ở huyện Bắc Tân Uyên; Khu Vĩnh Tân thuộc thị xã Tân Uyên; Khu Tân Hiệp-Phước Sang, huyện Phú Giáo; Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái cũng ở Phú Giáo.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I, chủ Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái là một trong những doanh nghiệp tiên phong thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Bình Dương. Với quy mô trên 400 ha, các sản phẩm của Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái như chuối, dưa lưới, rau quả… suốt 10 năm qua đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện, công ty đang chuẩn bị đầu tư nhà máy chế biến tại khu vực này để tăng giá trị cho nông sản.

Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I cho rằng, việc xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một hướng đi đúng và để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn nữa thì Bình Dương cần có thêm các chính sách hỗ trợ.

“Trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Bình Dương nói riêng và Chính phủ nói chung đã có những chính sách rất chi tiết về việc khuyến khích đầu tư. Mong muốn của chúng tôi cần có những hướng dẫn cụ thể để đem những chính sách đó vận dụng thực tế. Được như vậy, tôi tin rằng ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ còn phát triển xa và có chiều sâu hơn nữa” - ông Liêm bày tỏ.

Các doanh nghiệp đầu tư mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp nên diện tích cây trồng, vật nuôi ở Bình Dương tăng hàng năm. Tính đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị ở Bình Dương đạt trên 150 ha, tăng 15% so với năm 2016; tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 5.345 ha, tăng gấp 3 lần so với năm 2016. Các loại cây trồng có giá trị cao như bưởi, cam, quýt, dưa lưới, măng cụt… cũng đã tạo thương hiệu cho nông sản Bình Dương. Về chăn nuôi, Bình Dương tổng đàn trâu-bò khoảng 30.000 con/năm; tổng đàn heo khoảng 620.000 con/năm, đàn gia cầm trung bình 10 triệu con/năm.

Tiếp tục hỗ trợ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư

Theo thống kê, giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp của Bình Dương đạt trên 95 triệu đồng/ha/năm. Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao có thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/ha/năm. Gặt hái “quả ngọt” trong lĩnh vực nông nghiệp là nhờ những chính sách hỗ trợ của tỉnh đã kịp thời đến với doanh nghiệp.

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 57 năm 2018 của Chính phủ. Nếu nghị quyết được thông qua, sẽ có hàng trăm doanh nghiệp được thụ hưởng, góp phần thúc đẩy nông nghiệp Bình Dương phát triển.

Xác định rõ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là cơ hội cho phát triển nông nghiệp trong tương lai, Bình Dương đang quy hoạch, tạo quỹ đất thu hút doanh nghiệp tiếp tục đầu tư. Địa phương này cũng đang hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; tận dụng tối đa cơ hội của từ cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, ngành chức năng của tỉnh tăng cường vai trò làm đầu mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… hướng đến một nền nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

“Ngành sẽ phối hợp với các ngành liên quan như Sở Công thương, Sở Khoa học-Công nghệ, Sở Kế hoạch-Đầu tư, tổ chức hội thảo và các cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp, các siêu thị và trang trại. Từ đó, các mặt hàng, sản phẩm trên địa bàn tỉnh có sự giao lưu để đưa các sản phẩm tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu” - ông Phạm Văn Bông nói.

Với định hướng phát triển rõ ràng kèm theo những chính sách hỗ trợ hiệu quả, Bình Dương mong muốn sẽ có nhiều doanh nghiệp chọn tỉnh làm điểm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó góp phần đưa nền kinh tế Bình Dương phát triển cả về công nghiệp lẫn nông nghiệp. Đây sẽ là “đòn bẩy” giúp Bình Dương trở thành một trong bốn trụ cột không thể thiếu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Thiên Lý

Theo VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên